Họp mặt Cựu Chiến binh (CCB) Tiểu đoàn 240 và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025)

26/04/2025 17:22:37 14      Chọn cỡ chữ A a  

Ngày 25/4/2025, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn 9308-CV/TU, ngày 21/3/2025 về tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành phối hợp với Ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 240 tổ chức họp mặt CCB Tiểu đoàn 240 và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Quang cảnh đại biểu dự Họp mặt 

Dự buổi họp mặt có các đồng chí: Phan Văn Trang, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U3, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai; Nguyễn Thị Hồng Trang, TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Võ Văn Phi, TUV, Bí thư Huyện ủy Long Thành; Đại tá Nguyễn Văn Phơi, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Hồng Ân, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Huỳnh Minh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Hữu Thành, UVTVHU, Quyền Chủ tịch UBND huyện; Trung tá Đặng Văn Hải - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 240 anh hùng, nguyên Chính trị viên Đại đội C240; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng chí Phan Văn Trang, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U3, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ôn lại truyền thống về Tỉnh ủy Biên Hòa U3

Ôn lại truyền thống về Tỉnh ủy Biên Hòa U3 và Tiểu đoàn 240 anh hùng, đồng chí Phan Văn Trang, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U3, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, tháng 7/1961, Tiểu đoàn 240 mà tiền thân là Đại đội 240 được thành lập, đây là lực lượng vũ trang (LLVT) chủ lực đầu tiên của tỉnh Biên Hòa thuộc Quân khu miền Đông. Tháng 8/1962, Ủy ban MTTQ giải phóng miền Nam tỉnh Biên Hòa được thành lập. Đây cũng là nơi ra đời Đại đội 240, sau này phát triển thành Tiểu đoàn 240 - LLVT nòng cốt của tỉnh. Ngay từ khi mới thành lập, đại đội 240 đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 800 Quân khu, Trung đoàn 4 - Sư đoàn 5 chủ lực Miền, lập nhiều chiến công trên đường 15, liên tục bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của Mỹ và tay sai, giữ vững căn cứ. Tại đây, Đại hội Đảng bộ tỉnh Biên Hòa đã được tổ chức thành công vào tháng 10/1964. Đây là đại hội đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ Biên Hòa U3 đã lãnh đạo quân dân tham gia phối hợp cùng lực lượng Miền, Quân khu trong chiến dịch Bình Giã, mà Long Thành, Nhơn Trạch là hướng phối hợp quan trọng; lãnh đạo quân, dân Biên Hòa nổi dậy trong cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, và tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ, chuyển thế, mở vùng, làm chủ năm 1972. Đây còn là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ Phân khu 4 vào tháng 3/1970, nơi đứng chân của Phân khu ủy Phân khu 4 trong suốt thời gian từ tháng 10/1967 đến tháng 5/1971. Đặc biệt, địa bàn Bình Sơn còn là hậu phương vững chắc của cách mạng, là cửa khẩu hậu cần, đảm bảo cho các cơ quan tỉnh Biên Hòa bám trụ lâu dài lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Như vậy, từ 40 cán bộ, chiến sĩ được tách từ Đại đội 380 Thủ Biên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh đã trưởng thành trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, Tiểu đoàn 240 đã hoạt động rộng khắp trên các chiến trường: Chiến khu Đ, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom… Trong máu lửa chiến tranh, Tiểu đoàn 240 đã gắn bó mật thiết với đất và người Bình Sơn, Long Thành, Nhơn Trạch. Nơi đây cũng từng là căn cứ đứng chân của tiểu đoàn, là nơi xuất phát của những trận đánh táo bạo, mưu trí, góp phần đánh bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hướng Đông Nam được tổ chức đội hình thọc sâu binh chủng hợp thành rất mạnh với các đơn vị: Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 làm nòng cốt; lực lượng bộ binh của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; lực lượng pháo binh (pháo bắn thẳng, pháo tầm xa, lực lượng pháo cao xạ, công binh bảo đảm). Tỉnh ủy Biên Hòa đã chỉ đạo lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nhân dân, kết hợp chặt chẽ với lực lượng chủ lực Sư đoàn 304 - Quân đoàn 2, đánh chiếm cụm cứ điểm địch tại Trường Thiết giáp, Trường Sĩ quan Lục quân, Trường Cảnh sát Quốc gia Quân khu 3 và căn cứ Nước Trong. Đặc biệt, lực lượng đặc công có vị trí rất quan trọng, đã phát huy khả năng “luồn sâu, đánh hiểm”, đánh chiếm và giữ được các cây cầu, các căn cứ án ngữ của địch trên các trục đường tiến công của Quân đoàn 2 vào Sài Gòn, góp phần giảm tổn thất cho các lực lượng đột kích. Tiểu đoàn 240 lập chiến tích lớn khi đánh tan lực lượng phòng thủ của địch tại cầu Phước Thiền, bảo vệ cầu an toàn. Các chi bộ xã Bình Sơn, Phước Nguyên, Long Phước, Long Tân, Tam Phước, An Hòa, Long Hưng (huyện Long Thành) lãnh đạo du kích, Nhân dân nổi dậy, tiến công bức hàng các đồn, bót địch, lần lượt giải phóng các xã, giải phóng huyện Long Thành, Nhơn Trạch, mở cánh cửa phía Đông Nam. Trong chiến dịch đã có 380 anh hùng - liệt sĩ của Tiểu đoàn anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã hy sinh một phần thân thể để tô thắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”...

Đồng chí Trung tá Đặng Văn Hải, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 240 anh hùng, nguyên chính trị viên Đại đội C240 ôn truyền thống Tiểu đoàn 240 anh hùng

Để ôn lại truyền thống chiến đấu của tiểu đoàn 240 anh hùng, đồng chí Trung tá Đặng Văn Hải thay mặt cho các đồng chí Nguyên là cán bộ chiến sĩ và đơn vị LLVT đã từng công tác, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Biên Hòa U3; phát biểu ôn truyền thống.

Ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu tiến đánh một số điểm tại chi khu và quận lỵ Long Thành. Trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta và địch; nhiều đồng chí hy sinh; bọn địch quyết tâm tử thủ quận lỵ Long Thành (khu vực tháp nước Long Thành ngày nay) nên chúng nã đạn xối xả về phía quân ta. Trước tình thế đó, Trung đoàn 101 đã họp, phối hợp cùng đơn vị pháo 100mm đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của đơn vị bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và các khu vực xung quanh khiến chúng rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Đại đội 5 và Đại đội 7 (Trung đoàn 101) xung phong đánh chiếm mục tiêu, phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy - nhà quận trưởng Long Thành. Địch quyết tử thủ phản kháng liên tục, chúng lợi dụng nhà cao tầng và các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn mạnh vào đội hình của ta. Chỉ huy đơn vị ra lệnh cho đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận lợi, nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và áp sát mục tiêu kiên cố. Bọn địch trong trung tâm chỉ huy hoảng loạn, một số tháo chạy ra ngoài. Sau hai ngày chiến đấu ác liệt đến chiều 28/4/1975, quận lỵ Long Thành (huyện Long Thành ngày nay) hoàn toàn được giải phóng, mở đường tiến công hướng Đông Nam vào giải phóng Sài Gòn.

Ghi nhận những chiến công lừng lẫy trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tiểu đoàn 240 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã được tặng thưởng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước…

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Huỳnh Minh Dũng bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc và trong cuộc đấu tranh giải phóng huyện Long Thành, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó có các anh hùng liệt sĩ của Tiểu đoàn 240 anh hùng.

Các đại biểu đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ, quân và dân địa phương và Cựu Chiến binh Tiểu đoàn 240 dâng hương Bia Lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/41975-30/4/2025) nói chung và Giải phóng huyện Long Thành nói riêng, các đại biểu đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện tổ chức dâng hương Bia Lưu niệm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (1961-1975), nhà truyền thống, Tượng đài truyền thống Tiểu đoàn 240 Biên Hòa, liệt sĩ tại di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3. Tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm, ôn lại truyền thống 50 năm đấu tranh, bảo vệ nền độc lập và giải phóng huyện Long Thành - tạo cửa ngõ Đông Nam an toàn cho đại quân tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   11924
  • Tháng hiện tại:   333105
  • Tổng lượt truy cập:   6620203