Trong kỷ luật Đảng bao giờ cũng có việc bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật và quyết định kỷ luật. Việc bỏ phiếu này thể hiện tính dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng.
Điều 10, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng” (từ đây gọi là Quy định 22) đã quy định cụ thể các hình thức kỷ luật của đảng hiện nay.
Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Các hình thức xử lý kỷ luật đảng viên tiếp tục được quy định tại Điều 7, Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị “về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm” (Từ đây gọi là Quy định 69).
Đối với tổ chức đảng: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.
Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ.
Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo.
Điều 15, Quy định số 69 ghi rõ:
- Quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên; khiển trách, cảnh cáo đối với tổ chức đảng phải được biểu quyết với sự đồng ý của trên một nửa (1/2) số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó.
- Trường hợp khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba (2/3) số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị và được sự nhất trí của trên một nửa (1/2) số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
- Trường hợp giải tán tổ chức đảng phải được ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên cấp ủy cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp ủy cấp trên cách một cấp quyết định với sự đồng ý của trên một nửa (1/2) số thành viên.
- Một nửa (1/2) hay hai phần ba (2/3) quy định ở trên được tính trên tổng số đảng viên chính thức hoặc thành viên có quyền biểu quyết của tổ chức đảng, không tính trên số thành viên có mặt trong cuộc họp:
+ Ở chi bộ là tổng số đảng viên chính thức (trừ số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác và đảng viên đã được miễn công tác, sinh hoạt đảng không có mặt tại cuộc họp); nếu đảng viên được giới thiệu sinh hoạt tạm thời, đảng viên đã được miễn công tác, sinh hoạt đảng đó có mặt ở cuộc họp, tham gia biểu quyết thì vẫn tính.
+ Ở cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra là tổng số cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ hoặc tổng số thành viên ủy ban kiểm tra đương nhiệm (trừ số thành viên đã chuyển sinh hoạt đảng tạm thời không có mặt tại hội nghị, cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt).
Như vậy, đối với kỷ luật đảng viên, nếu xử lý kỷ luật ở mức khiển trách, cảnh cáo và cách chức thì chỉ cần quá (1/2) tổng số thành viên có thẩm quyền biểu quyết thông qua sẽ có hiệu lực thi hành.
Riêng kỷ luật đảng viên ở mức khai trừ đảng cần phải có “ít nhất 2/3 số thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định”.
Cũng vậy, đối với xử lý kỷ luật tổ chức đảng, nếu tổ chức đảng ấy bị xử lý kỷ luật ở các hình thức khiển trách và cảnh cáo thì chỉ cần trên (1/2) số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó biểu quyết thông qua.
Nếu kỷ luật giải tán một tổ chức đảng thì cũng phải hội đủ điều kiện có “ít nhất 2/3 số thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định”.
Trung Kiên