Thời gian qua, công tác cán bộ nữ và cán bộ trẻ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh luôn ưu tiên đầu tư và dành nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ; một số cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh đã tạo điều kiện và cơ hội để cán bộ nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác. Nhiều cán bộ nữ, cán bộ trẻ được tín nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong các cơ quan đơn vị, hầu hết đều phát huy tốt năng lực, sở trường công tác, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị (tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo thuộc diện tập thể lãnh đạo sở, ngành tỉnh và Ban Thường vụ các cấp ủy huyện quản lý chiếm 31,7%, cán bộ dưới 40 tuổi chiếm 23,59%).
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định về công tác cán bộ
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong quá trình thực hiện công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ có những hạn chế như tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa đạt so với Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (cấp ủy tỉnh chiếm 21,15%, cấp ủy huyện chiếm 22,52%, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh chiếm 21,13%, cấp huyện chiếm 28,62%), một số sở, ngành chưa bố trí cán bộ nữ; tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy và trong cơ cấu lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp, cấp huyện còn thấp (cấp ủy tỉnh chiếm 5,76%, giữ chức vụ lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh chiếm tỷ lệ 6,81%, lãnh đạo cấp huyện chiếm tỷ lệ 2,22%).
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trên là do:
* Về khách quan:
- Một số đơn vị do đặc thù ngành (như lực lượng vũ trang, ngành xây dựng, giao thông vận tải) nên cán bộ nữ rất ít dẫn đến việc bố trí tham gia cấp ủy hoặc trong ban lãnh đạo gặp khó khăn.
- Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, hầu hết các đơn vị, địa phương đều không tuyển dụng mới, do đó nguồn cán bộ trẻ để bổ sung, thay thế gần như không có. Đối với cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, số lượng cán bộ trẻ trong nguồn quy hoạch không nhiều trong khi đó cán bộ từ khi được tuyển dụng cho đến khi được xem xét bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý cần phải có quá trình công tác, phấn đấu, được đưa vào quy hoạch, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn... quá trình này mất khá nhiều thời gian, bên cạnh đó hiện nay điều kiện bổ nhiệm chức vụ cao hơn là phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 02 năm. Chính vì thế, đến khi được bố trí, phần lớn cán bộ đã quá độ tuổi trẻ theo quy định
- Ở nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện chủ trương giảm số lượng cấp ủy viên các cấp, đồng thời, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đa số các cơ quan, đơn vị giảm vị trí lãnh đạo quản lý do đó cơ hội cho cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp tỉnh cũng như các vị trí lãnh đạo, quản lý rất ít.
* Về chủ quan:
- Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ; trong chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn thiếu quyết liệt. Một số nơi thiếu tin tưởng vào khả năng, năng lực của đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, chính vì vậy có nhiều trường hợp cán bộ mặc dù đã nỗ lực thể hiện mình nhưng vẫn không được chú ý. Một số nơi chưa mạnh dạn giao việc, đưa vào quy hoạch, xem xét bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
- Công tác quy hoạch, tạo nguồn ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, còn khép kín, nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch còn ít hoặc có đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt nhưng tính khả thi không cao; chưa thực hiện tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch.
- Công tác tham mưu, đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên có nơi chưa sâu sát, thiếu chủ động, kịp thời, chưa phát huy hết vai trò của tổ chức mình.
- Một bộ phận cán bộ nữ, cán bộ trẻ thiếu ý chí phấn đấu vươn lên để đáp ứng yêu cầu của người cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa thật sự thiết tha, gắn bó với nhiệm vụ; một số cán bộ trẻ tuy được đào tạo cơ bản nhưng còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; một số cán bộ nữ còn tư tưởng an phận. Một số trường hợp được đưa đi đào tạo thực tiễn cơ sở nhưng thời gian quá ngắn dẫn đến chưa thể hiện được năng lực, hiệu quả công việc, chưa đủ tín nhiệm để đại hội bầu vào cấp ủy hoặc giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo cao hơn.
Để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cơ cấu cấp ủy và cơ cấu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Cần thống nhất quan điểm “tăng cường công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý là cán bộ nữ, cán bộ trẻ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ”. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ để mỗi cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng và đầy đủ, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Cần thay đổi tư duy “sống lâu lên lão làng”, khắc phục tư tưởng xem nhẹ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, thiếu tin tưởng vào khả năng gánh vác công việc của cán bộ nữ, cán bộ trẻ.
Hai là, chủ động rà soát, xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong tổng thể cán bộ, việc quy hoạch phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí cán bộ. Cấp ủy đảng phải có biện pháp quyết liệt để đảm bảo cơ cấu 03 độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ trong quy hoạch. Những cơ quan, đơn vị không có nguồn cán bộ trẻ, cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch có trách nhiệm bổ sung nguồn từ nơi khác. Việc bổ sung cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trong nhiệm kỳ phải ưu tiên bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ, nhằm đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho các khóa tiếp theo. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo 03 độ tuổi trong lãnh đạo ở từng cấp; đối với cấp huyện và tương đương trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo. Khi kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, nếu ban lãnh đạo chưa có cán bộ nữ (trừ một số ngành đặc thù) hoặc chưa có cán bộ trẻ thì cần xem xét, đề nghị bổ nhiệm đối với cán bộ nữ hoặc cán bộ trẻ, trường hợp tại cơ quan, đơn vị chưa có nguồn cán bộ đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện thì cấp có thẩm quyền xem xét điều động cán bộ từ nơi khác.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thường xuyên khảo sát, nắm chắc nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ; quan tâm bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Mạnh dạn giao việc cụ thể cho cán bộ, kể cả những công việc khó, đồng thời, phải thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tạo động lực thúc đẩy cán bộ nữ, cán bộ trẻ ra sức phấn đấu, cống hiến. Tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ với thời gian phù hợp để rèn luyện, nâng cao năng lực thực tiễn, gắn luân chuyển với bố trí cán bộ không là người địa phương, mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đã được đào tạo, có triển vọng.
Bốn là, chủ động tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ kế cận. Các cấp ủy, người đứng đầu phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tố tích cực trong số cán bộ nữ, cán bộ trẻ để họ thực sự trở thành những người tiêu biểu, toàn diện. Đối với cán bộ nữ, cán bộ trẻ xét thấy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì mạnh dạn đề bạt, bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý đã được quy hoạch. Mặt khác, các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy phải chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cấp ủy, cơ cấu lãnh đạo, tuy nhiên, quá trình thực hiện phải coi trọng chất lượng, không được rập khuôn, cứng nhắc, chạy theo chỉ tiêu; phải lấy tiêu chuẩn cán bộ làm cơ sở để xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ nữ, cán bộ trẻ phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tự giác học tập, phấn đấu rèn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý cán bộ gắn với thi đua khen thưởng và kỷ luật. Các cấp ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Tăng cường thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực đảm bảo dân chủ, công khai, phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Thực tế cho thấy ở đâu có hiện tượng tiêu cực, thiếu công bằng thì người bị chịu thiệt thường là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; mặt khác nếu không kiểm soát tốt và chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng viện cớ cần có cán bộ nữ, cán bộ trẻ để hợp thức hóa công tác cán bộ, xem nhẹ tiêu chuẩn, chọn không đúng người. Các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh các phong trào thi đua khen thưởng, đồng thời, giữ vững kỷ luật kỷ cương nhằm tạo động lực cho các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đồng thời, kịp thời chấn chỉnh các tập thể, cá nhân không thực hiện nghiêm hoặc không đầy đủ trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Sáu là, các cấp ủy phải có cơ chế, tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện đầy đủ chức năng đại diện của tổ chức mình trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ; chủ động phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ có chất lượng để cấp ủy các cấp xem xét.
Quốc Huy