Xã Nhân Nghĩa nằm ở phía Nam của huyện Cẩm Mỹ, có 1.443.02 ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 88,53% diện tích toàn xã, trong đó đất đỏ bazan chiếm 75,76%, đất đen chiếm tỷ lệ 17,91%, còn lại là đất đá bọt, đất xám gley có diện tích tương đối nhỏ chiếm 6,34%. Chế độ khí hậu cùng với đất đỏ bazan tạo thành vùng tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt như cây cao su, cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn trái như chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, đu đủ… trên địa bàn xã Nhân Nghĩa có nguồn nước mặt và nước ngầm, trong đó nguồn nước mặt chủ yếu cung cấp trong mùa mưa, hạn chế trong mùa khô, nguồn nước ngầm ở độ sâu từ 15m đến 30m có trữ lượng khá lớn, có thể khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây sầu riêng mang lại, hơn hết khí hậu, thổ nhưỡng chứa hàm lượng đất đỏ ba zan ở địa phương rất hợp với cây ăn trái sầu riêng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Nhân Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng này từ nhiều năm nay cho thu nhập ổn định. Hiệu quả từ mô hình trồng sấu riêu theo tiêu chuẩn VietGAP không ít hộ trồng sầu riêng đã đăng ký nhằm học hỏi thêm cách trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo hướng VietGAP cũng như tham gia vào liên kết sản xuất để loại trái đặc trưng này luôn có chất lượng cao, đầu ra vững chắc. Tính đến tháng 12 năm 2024 trên địa bàn xã đã có 14 hộ đăng ký trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 25,67 ha, trong đó 02 hộ đã được cấp giấy chứng nhận của trung tâm kỹ thuật đo lường tỉnh Lâm Đồng vào ngày 14/12/2023 về thực hiện theo quy trình nông nghiệp tốt VietGAP. Qua đó, trái sầu riêng xã Nhân Nghĩa dễ có điều kiện xâm nhập các thị trường khó tính nước ngoài, nâng cao thu nhập cho nhà vườn. Mô hình đã sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm thay thế các loại phân vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật trước đây, giúp đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm và nâng cao chất lượng sầu riêng.
Người dân phấn khởi thu hoạch sầu riêng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGap
Theo đánh giá của người dân, khi áp dụng công nghệ sản xuất mới theo VietGAP, cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, không bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm như trước đây, từ đó đã giúp nông dân giảm giá thành sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của chính quyền địa phương và sự nhiệt tình tham gia của bà con nông dân. Nông dân khi tham gia mô hình đã thực hiện ghi chép sổ sách và hạch toán được chi phí và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đã được thay đổi theo hướng tăng cường sử dụng phân bón và chế phẩm vi sinh trong sản xuất sầu riêng, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường. Sản xuất theo quy trình VietGAP cho thấy sự phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương, có khả năng nhân rộng cao.
Để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cây ăn quả hướng đến thị trường xuất khẩu, UBND xã đã xây dựng Đề án vùng sản xuất chuyên canh các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày theo hướng phát triển bền vững nâng cao giá trị chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh nông sản giai đoạn 2022-2025, vận động người dân xã thành lập Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP gắn xây dựng mã vùng trồng, trên địa bàn xã hiện tại có 03 mã vùng trồng với 98 hộ tham gia, diện tích là 142,07 ha. UBND xã cũng đã kết nối với một số doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá vùng nguyên liệu trên địa bàn để đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch và người dân sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn của doanh nghiệp, đồng thời, xây dựng nhãn hiệu và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm sầu riêng cũng như các loại cây ăn quả khác trên địa bàn xã nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
H.Thương