Dư luận thế giới về công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy của Việt Nam

06/02/2025 10:02:12 12      Chọn cỡ chữ A a  

Giới đầu tư quốc tế kỳ vọng vào kết quả tinh gọn bộ máy của Việt Nam. Và cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là nâng cao hiệu quả hoạt động, điều này phản ánh cam kết hiện đại hóa quản trị. Trọng tâm là tinh giản bộ máy, trong khi vẫn đảm bảo các dịch vụ công không bị gián đoạn. Động lực cơ bản cho cuộc cải cách bộ máy này được cho là xuất phát từ quyết tâm của các nhà lãnh đạo trong việc chuyển hướng nguồn lực vào phát triển kinh tế. Do đó, bất chấp những thay đổi về nhân sự và tái cấu trúc, Việt Nam vẫn cam kết tăng cường khuôn khổ pháp lý và quy định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Giới đầu tư kỳ vọng vào những kết quả tích cực mà cuộc cải tổ này mang lại đó là:

Thứ nhất, Việt Nam ra quyết định trên nguyên tắc đồng thuận chính trị tập thể. Tuy nhiên, nhờ những cải cách trong lĩnh vực hành pháp, lập pháp và trong các hoạt động của Đảng (hiện đang được tiến hành), cấu trúc phân cấp thống nhất sẽ giúp việc thực thi chính sách và ra quyết định về nhân sự hiệu quả hơn.

Thứ hai, cùng với nỗ lực chuyển đổi số, công tác cải tổ nhằm kiến tạo một khu vực công hiệu quả hơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp lý và các quy định để giải quyết các nút thắt trong phát triển kinh tế, giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn và thăng hạng trong chuỗi giá trị.

Thứ ba, những thay đổi về nhân sự ở cả cấp Trung ương và cấp tỉnh tạm thời có thể làm gián đoạn quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể kỳ vọng một quy trình đơn giản hơn sau khi hoàn tất quá trình cải tổ, đặc biệt là sau khi cắt giảm các tầng quản lý trung gian.

Thứ tư, các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục kiên nhẫn. Thủ tục hành chính rườm rà vẫn là rào cản lớn trong mọi lĩnh vực của khu vực công và vấn đề này không thể được giải quyết trong “một sớm, một chiều”.

Thứ năm, trong quá trình này, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi quá trình cải tổ cơ quan quản lý và xây dựng chiến lược hợp tác với đối tác mới. Cần lên kịch bản dự đoán các kết quả có thể xảy ra và chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ sự gián đoạn hoặc cơ hội mới nào. Bộ máy quan liêu dự kiến sẽ được tinh gọn sau khi cải tổ, nên việc quản lý hiệu quả các bên liên quan có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua những thách thức tiềm ẩn trong giai đoạn chuyển đổi và đảm bảo hoạt động thông suốt trong bối cảnh các cơ quan quản lý đang biến động.

Tiến trình tinh gọn bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay bao trùm lên toàn bộ hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng một lĩnh vực, một ngành hay một tổ chức nào. Thời điểm hiện nay cũng thuận lợi cho việc tiến hành chủ trương tinh gọn hệ thống chính trị. Đó là nhu cầu tất yếu phải thực hiện ngay trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIV để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và khi quan hệ quốc tế của Việt Nam có nhiều bước phát triển đột phá.

Việc tinh gọn bộ máy trước hết bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo của Đảng - ở đây không chỉ đơn giản là việc nêu gương mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến địa phương và cơ sở.

Tiếp theo là Quốc hội, cơ quan lập pháp, đồng thời, là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao nhằm nâng cao hiệu quả của việc xây dựng pháp luật, củng cố pháp chế, tháo gỡ những “nút thắt” của thể chế để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể cho phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, củng cố quốc phòng và an ninh.

Song song với đó là bộ máy Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp cũng có sự đổi mới, sắp xếp lại bộ máy cho đúng chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng những yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp theo là các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần được sắp xếp lại cho đúng vai trò, vị trí, chức năng trong hệ thống chính trị để phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân; xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lực lượng quan trọng bậc nhất quyết định sự phát triển của dân tộc, của đất nước.

Và cuối cùng, việc sắp xếp lại và làm tinh gọn bộ máy Đảng, Nhà nước nói riêng và toàn bộ hệ thống chính trị nói chung có những ảnh hưởng rất lớn tới thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIV, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.

Tuy nhiên, tinh gọn bô máy mới chỉ là điều kiện cần để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Đồng thời, cần phát huy được nhân tố con người, phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ quản lý. Qua đó, phát huy các nguồn nhân lực và vật chất trong xã hội để nâng cao năng suất lao động, để hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội, để củng cố quốc phòng và an ninh vững mạnh.

Vĩnh Nam

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   12254
  • Tháng hiện tại:   462686
  • Tổng lượt truy cập:   6749784