Năm 2024, công tác dân vận (CTDV) của hệ thống chính trị tỉnh đạt kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trọng tâm là chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy các cấp kịp thời quán triệt, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về CTDV; phối hợp tham mưu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại với Nhân dân, tiếp công dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Phối hợp làm tốt công tác nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp các biện pháp giải quyết ổn định tình hình ngay từ cơ sở. Đặc biệt, trong đó, có phong trào “Dân vận khéo” đã đạt kết quả tích cực, góp phần tạo đồng thuận xã hội, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 21/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 và trên cơ sở Hướng dẫn số 02-HD/BDVTU về tiêu chí xây dựng và xét chọn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025. Phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, thu hút đông đảo cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Kết quả, qua thực hiện phong trào “Dân vận khéo” của các địa phương, đơn vị năm 2024 có: 1.366/1.394 cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tiêu chí Dân vận khéo, đạt tỷ lệ 97,5%, trong đó, đăng ký triển khai thực hiện 3.134 mô hình, điển hình (1.969 tập thể, 1.565 cá nhân). Đã xét chọn được 2.472/3.134 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (1.491 tập thể, 981 cá nhân) tập trung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
- Trên lĩnh vực kinh tế: Có 723 mô hình, điển hình (346 tập thể, 377 cá nhân), đó là, các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn, như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng trang trại, phát triển ngành, nghề, hợp tác xã, phát triển tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ… với các mô hình như: “Hợp tác xã cây ăn trái xanh - sạch Lạc Sơn xã Quang Trung” (huyện Thống Nhất); mô hình “Nuôi cá thả bè tại xã Mã Đà, “Ngôi nhà xanh”, (huyện Vĩnh Cửu); mô hình “Trồng lúa mới ST25 theo hướng hữu cơ kết hợp với sinh thái đồng ruộng” (huyện Nhơn Trạch); mô hình “Vườn ươm và trồng hoa Quỳnh Anh” (thành phố Long Khánh); mô hình “Hợp tác xã nuôi ba ba”, “Hợp tác xã cá lóc” (huyện Định Quán); “Biến chất thải thành học bổng” (Hội Phụ nữ tỉnh); mô hình “Quỹ nghĩa tình đồng đội”, “Nuôi, trồng tuần hoàn” (Hội Cựu chiến binh tỉnh), mô hình “Xây dựng được 01 Tổ hội nghề nghiệp”, “Trồng rau ngót”, “Trồng và chế biến sản phẩm Ca Cao” (Hội Nông dân tỉnh).
- Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Có 1.106 mô hình, điển hình (702 tập thể, 404 cá nhân) là các mô hình về an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay, mô hình được nhân rộng, gắn với thực tiễn, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nổi bật là các mô hình như: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng vận động tham gia bảo hiểm y tế”, “Học bổng thắp sáng ước mơ” (huyện Thống Nhất); “Mẹ đỡ đầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ”, “Bếp ăn không đồng” (huyện Nhơn Trạch); “Thu gom chất thải thực phẩm dùng làm phân bón bằng phương pháp vi sinh IMO” (huyện Cẩm Mỹ); mô hình “Tôn giáo tiếp sức học sinh đến trường” (huyện Trảng Bom); “Sách cho em tri thức" (thành phố Biên Hòa); “Căn nhà hậu phương” (huyện Định Quán); mô hình "Món ăn 0 đồng" (Hội Phụ nữ tỉnh); “1.000 đồng học phí cho em” (Quân sự tỉnh); điển hình cá nhân ông Lê Vinh Cu với mô hình “Quần chúng gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của ấp, của địa phương” (huyện Xuân Lộc)...
Đặc biệt, mô hình “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, sau 03 tháng triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi thói quen và nhận thức của người dân để cải tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp; số lượng chất thải rắn có khả năng tái sử dụng được bán để gây quỹ hoạt động cho công tác an sinh xã hội.
Mô hình “Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn”
- Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh: Có 259 mô hình, điển hình (165 tập thể, 94 cá nhân), các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình Nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ, việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Tiêu biểu như: các mô hình, điển hình: “Camera an ninh phòng, chống tội phạm”, “Giáo xứ, giáo họ bình an, trật tự” (huyện Thống Nhất); “Kênh zalo thông tin và hòm thư lắng nghe ý kiến của Nhân dân” (huyện Nhơn Trạch); “Tiếng kẻng an ninh, cứu hộ, cứu nạn và an ninh trật tự” (huyện Cẩm Mỹ); “Khéo trong việc truyên truyền, vận động chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (huyện Long Thành); “Giáo xứ, giáo họ bình an, trật tự” (thành phố Biên Hòa); mô hình “Tổ tự quản an ninh trật tự - Cựu chiến binh” (Hội Cựu Chiến binh tỉnh); “Tăng cường gắn kết thân thiện giúp đỡ đồng bào dân tộc, tôn giáo” (Quân sự tỉnh).
- Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: Có 384 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” (281 tập thể, 103 cá nhân) gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ; tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân. Tiêu biểu là các mô hình: “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu lại, tố cáo thuộc thẩm quyền” (huyện Tân Phú); “Nâng cao chất lượng phục vụ người lao động khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Khu vực phục vụ Hành chính công của Trung tâm” (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); “Triển khai cập nhật dữ liệu trên phần mềm Quản lý cán bộ công chức, viên chức - VNPT” (Sở Tài chính); khéo trong thực hiện tốt việc phát phiếu hẹn tiếp nhận hồ sơ Cấp đổi giấy phép lái xe đảm bảo không cho các đối tượng lợi dụng (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh). Đồng thời, triển khai thực hiện 02 mô hình “Buổi sáng với Nhân dân” và “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”. Ngày 15/10/2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Đồng Nai năm 2024, với 175 thí sinh của 11 đơn vị huyện, thành phố và 02 đơn vị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mỗi đội trải qua 03 phần thi, gồm: Tự giới thiệu, kiến thức chung và xử lý tình huống “Dân vận khéo” thông qua hình thức sân khấu hóa. Sau một ngày diễn ra hội thi, Ban Tổ chức hội thi đã trao 01 giải nhất; 02 giải nhì; 02 giải ba; 08 giải khuyến khích.

Hội thi Dân vận khỏe tỉnh năm 2024
Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” tiến dần trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động Nhân dân đã góp phần rất lớn vào thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong tỉnh; làm chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư tốt hơn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, các tuyến đường giao thông được chỉnh trang sạch - đẹp, các tuyến đường kiểu mẫu được xây dựng trên địa bàn dân cư.