Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia viết báo hơn 50 năm, trở thành nhà báo vĩ đại với một di sản báo chí đồ sộ, gồm trên 2.000 bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Hán, Việt…), nhiều thể loại khác nhau (xã luận, bình luận, tin ngắn, tiểu phẩm, truyện ký, dịch thuật, tranh châm biếm,…), với 150 bút danh. Trong suốt thời gian làm báo, Người đã sáng lập 09 tờ báo, trong đó, Le Paria là tờ báo đầu tiên - Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa với mục đích lên án, tố cáo tội ác man rợ của thực dân, đế quốc và thức tỉnh người lao động các dân tộc thuộc địa[1].
Sự ra đời của báo Le Paria nhằm “vì lợi ích của công lý, chân lý và tiến bộ, xóa bỏ khoảng cách giả tạo dường như chia rẽ các đồng chí - các bạn ở mẫu quốc và các đồng chí ở thuộc địa”[2]. Theo truyền đơn cổ động báo Le Paria, khẳng định: “Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa, nhằm dẫn dắt mọi người bị bóc lột thuộc mọi màu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm để trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ”[3].
Đầu tháng 5/1924, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Đoàn kết giai cấp” đăng trên báo Le Paria, số 5 với nội dung về cuộc đấu tranh của anh em công nhân bảo vệ Hôxê Lêanđrô Đa Xinva tham gia đình công phản đối giới chủ bóc lột hà khắc, bị giới cầm quyền Braxin bắt giữ và kết án 30 năm khổ sai để tuyên truyền, kêu gọi nhân dân bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới đoàn kết lại, đấu tranh chống lại chế độ tư sản, đế quốc, thực dân đàn áp nhân dân, bảo vệ lẽ phải và cuộc sống con người.
Câu chuyện được Nguyễn Ái Quốc thuật lại: Đầu năm 1921, một cuộc bãi công lớn của công nhân hàng hải nổ ra ở Braxin… Một người da đen tham gia đình công, là Hôxê Lêanđrô Đa Xinva, anh muốn lên tàu báo tin cho các thủy thủ biết. Trên bến, Hôxê gặp một tên cảnh sát ngăn lại… Hôxê cố nài. Tên cảnh sát chẳng thèm trả lời, rút súng lục ra bắn. Hôxê nhanh nhẹn tránh kịp, và lẹ như chớp, anh túm lấy tên này quẳng xuống nước. Có đến 50 tên cảnh sát có vũ khí đổ xô đến đánh Hôxê… Cuối cùng anh không chịu nổi số đông, ngã xuống với 18 viên đạn trong mình. Tuy vậy, anh còn đủ sức để lẩm nhẩm bài Quốc tế ca khi được khiêng đến nhà thương. Rồi sau chúng đưa anh ra tòa, anh bị kết án 30 năm khổi sai”[4].
Sau khi giới cầm quyền Braxin kết án Hôxê 30 năm tù về tội đình công, chống cảnh sát, đã dấy lên sự phản kháng to lớn của anh em công nhân và đông đảo người dân Braxin. Một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ, bảo vệ Hôxê trong suốt mấy năm liền, đó là “anh em công nhân cách mạng lập ngay một ủy ban bảo vệ. Một mặt, họ mướn nhiều trạng sư (luật sư) cãi cho bạn (tức bảo vệ Hôxê); mặt khác, họ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối trong cả nước. Một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ Hôxê được tiến hành mạnh mẽ suốt ba năm. Dư luận quần chúng công phẫn (căm phẫn) đến mức nhà chức trách phải mang vụ án ra xét xử lại”[5].
Trước cuộc đấu tranh quy mô lớn của công nhân để bảo vệ Hôxê, buộc chính quyền Braxin phải nhượng bộ. Ngày 08/02/1924, vụ án Hôxê được giới cầm quyền Braxin tiến hành xét xử lại. Để thể hiện tinh thần đoàn kết bên Hôxê trong ngày xét xử lại vụ án, “một vạn rưỡi công nhân dự phiên tòa kéo dài suốt đêm… Đồng chí Paolô Đê Laxécda và các bạn đồng nghiệp đã hùng biện bác bỏ thắng lợi mọi lý lẽ của biện lý (tức là thẩm phán của phiên tòa). Phiên tòa đến 04 giờ 30 phút sáng mới kết thúc. Tòa xử trắng án cho anh Hôxê. Bản tuyên án được hoan nghênh bằng những tiếng vỗ tay vang như sấm. Anh Hôxê bãi công da đen ngả mình trong cánh tay các đồng chí và những người bảo vệ anh, những đại biểu của công nhân da trắng”[6].
Qua câu chuyện tình “Đoàn kết giai cấp” của những người công nhân bảo vệ thành công anh công nhân da đen Hôxê trước giới cầm ở Braxin đã phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, không phân biệt thành phần xã hội, giai cấp, màu da là một chân lý sống của nhân loại. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc rút ra một chân lý cách mạng, cuộc sống của loài người, đó là “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình ái hữu là thật mà thôi: Tình ái hữu vô sản”[7].
Sau khi Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách cách mạng, Người vận dụng tinh thần đoàn kết giai cấp qua cuộc đấu tranh giành thắng lợi của anh em công nhân ở Braxin dành cho Hôxê, đã tham gia thành lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức” (09/7/1925) bao gồm đại diện Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Inđônêxia, Miến Điện,... Tuyên ngôn của Hội khẳng định: “Con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới, áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác”[8].
Tháng 5/2024, kỷ niệm tròn 100 năm bài viết “Đoàn kết giai cấp” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria, số 25 (5/1924-5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, người Việt Nam trong và ngoài nước bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đến Bác Hồ kính yêu; đồng thời, trong tháng 5 kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2024) toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam báo công với Bác Hồ về những thành tích cả nước đạt được và quyết tâm sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, sai lầm để tiếp tục tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Người hằng mong muốn.
[1] Lê Trung Kiên (2022), Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đối với báo Le Paria (dẫn theo https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-ao-uc-phong-cach-ho-chi-minh1/-/2018/826435/nhung-hoat-dong-cua-nguyen-ai-quoc-doi-voi-bao-le-paria.aspx#)
[2] Hồ Chí Minh (2021), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr. 496.
[3] Hồ Chí Minh (2021), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr.196-197.
[4], [5], [6], [7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr. 286; tr.287; tr.287; tr.287.
[8] Dẫn theo https://baotanghochiminh.vn/nguyen-ai-quoc-tham-gia-sang-lap-hoi-lien-hiep-cac-dan-toc-bi-ap-buc.htm
Lê Quang Cần