Dấu ấn lịch sử của đồng chí Trương Văn Bang - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đầu tiên (tháng 02/1937)

30/12/2023 22:05:52 7865      Chọn cỡ chữ A a  

Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa được thành lập tháng 02/1937 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của phong trào cách mạng ở Biên Hòa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai ngày nay) đã một lòng đi theo Đảng, chiến đấu kiên cường, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang sử vàng chói lọi. Sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa gắn liền với công lao, vai trò và dấu ấn lịch sử của đồng chí Trương Văn Bang - Người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên.

Đồng chí Trương Văn Bang sinh ngày 15/5/1911 tại làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An); trong một gia đình giàu lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Năm 1924, đồng chí Trương Văn Bang đi làm liên lạc cho Hội kín Nguyễn An Ninh.

Ảnh chân dung đồng chí Trương Văn Bang – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đầu tiên tháng 02/1937 (Ảnh tư liệu)

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng về địa chính trị, quân sự và kinh tế ở miền Đông Nam bộ. Nơi đây sớm bị thực dân Pháp đánh chiếm và tiến hành khai thác thuộc địa nên đã sớm hình thành giai cấp công nhân, đông đảo nhất là công nhân cao su cùng với nông dân lao động là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng ở Biên Hòa. Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời như một tất yếu của lịch sử. Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng của Nguyễn Ái Quốc đã thức tỉnh, giác ngộ các tầng lớp xã hội, đặc biệt là đội ngũ công nhân, thanh niên, học sinh tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Trong bổi cảnh đó, đồng chí Trương Văn Bang được thầy giáo Hồ Văn Long tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1930), sau đó, tham gia thành lập và làm Phó Bí thư Quận ủy đầu tiên ở Cần Giuộc. Năm 1931, đồng chí được bầu làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc, là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Chợ Lớn. Năm 1932, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, phụ trách công tác tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ tháng 5/1933, Đồng chí móc nối thành lập và làm Bí thư Xứ ủy lâm thời. Từ tháng 02/1934, Đồng chí bị giặc bắt và kết án tù, giam ở Khám Lớn, rồi địch đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1936, nhờ phong trào đấu tranh của Mặt trận bình dân, Đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động và được Xứ ủy cử làm đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông đi vận động thành lập tổ chức cơ sở đảng, tham gia chỉ đạo đối phó việc địch đàn áp Phong trào Đại hội Đông Dương.

Quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa vào thời điểm những năm 30 của thế kỷ XX là mảnh đất thuận lợi để gieo mầm yêu nước, ươm mầm cách mạng. Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phong trào đấu tranh và đội ngũ đảng viên, việc hình thành một tổ chức đảng để thống nhất lãnh đạo trong toàn tỉnh là một yêu cầu cấp thiết của cách mạng địa phương. Tháng 02/1935, để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng, đồng chí Hoàng Minh Châu đã triệu tập cuộc họp tại nhà ông Huỳnh Văn Ngọc (tức Năm Ông) ở Tân Triều, quận Châu Thành (nay là xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) để thành lập chi bộ đảng. Chi bộ ra đời lấy tên Bình Phước - Tân Triều gồm 07 đồng chí: Hoàng Minh Châu, Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quách Tỷ, Quách Sanh, Trần Minh Triết (Trần Văn Triết), Huỳnh Xuân Phan. Đồng chí Hoàng Minh Châu làm bí thư chi bộ đầu tiên của tỉnh.

Chi bộ Bình Phước - Tân Triều ra đời là một bước ngoặt cho phong trào cách mạng ở Biên Hòa; là nền tảng để sau này từ một chi bộ phát triển ra nhiều chi bộ, phát triển mạnh trong phong trào Mặt trận dân chủ ở Đông Dương, góp phần quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo một nền tảng vững chắc bởi vì những đồng chí ở chi bộ Bình Phước - Tân Triều và những đảng viên được chi bộ phát triển sau này là hạt nhân để hình thành Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đầu năm 1937.

Sau khi chi bộ ra đời, đã tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản để phát triển đảng viên và tổ chức đảng làm nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chi bộ thành lập Liên đoàn học sinh do đồng chí Tạ Hồng Phát làm thư ký để tập hợp học sinh thông qua các hình thức du khảo, qua đó, từng bước truyền bá, giác ngộ và phát triển đảng. Trong hai năm 1935-1936, Chi bộ Bình Phước - Tân Triều phát triển thêm được các đảng viên Phạm Văn Thuận, Huỳnh Dân Sanh, Huỳnh Văn Lũy và Phạm Văn Khoai. Năm 1936, phong trào dân chủ Đông Dương phát triển ở Nam bộ là thời cơ để Chi bộ đẩy mạnh tuyên truyền yêu nước, đòi dân chủ, chống áp bức. Phong trào phát triển mạnh ở các đồn điền cao su Xuân Lộc, Long Thành, đặc biệt hai tổng Phước Vĩnh Trung, Phước Vĩnh Hạ thuộc quận Châu Thành. Tháng 6/1936, Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa được thành lập để tập hợp quần chúng, công khai đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, cơm áo gạo tiền, chống áp bức bóc lột của tư bản thực dân, địa chủ. Phong trào được tăng cường thêm các đảng viên cộng sản Nguyễn Văn Nghĩa, Hồ Văn Đại, Nguyễn Văn Ký.

Từ thực tiễn phong trào đấu tranh ở Biên Hòa, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố kiện toàn công tác tổ chức đảng, cuối năm 1936, Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định cử đồng chí Trương Văn Bang - Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ giai đoạn (1933-1934) về Biên Hòa để vận động thành lập Ban cán sự Đảng và lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng chí đã liên lạc, móc nối đảng viên của Chi bộ Bình Phước - Tân Triều để mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng cho đảng viên. Với bí danh “5 Lọ”, “5 Đen”, ban ngày đồng chí làm nghề mộc, nghề thợ tiện và ở tại nhà đồng chí Huỳnh Xuân Phan (Tư Phan) tại Bến Cá, ấp Tân Triều để qua mắt kẻ thù. Tối đến đồng chí in truyền đơn, thường xuyên bí mật đi lại các làng, quận hoặc thông qua giao liên là Lê Thị Trừ để xây dựng cơ sở Đảng, mở rộng địa bàn hoạt động cách mạng, tổ chức tuyên truyền chủ trương của đảng cho quần chúng nhân dân; tập hợp, thống nhất hoạt động của đảng viên ở các chi bộ đảng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, đây là điều kiện cho việc ra đời Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Biên Hòa.

Tháng 02/1937, đồng chí Trương Văn Bang đã cùng các đồng chí Huỳnh Xuân Phan, Trần Minh Triết, Huỳnh Văn Liễng, Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa tại căn nhà ông Huỳnh Văn Ngọc (tức Năm Ông) - Nơi hai năm trước thành lập chi bộ Bình Phước - Tân Triều. Các đồng chí thống nhất cử đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.

Sự ra đời của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa có một ý nghĩa rất quan trọng đối với phong trào cách mạng ở địa phương: Đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình lịch sử cách mạng của nhân dân tỉnh Biên Hòa, gắn liền với công lao, vai trò và dấu ấn lịch sử của đồng chí Trương Văn Bang và các đồng chí đảng viên kiên trung. Kể từ đây, phong trào cách mạng địa phương đã có đảng lãnh đạo và nó tạo cơ sở nền tảng để đưa phong trào cách mạng của địa phương hòa chung phong trào cách mạng của cả nước. Đáp ứng nhu cầu của cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và đã có một tổ chức đảng để tập hợp, quy tụ cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân để đứng lên giành chính quyền. Đồng chí đã cùng Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo đẩy mạnh đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ với những hình thức rất đa dạng như hợp pháp, nửa hợp pháp, bí mật để kêu gọi các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp; khẳng định vai trò trong việc gieo mầm giống đỏ cách mạng, góp phần kết nối tổ chức đảng và đảng viên.

Dấu ấn đậm nét của đồng chí trong công tác xây dựng Đảng là tạo bước ngoặt phát triển mới. Đồng chí đã cùng các đồng chí đảng viên trong Tỉnh ủy trực tiếp về các địa phương để vận động cách mạng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin đến giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp xã hội khác ở các xí nghiệp, đồn điền cao su trong tỉnh. Trong điều kiện thực dân Pháp không ngừng theo dõi, truy lùng gắt gao những người Cộng sản thì sự ra đời Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa đánh dấu sự trưởng thành của tổ chức đảng, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng ở Biên Hòa. Tỉnh ủy lâm thời ra đời đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi và rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt là phong trào đấu tranh đòi tăng lương, đòi cải thiện đời sống của công nhân ở các xí nghiệp, ga xe lửa Biên Hòa và các đồn điền cao su ở Courternay và Cam Tiêm,… Tiêu biểu là cuộc diễn thuyết tại Gò Máy Bay (Bình Ý, quận Châu Thành), kêu gọi Nhân dân đoàn kết chống áp bức.

Trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa tập trung vào hai nhiệm vụ chính trị quan trọng: Nhiệm vụ thứ nhất là xây dựng các chi bộ cơ sở. Lần lượt các chi bộ đảng ở Mỹ Lộc, Xuân Lộc, các đồn điền cao su như: Courternay, An Lộc, Ông Quế được thành lập; các cơ sở cách mạng, chi bộ hình thành trong các cơ sở công nghiệp như: Ga xe lửa Biên Hòa, nhà máy cưa BIF… Nhiệm vụ thứ hai là tiếp tục vận động lực lượng công nhân cao su trong các đồn điền tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, cải thiện đời sống.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Biên Hòa có bước phát triển mới, xây dựng được nhiều tổ chức quần chúng cách mạng vừa công khai, bán công khai với các hoạt động sôi nổi và rộng khắp như: tổ chức diễn thuyết, in và phân phát truyền đơn nhằm tố cáo tội ác của giới chủ ở các xí nghiệp, đồn điền cao su; đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, lập nghiệp đoàn; bí mật tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, xây dựng được lực lượng chính trị đông đảo ở cả thành thị và nông thôn. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy lâm thời đã thành lập Ban quân sự, đội du kích, tích cực sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự,… chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam kỳ trên địa bàn tỉnh.

Qua thắng lợi của các cuộc đấu tranh, vai trò, vị thế của các cơ sở đảng càng cao. Bước đầu các tổ chức đảng đã thành công trong việc thức tỉnh và tập hợp những lực lượng tiềm tàng trong nhân dân lao động. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và thực tiễn hành động, nhận thức chính trị và năng lực công tác của cán bộ đảng, viên được nâng lên. Đảng từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ trung kiên, có năng lực và phẩm chất cách mạng, được quần chúng tin yêu và cảm phục.

Sau năm 1945, đồng chí còn giữ nhiều cương vị lãnh đạo, ở nhiều nơi, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn thể hiện được phẩm chất cao quý của người đảng viên kiên trung, tài năng, đức độ. Đồng chí thuộc lớp cán bộ có nhiều công lao “khai sơn phá thạch” cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và cả vùng Nam Bộ, với cương vị từng là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa,… ở thời điểm thực dân Pháp khủng bố dữ dội phong trào cách mạng, nhiều lần bị địch bắt, tù đày, nhưng đồng chí vẫn kiên cường, bất khuất; liên tục hoạt động, tham gia lãnh đạo tổ chức Đảng, quân đội.

Đoàn công tác Tỉnh Đồng Nai đến viếng thăm dâng hoa, dâng hương tại Nhà Lưu niệm đồng chí Trương Văn Bang ở Long An

       Đồng chí Trương Văn Bang từ trần vào ngày 31/12/1981 tại Thành phố Hồ Chí Minh, để lại nhiều dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng cho quê hương Long An và niềm tiếc thương sâu sắc của đồng bào Nam Bộ, trong đó, có Đảng bộ và Nhân dân Đồng Nai. Kỷ niệm 42 năm Ngày mất của đồng chí Trương Văn Bang - Người Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa là dịp để ôn lại những chặng đường vẻ vang, những dấu ấn lịch sử, công lao và vai trò của đồng chí Trương Văn Bang - Người con của quê hương Long An trung dũng, gắn bó và dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. 

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   18640
  • Tháng hiện tại:   339821
  • Tổng lượt truy cập:   6626919