Ngày 26/4/2025, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn 9308-CV/TU, ngày 21/3/2025 về tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom long trọng tổ chức Họp mặt cán bộ, chiến sĩ U1 - Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 60 năm Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (1965-2025).
Dự buổi họp mặt có các đồng chí: Phan Văn Trang, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Lê Hoàng Quân, Nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Phạm Xuân Hà, Nguyên UVTVTU, Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Trảng Bom; Nguyễn Thị Hồng Trang, TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Sơn Hùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Tuấn Anh, TUV, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom; Cao Tiến Sĩ, TUV, Bí thư Huyện ủy Thống Nhất; Lê Thành Mỹ, TUV, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu; Huỳnh Tấn Đạt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Biên Hòa cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Phan Văn Trang - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ôn lại truyền thống về Tỉnh ủy Biên Hòa U1
Ôn lại truyền thống Tỉnh ủy Biên Hòa U1, đồng chí Phan Văn Trang - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1 cho biết, cách đây vừa tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột (từ ngày 04-24/3/1975) đã tạo thêm thế và lực mới cho cách mạng, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, mở ra thời cơ để tiến tới Giải phóng miền Nam, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc ta. Trên chiến trường miền Đông Nam bộ, Bộ tư lệnh miền Nam mở chiến dịch Xuân Lộc từ ngày 09-21/4/1975 đập tan “Tuyến phòng thủ thép” cuối cùng của địch trên hướng Đông Bắc Sài Gòn, mở hành lang chiến lược để mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 26/4/1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 30 năm gian khổ của dân tộc ta, hoàn thành di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Bắc Nam xum họp Xuân nào vui hơn”.
Trước tình hình Mỹ tăng cường chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Biên Hòa trở thành một địa bàn chiến lược quan trọng. Tháng 9/1965 Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Tỉnh Biên Hòa U1 do đồng chí Nguyễn Sơn Hà làm Bí thư Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của Biên Hòa U1 được Trung ương Cục miền Nam giao là xây dựng lực lượng vũ trang mạnh, xây dựng căn cứ đứng chân lâu dài, chỉ đạo tấn công vào các căn cứ quân sự, kho tàng, các cơ quan đầu não của địch, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ Ngụy hỗ trợ các chiến trường ở miền Nam; đồng thời lãnh đạo phát triển phong trào đấu tranh trong đô thị. Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã chọn khu vực Bàu 17, nơi chúng ta họp mặt hôm nay xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài, bởi khu vực Bàu 17, Cây Gáo, Bàu Hàm có những đặc điểm rất đặc biệt đáp ứng các điều kiện xây dựng căn cứ kháng chiến như: Căn cứ nằm trong khu vực tam giác sông Đồng Nai, quốc lộ số 1, quốc lộ số 20, tỉnh lộ 24, địa thế hiểm yếu, cập sông Đồng Nai nối liền với Chiến khu Đ, các lực lượng cách mạng đứng chân ở đây tiến công vào các cơ quan đầu não của địch: Tổng kho liên hợp Long Bình, Dã chiến 2 của Mỹ, Sân bay quân sự Biên Hòa... Căn cứ có quần chúng cách mạng bao quanh che chở, đồng bào Trảng Bom, Bàu Hàm, Đại An, Thiện Tân, Trị An, Cây Gáo... Hưng Lộc, Hưng Nghĩa có lòng yêu nước là yếu tố rất quan trọng. Nhân dân yêu nước, giác ngộ cách mạng là cơ sở để cách mạng xây dựng mạng lưới hậu cần, xây dựng đường dây giao liên, đồng bào còn nuôi dưỡng bảo vệ, ủng hộ các lực lượng vũ trang, ban ngành của Tỉnh đứng chân ở đây.
Đồng chí Phan Văn Trang cho biết, với vị trí chiến lược, lại được Trung ương Cục, Bộ tư lệnh Miền chỉ đạo trực tiếp tăng cường lực lượng vũ trang, bố trí lực lượng vũ trang cho Biên Hòa U1 đủ sức tấn công địch, Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình và hỗ trợ các Huyện nông thôn, đô thị. Từ năm 1965 đến năm 1975, Căn cứ Bàu 17 là nơi đứng chân hoạt động của rất nhiều các cơ quan, lực lượng chính trị, vũ trang địa phương, Khu miền Đông, bởi nơi đây vừa là cửa khẩu hậu cần; đồng thời, có những điều kiện cho việc cung ứng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từ gạo, thuốc, pin, dây điện..., lương thực, chuối, bắp, đậu... Khu vực căn cứ có nhiều Bàu nước như: Bàu Sình, Bàu Rau Cần, Bàu Giâm Bay, Bàu Sao, Bàu 17... cung cấp rau, thủy sản... cho lực lượng cách mạng, nhưng về mùa khô các Bàu này cạn nước. Để có nước ăn uống, sinh hoạt, hai đồng chí: Ba Chùa (Bí thư Trị An) và Dương Văn Hòa, công an viên đã đào một giếng nước gần Bàu 17, giếng nước đặc biệt có nước quanh năm phục vụ rất nhiều cho lực lượng vũ trang, ban, ngành của tỉnh. Do đó, giếng được gọi là “giếng bộ đội”. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh ở đây vì bom pháo của địch khi đi lấy nước. Căn cứ này còn là nơi đào tạo huấn luyện cán bộ, chiến sĩ nội, ngoại thành và bàn đạp để đưa cán bộ, chiến sĩ biệt động vào công tác nội thành Biên Hòa.
Đặc biệt, với hệ thống giao liên được xây dựng vững chắc nhiều kinh nghiệm. Giao liên từ căn cứ đã đảm bảo an toàn cho các đoàn cán bộ lãnh đạo ra vào thành phố (đi công khai và bí mật), chuyển vũ khí từ căn cứ vào thị xã Biên Hòa phục vụ chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Xuân Kỷ Dậu 1969... Trong cuộc tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền đến căn cứ Bàu 17, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Biên Hòa và các lực lượng vũ trang Miền, tỉnh, huyện tiến công các căn cứ quân sự, sân bay, kho tàng của địch, các Chi khu Quận lỵ, phát động Nhân dân nổi dậy đấu tranh phá tan bộ máy kềm kẹp của địch. Vào chiến dịch lực lượng vũ trang hợp đồng chặt chẽ tấn công vào Tổng kho Long Bình, Sân bay Biên Hòa, Dã chiến 2 của Mỹ, Quân đoàn 3 Nguy Nha cảnh sát miền Đông gây thiệt hại rất nặng nề cho địch, làm nên một chiến dịch tấn công long trời lỡ đất góp phần chiến trường chung đánh bại ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán chính trị ở Paris và từng bước rút quân viễn chinh về nước. Trong cuộc tiến công Xuân Kỷ Dậu 1969, đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền đến căn cứ này chỉ đạo trực tiếp cuộc tiến công các cơ quan đầu não của địch trong thành phố Biên Hòa. Tỉnh ủy Biên Hòa U1 đã thành công trong việc tổ chức đưa lực lượng Sư đoàn 5 và Đội đặc công biệt động vào ém quân trong các hầm bí mật, Nội thành Biên Hòa tiến công nhiều cơ quan đầu não của địch trong thị xã Biên Hòa gây nhiều thiệt hại cho địch, hoàn thành nhiệm vụ do Trung ương Cục giao.
Chuẩn bị chiến dịch tấn công Xuân Lộc, giải phóng thị xã Long Khánh. Ngày 09/4/1975, đồng chí Lê Đình Nhơn, Phó Bí thư Khu ủy và đồng chí Lê Văn Ngọc - Bộ Tư lệnh miền Đông về căn cứ Bàu 17 chỉ đạo trực tiếp và giao nhiệm vụ cho Thành ủy Biên Hòa. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng nội thành Biên Hòa, giải phóng Biên Hòa, Khu đưa 500 cán bộ và 230 kỹ thuật để tiếp quản Sân bay. Tối ngày 09/4/1975, Bí thư Thành ủy đã vào thành phố Biên Hòa phổ biến Nghị quyết Trung ương giải phóng miền Nam cho phân ban Thành ủy, Chi bộ, đảng viên cơ sở, tổ chức 14 Ủy ban khởi nghĩa trong các phường nội đô, xây dựng các phương án bảo vệ cơ sở vật chất và tiếp quản an toàn các cơ sở công nghiệp ở Khu kỹ nghệ Biên Hòa, cơ sở hạ tầng, điện, nước...
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam bắt đầu. Từ Long Khánh, Dầu Giây, Quân đoàn 4, Trung đoàn 5 Quân khu tiến công diệt địch tại Dầu Giây, đánh dứt điểm trận Địa pháo Sông Thao, tiếp đánh dứt điềm Chi khu Trảng Bom tiến về Hố Nai đánh diệt 2 Trung đoàn Ngụy. Nhà tù Tân Hiệp B5 tù nhân phá khám thoát ra trong đêm 29/4, ta bố trí bộ phận đưa tù nhân về phía sau. Sáng ngày 30/4/1975 lực lượng Quân đoàn 4 đánh chiếm căn cứ Quân đoàn 3 Ngụy, Sư đoàn 6 tiếp quản Quân đoàn 3 và Sân bay Biên Hòa, đại bộ phận Quân đoàn 4 thần tốc về giải phóng Sài Gòn. Trong nội thành, đêm 29/4/1975 theo kế hoạch toàn bộ lực lượng bên trong Nội ô thị xã Biên Hòa do các Ủy ban khởi nghĩa lãnh đạo đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài nổi dậy cướp chính quyền tại chỗ. Chi bộ chợ Biên Hòa đã tổ chức lực lượng quần chúng kéo vào phá khám Biên Hòa, giải thoát trên 100 tù nhân bị địch giam giữ; đồng thời, vận động Nhân dân giúp đỡ lương thực, phương tiện để các anh, chị có điều kiện về quê.
Ở Khu kỹ nghệ Biên Hòa, 06 giờ sáng ngày 30/4/1975, đồng chí Tôn Văn Điểu đến Trung tâm khuếch trương kỹ nghệ (Sonadezi) ở Ngã ba Vũng Tàu hạ cờ Ngụy xuống, thượng cờ Tổ quốc lên. Sau đó, các đồng chí tiếp tục treo cờ ở các nhà máy Cogido, nhà máy đường Biên Hòa, Vicasa... Ban Công vận Thành ủy Biên Hòa tiếp quản Khu kỹ nghệ, tổ chức ngay Ban tự quản cùng với công nhân quản lý tốt tài sản ở các nhà máy.
Từ 06 giờ sáng ngày 30/4/1975, nữ Đảng viên mật Trương Thị Sáu, đảng viên Chi bộ chợ Biên Hòa vào Tòa hành chính Biên Hòa hạ cờ ngụy quyền, treo cờ Tổ quốc lên.
Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy tiền phương gồm các đồng chí: Phan Văn Trang, Nguyễn Việt Hoa, Huỳnh Việt Thắng, Nguyễn Quý Nam và Trung đoàn 5 vào đến Tòa hành chánh tỉnh Biên Hòa. Hàng ngàn quần chúng nhân dân đổ ra Quảng trường Sông Phố chào mừng và cùng vào Tòa hành chánh. Bí thư Thành ủy bước lên nền cột cờ trước sân Tòa hành chánh Tỉnh đồng bào đứng đông nghẹt, Bí thư Thành ủy nói chuyện với đồng bào: Thưa đồng bào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam suốt 30 năm kết thúc thắng lợi, quân và dân ta nhờ có Đảng Cộng sản lãnh đạo tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Giờ đây cách mạng Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, nước Việt Nam độc lập, tự do, chính quyền về tay Nhân dân. Từ nay, dân tộc Việt Nam chấm dứt cuộc đời nô lệ ngoại bang, mọi người Việt Nam, Nhân dân thành phố Biên Hòa đứng lên làm chủ đất nước, chung sức, chung lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn theo lời Bác Hồ dạy.
Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Lê Tuấn Anh, TUV, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ U1, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhất là, cán bộ, chiến sĩ U1 đã hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược và cho biết, huyện Trảng Bom - nơi đóng chân của U1 hôm nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá, nay đã vươn lên trở thành địa phương phát triển năng động, là một trong những đầu tàu công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Trong thành quả ấy, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện Trảng Bom luôn khắc ghi tinh thần cách mạng bất khuất, những hy sinh thầm lặng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ U1.
Quang cảnh nguyên cán bộ lãnh đạo, chiến sĩ U1, đại biểu dự Họp mặt cán bộ, chiến sĩ U1 - Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Long Thành (30/4/1975- 30/4/2025) và 60 năm Tỉnh ủy Biên Hòa U1
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 60 năm thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (1965-2025) là dịp để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai nói chung, 04 địa phương (thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu và huyện Thống Nhất) ôn lại truyền thống 60 năm đấu tranh, bảo vệ nền độc lập và giải phóng huyện Trảng Bom (27/4/1975), tạo cửa ngõ cho đại quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Lê Sơn