Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) góp phần phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai hiện nay

22/11/2023 08:37:12 704      Chọn cỡ chữ A a  

Trong những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ngành kiểm tra toàn tỉnh đã chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực tổ chức thực hiện khối lượng lớn các công việc, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thành tựu chung của tỉnh. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, tăng cường công tác KT,GS của Đảng, chú trọng công tác tự kiểm tra của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, lãnh đạo cụ thể hóa Nghị quyết, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và Chương trình KT,GS toàn khóa từng nhiệm kỳ; hàng năm, lãnh đạo các cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch KT,GS và tổ chức thực hiện, trong đó, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng bộ tỉnh.

Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, chương trình, kế hoạch KT,GS hàng năm, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp giám sát thường xuyên hoạt động của ban thường vụ, thường trực cấp ủy và UBKT, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc thông qua việc nghe báo cáo giao ban định kỳ, giám sát tại các kỳ họp của cấp ủy, cho ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, tình hình thực hiện nhiệm vụ của ban thường vụ cấp ủy và hoạt động của thường trực cấp ủy, UBKT tổ chức hàng trăm cuộc làm việc với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh, các sở, ngành, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội và các Ban chỉ đạo trong tỉnh về thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp hàng năm theo các các lĩnh vực được giao. Trong thời gian qua, các cấp ủy chú trọng nâng cao hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề của cấp ủy, tăng cường KT,GS các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đối tượng KT,GS, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, đơn vị ngành, địa phương; số lượng các cuộc KT,GS của cấp ủy và UBKT các cấp tăng, UBKT tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng ngày càng toàn diện, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả, chuyển biến tích cực. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp[1] đã kiểm tra chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng gần 20.000 lượt tổ chức đảng và 165.722 lượt đảng viên (có 10% cấp ủy viên). Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra chấp hành định kỳ hàng năm 02 đợt (6 tháng và cuối năm) 16 cấp ủy trực thuộc tỉnh và thành lập đoàn kiểm tra hơn 700 lượt cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc về một số chuyên đề thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên; giám sát chuyên đề 3.767 lượt tổ chức đảng và 2.659 lượt đảng viên (có 40% cấp ủy viên); lãnh đạo UBKT các cấp tăng cường công tác KT,GS theo Điều lệ Đảng quy định, tập trung KT,GS việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; về công tác cán bộ, việc giữ gìn đạo đức, lối sống; những điều đảng viên không được làm…, chú trọng giám sát chuyên đề 3.111 lượt tổ chức đảng và 3.011 lượt đảng viên, quan tâm công tác kiểm tra cách cấp, hướng đến cơ sở, đã kiểm tra 21.340 lượt tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, kiểm tra 72 tổ chức đảng và 1.055 lượt đảng viên có dấu hiệu vi phạm, phát hiện 48 tổ chức đảng và 809 đảng viên có vi phạm, đã thi hành kỷ luật 04 tổ chức đảng và 414 đảng viên vi phạm, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm 405 đảng viên; kiểm tra tài chính đảng phát hiện 27 tổ chức đảng vi phạm về thu chi ngân sách và sản xuất kinh doanh với số tiền gần 2,0 tỷ đồng; vi phạm về thu, nộp, quản lý sử dụng đảng phí 84 triệu đồng. Thực hiện giải quyết tố cáo đối với 07 tổ chức đảng và 808 lượt đảng viên, trong đó, tố đúng có vi phạm đối với gần 30% tổ chức đảng và 60% đảng viên, cho thấy cán bộ, đảng viên và quần chúng ngày càng phát huy trách nhiệm trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên. Qua công tác KT,GS, các cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 52 tổ chức đảng và 4.638 đảng viên vi phạm (với trên 55% cấp ủy viên).

 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vụ việc nổi cộm, tập trung chỉ đạo UBKT Tỉnh ủy giải quyết nhiều vụ việc liên quan lĩnh vực đa ngành như quản lý đất đai, môi trường, xử lý rác thải, công tác cán bộ, tài chính,… của các tổ chức đảng cơ quan nhà nước, đơn vị trực thuộc tỉnh, xử lý nghiêm minh các sai phạm cố ý, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ đã đề ra. Đồng thời, lãnh đạo các ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Tỉnh ủy theo quy định của Đảng thông qua các cuộc giao ban, làm việc định kỳ hoặc đột xuất trên các lĩnh vực giữa Thường trực Tỉnh ủy với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn có liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của Ban cán sự đảng, đảng đoàn về lĩnh vực được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao để rút kinh nghiệm và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành kịp thời. Ngoài ra, các ban cán sự, đảng đoàn còn phối hợp với các cấp ủy, UBKT đảng ủy cơ quan, đơn vị thực hiện công tác KT,GS theo quy định của Điều lệ Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, ban hành 15 quy chế phối hợp giữa UBKT Tỉnh ủy với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và các đảng ủy khối trực thuộc tỉnh, Ban Biên tập Báo Đồng Nai, Thanh tra tỉnh về việc thực hiện công tác KT,GS và thi hành kỷ luật trong Đảng và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc các quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện tốt công tác KT,GS và thi hành kỷ luật đảng.

Qúa trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, trong từng khâu, từng nhiệm vụ, cấp ủy, tổ chức đàng, ủy ban kiểm tra luôn chú trọng thực hiện nhằm phát huy dân chủ trong Đảng. Từ việc vận dụng quy trình, phương pháp kiểm tra, giám sát phải dựa vào tổ chức đảng và đảng viên, dựa vào quần chúng nhân dân, để nhân dân đóng góp tích cực vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chú trọng đổi mới phương pháp, coi trọng và thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh đến việc phát huy dân chủ trong thực hiện các nhiệm vụ giám sát, giải quyết tố cáo, thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại kỷ luật, việc thực hiện tự phê và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng,.., Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhiều cấp ủy, tổ chức đàng, ủy ban kiểm tra, mà trước hết là người đứng đầu ngày càng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, nội dung, ý nghĩa về việc phát huy dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, là một yêu cầu quan trọng để giữ gìn sự trong sạch và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

 UBKT các cấp trong toàn tỉnh, đã chủ động KT,GS, kể cà kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật đối với nhiều cán bộ và tổ chức đảng vi phạm, có cả các đồng chí là cấp ủy viên, cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu; làm nghiêm từ trên xuống dưới, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua công tác kiểm tra đã xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tập thể, cá nhân có vi phạm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên; tạo được niềm tin và sự đồng thuận từ đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, đã chỉ rõ những ưu điểm để phát huy, chấn chỉnh khắc phục những khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định của Trung ương đối với các tổ chức đảng được kiểm tra; chỉ đạo các tổ chức đảng có liên quan, các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản còn bất cập cho phù hợp; trên cơ sở kết luận kiểm tra, việc thi hành kỷ luật cơ bản được xem xét, quyết định đúng thẩm quyền, đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục theo quy định, có tác dụng răn đe, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình. Các tổ chức đảng và đảng viên sau khi được KT,GS đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa vi phạm, khuyết điểm và hậu quả gây ra, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Công tác KT,GS và kỷ luật đảng đã góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Từ những kết quả trên, cho thấy, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS đã góp phần phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; đồng thời, tiếp tục quán triệt các mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra trong thời gian tới là:

- Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS, kỷ luật đảng. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra. Xây dựng và hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS, kỷ luật đảng. Cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác KT,GS, kỷ luật đảng, bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi”.

- Tập trung KT,GS tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm. Kết hợp KT,GS theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất và kiểm tra dấu hiệu vi phạm; coi trọng tự KT,GS của cấp ủy, các tổ chức đảng. Tăng cường công tác KT,GS của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.

- Nâng cao khả năng dự báo về những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ để đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm.

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp, coi trọng giám sát theo chuyên đề. Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp, các ngành, dịa phương, cơ quan, đơn vị để ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Đẩy mạnh KT,GS của tổ chức đảng cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới.

- Kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giám sát của Đảng với giám sát của Nhà nước và của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực[2].

Đồng thời, Thông báo kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Chiến lược công tác KT,GS đến năm 2030” cũng đề ra mục tiêu “Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác KT,GS, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng; bổ sung, hoàn thiện phương pháp, nội dung công tác KT,GS của Đảng trong tình hình mới.  

Từ đó, trong thời gian tới, những giải pháp chủ yếu cần tập trung là:

Một là, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác KT,GS, kỷ luật đảng.

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác KT,GS, kỷ luật đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, nêu cao tinh thần tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong công tác KT,GS để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của Nhân dân và phải công khai những điều cần thiết để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát. Tiếp tục khẳng định KT,GS là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy và của người đứng đầu cấp ủy.

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với UBKT các cấp trong thực hiện nhiệm vụ công tác KT,GS và thi hành kỷ luật trong đảng.

Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tạo bước tiến mới trong công tác KT,GS và thi hành kỷ luật đảng. Tập trung KT,GS tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên tự kiểm tra, nhất là đối với cấp ủy viên và cán bộ diện cấp ủy cấp mình quản lý, kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh. Tăng cường giám sát để giúp cho tổ chức đảng, đảng viên kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm, không để khuyết điểm kéo dài trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm của một người trở thành vi phạm của cả tập thể. Thực hiện giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; tập trung giám sát việc tham mưu, ban hành thể chế, nhất là những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, có vấn đề phức tạp mới nảy sinh, dư luận xã hội quan tâm để chủ động nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm. Việc thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm cần có tinh thần chủ động hơn, nỗ lực quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào những nơi có vấn đề phức tạp, điểm “nóng”, những địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, như các lĩnh vực kinh tế - tài chính, hành chính, tư pháp, y tế, giáo dục, quản lý báo chí, sử dụng nguồn viện trợ của nước ngoài,... Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, song, phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường KT,GS và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, góp phần quan trọng cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS

Thực hiện KT,GS theo phương châm giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tai sản, thu nhập,…Tăng cường KT,GS trách nhiệm người đứng đầu. Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao tính chủ động để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm tư sớm, từ xa.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra với các cơ quan thanh tra, cơ quan pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước, và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là phối hợp với cơ quan điều tra, thanh tra, cơ quan pháp luật để tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác KT,GS, thi hành kỷ luật đảng đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,…. UBKT các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhà nước để kiểm soát thu nhập của cán bộ, nhất là cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc quan điểm “Kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”. UBKT các cấp tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; qua KT,GS phát hiện thấy có các cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, tiêu cực thì chuyển cho các cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc KT,GS mới chuyển. Các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án,… đối với các vụ việc, vụ án về tham nhũng, tiêu cực, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ cấp ủy các cấp quản lý thì báo cáo để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến UBKT thuộc cấp ủy quản lý cán bộ để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng, không chờ khi có kết luận, kết thúc vụ việc, vụ án mới chuyển.

Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra công minh, liêm chính; tổ chức bộ máy cơ quan UBKT các cấp đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với mục tiêu “Xây dựng dội ngũ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, có đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm,, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thành thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hóa” [3], cán bộ kiểm tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi. Có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ kiểm tra và chế độ, chính sách thu hút cán bộ chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt về làm công tác kiểm tra. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa về công tác KT,GS, kỷ luật đảng bằng giáo trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, ngạch bậc và với đội ngũ giảng viên, báo cáo viên bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn.

                                                                                                                                                                                                                                               Nguyễn Thị Vân



[1] Số liệu tổng kết công tác kiểm tra, giám sát (từ 2008 đến 2021).

[2] Nghị quyết Đai hội XIII của Đảng (2021), NXB Chính trị quốc gia sự thật, trang 245-247.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa X. 

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   6706
  • Tháng hiện tại:   437185
  • Tổng lượt truy cập:   6724283