Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) và kỷ luật của Đảng. Đảng ta luôn khẳng định: lãnh đạo mà không KT thì coi như không lãnh đạo; KT là chức năng lãnh đạo của Đảng, là một nội dung của phương thức lãnh đạo, là bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác XDĐ. Trong quá trình tiến hành công tác KT của Đảng, khâu thẩm tra, xác minh là một khâu rất quan trọng.
Thực tiễn cho thấy, nếu chưa thẩm tra, xác minh hoặc thẩm tra, xác minh chưa rõ ràng, chu đáo thì chưa thể kết thúc KT và như thế cũng có nghĩa là chưa thể kết luận, xử lý đối với nội dung và đối tượng KT. Chất lượng và kết quả của hoạt động thẩm tra, xác minh có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc kết luận và quyết định xử lý của tổ chức đảng có thẩm quyền đối với đối tượng KT. Để đảm bảo chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cuộc KT, phải thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh trong công tác KT của Đảng.
Một cuộc thẩm tra, xác minh thực tế của cán bộ kiểm tra
Xuất phát từ yêu cầu cơ bản của công tác KT của Đảng là xem xét khách quan, thận trọng, trung thực, khoa học, xem xét kết luận chính xác, xử lý nghiêm minh. Để đạt được mục đích đó, phải tiến hành thẩm tra, xác minh.
Trong thực tiễn hiện nay, các vi phạm đang có xu hướng ngày càng gia tăng với nội dung và tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng cộng với tính tự giác, trung thực, tinh thần tự phê bình và phê bình của một bộ phận CB, ĐV giảm sút làm cho công tác KT gặp nhiều khó khăn. Tình hình đó đòi hỏi phải hết sức chú trọng công tác thẩm tra, xác minh, coi đó là khâu then chốt trong công tác KT của Đảng.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hoạt động của CB, ĐV không chỉ giới hạn trong phạm vi nội bộ Đảng, mà liên quan và có mối liên hệ với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do vậy, việc thẩm tra, xác minh để làm rõ đúng, sai, có vi phạm hay không có vi phạm trong các hoạt động của tổ chức, CB, ĐV được KT không thể chỉ dựa trên tính tự giác, tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng mà đòi hỏi vận dụng sáng tạo phương pháp, cách thức thẩm tra, xác minh trên cơ sở nguyên tắc và phương pháp công tác Đảng.
* ý nghĩa, tác dụng của thẩm tra, xác minh trong công tác KT của Đảng
- Yêu cầu cơ bản của công tác KT của Đảng là đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, khoa học, kết luận chính xác ưu điểm, khuyết điểm, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên được KT để có quyết định hoặc đề nghị cấp ủy quyết định xử lý đúng. Chất lượng thẩm tra, xác minh quyết định tính chính xác của các kết luận kKT, qua đó, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác KT.
- Thẩm tra, xác minh nhằm làm rõ đúng, sai, vi phạm hay không vi phạm của đối tượng được KT; minh oan cho những đảng viên, tổ chức đảng bị oan sai, xử lý những CB, ĐV và tổ chức đảng có vi phạm; ngoài ra ngăn ngừa, cảnh báo, giáo dục CB, ĐV trong tổ chức đảng được KT và nhất là, giáo dục những Cb, ĐV có vi phạm, tiêu cực. Hoạt động KT nói chung, hoạt động thẩm tra xác minh nói riêng đều nhằm góp phần làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Để đảm bảo phương châm: công minh, chính xác, kịp thời của công tác KT, kỷ luật của Đảng thì phải bắt đầu từ cái gốc và trước hết ở khâu thẩm tra, xác minh thật chuẩn xác, không phạm bất cứ một sai lầm nào.
- Thẩm tra, xác minh tốt không những thể hiện trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả của hoạt động KT mà còn góp phần thúc đẩy tính tự giác của đảng viên, khuyến khích quần chúng nâng cao trách nhiệm tham gia XDĐ, giữ vững uy tín của Đảng và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Nguyên tắc thẩm tra, xác minh: phải bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung KT; tiến hành thẩm tra, xác minh phải dân chủ, công khai, thận trọng, chặt chẽ, công tâm, khách quan; không bị chi phối bởi bất kỳ sức ép nào; thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng và phương pháp công tác KT của đảng.
* Những vấn đề cán bộ KT cần nắm vững khi tiến hành thẩm tra, xác minh
- Trong công tác KT của Đảng thì "thông tin" chính là những tin tức có ích về đối tượng KT cần được thu thập, phân tích, thẩm định, đánh giá, xử lý để làm rõ bản chất của sự việc. Để thẩm tra, xác minh, cán bộ KT có thể thu thập thông tin từ nhiều nguồn, không xem nhẹ hoặc bỏ qua bất cứ một nguồn nào để từ đó chọn lựa định hướng đúng khi thu thập và xử lý thông tin, tài liệu, hiện vật.
Trong quá trình thu thập và xử lý thông tin, tài liệu, chứng cứ mọi hoạt động của cán bộ KT đều liên quan và có ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến và kết quả thu thập, xử lý thông tin tài liệu, chứng cứ. Do vậy, đây là công việc rất quan trọng và thường xuyên trong các hoạt động nghiệp vụ KT.
- Tiếp cận đối tượng:
Đối tượng của hoạt động thẩm tra, xác minh trong công tác KT của Đảng là những tổ chức đảng, đảng viên hoặc tổ chức, cá nhân liên quan khác thuộc nhiều lĩnh vực và địa vị xã hội khác nhau. Mỗi loại đối tượng có đặc điểm về trình độ, khả năng nhận thức, tâm tư, nguyện vọng… khác nhau. Cán bộ KT phải tìm hiểu, tâm lý, đặc điểm riêng của từng đối tượng để có phương pháp tiếp cận thích hợp mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phương hướng chung để tiếp cận đối tượng là kết hợp vận dụng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tâm lý học để động viên, thuyết phục đối tượng bảo đảm cho mỗi kết luận KT được tổ chức đảng và mọi đảng viên thừa nhận khách quan, có lý, có tình và thực hiện nghiêm túc.
Hoạt động thẩm tra, xác minh là quá trình tìm kiếm, phát hiện, thu thập thông tin, tài liệu, bằng chứng. Để thu thập được thông tin, tài liệu, bằng chứng, cán bộ KT cần gặp, làm việc với các đối tượng liên quan đến vụ việc như: người tố cáo, người bị tố cáo, người khiếu nại, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật bị khiếu nại, tổ chức đảng, đảng viên bị KT; cá nhân và tổ chức biết sự việc hoặc có liên quan đến sự việc đang được tiến hành thẩm tra, xác minh,... Đó là những người có địa vị, mối quan hệ xã hội, trình độ, năng lực, kiến thức, lợi ích, tâm tư, tình cảm, lứa tuổi, giới tính, cá tính rất khác nhau. Để cuộc tiếp xúc đạt kết quả, cán bộ KT phải tuân thủ nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, phương pháp công tác đảng, nắm những kiến thức cơ bản về pháp luật, tâm lý học, khoa học điều tra và vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thẩm tra, xác minh.
- Thẩm tra, xác minh trong công tác kiểm tra của Đảng là công tác đảng, là một trong những khâu quan trọng và khó khăn nhất của công tác KT. Để thẩm tra, xác minh có chất lượng, kết quả đòi hỏi cán bộ KT phải tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh vững vàng, trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phương pháp công tác đảng, tránh định kiến cá nhân và các tư tưởng hữu khuynh khác.
- Thẩm tra, xác minh để làm rõ sự thật thông qua các thông tin, tài liệu, bằng chứng, tự phê bình và phê bình, tự kiểm điểm, lời khai, lời tố cáo, quần chúng phát hiện v.v... trong đó, bằng chứng xác thực là quan trọng nhất. Phải đặc biệt coi trọng bằng chứng, tìm cho được bằng chứng, kể cả bằng chứng vi phạm và bằng chứng không vi phạm, bằng chứng ngoại phạm. Không có bằng chứng xác thực thì không thể kết luận được.
- Để thu thập bằng chứng từ các tổ chức và cá nhân có liên quan, cán bộ kiểm tra cần tạo không khí cởi mở, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, chủ động tiếp cận, ứng xử phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng khiêm tốn, chân thành và nghiêm túc; tôn trọng, thông cảm với đối tượng.
- Trước khi tiếp xúc, cần chuẩn bị kỹ các phương án và các câu hỏi đặt ra với đối tượng; câu hỏi phải rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, có cơ sở và có liên quan đến vấn đề cần xác minh. Câu hỏi phải theo trình tự hợp lý và bảo đảm sự liên hệ giữa câu hỏi trước với câu hỏi sau phù hợp với năng lực, trình độ của đối tượng. Trong câu hỏi tránh bao hàm câu trả lời, tránh lộ ý định, tránh làm đối tượng lo ngại hoặc đối tượng khó hiểu, hiểu khác hoặc cho là bị xúc phạm. Trong quá trình làm việc có thể xuất hiện những tình huống, tình tiết mới phải đặt thêm câu hỏi để làm rõ, nhưng không được gây căng thẳng cho đối tượng.
- Chọn địa điểm và thời gian thích hợp cũng là điều kiện cần thiết để thiết lập quan hệ giao tiếp có kết quả.
- Giữ bí mật, bảo vệ người cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật bằng chứng và giữ bí mật các thông tin, tài liệu, hiện vật thẩm tra, xác minh thu thập được trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ./.
ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY