Nhân kỷ niệm 155 năm Ngày sinh của V.I.Lênin - Nhà lãnh đạo vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, nhà lý luận xuất sắc của chủ nghĩa Mác-Lênin - Di sản tư tưởng của V.I.Lênin vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng, định hướng cho các phong trào cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới. Tư tưởng của V.I.Lênin không chỉ là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh giai cấp ở thế kỷ XX mà còn mang những giá trị trường tồn, có ý nghĩa sâu sắc trong việc giải quyết nhiều vấn đề trong bối cảnh hiện đại. Một trong những bài học có giá trị trường tồn mà V.I.Lênin để lại đó là bài học về xây dựng chính quyền cách mạng “Thà ít mà tốt” được thực hiện ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga. V.I.Lênin đã yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” để đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết”.
V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2025) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III)
Ngày 22/4/1870, nhân dân tiến bộ trên thế giới kỷ niệm 155 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2025) - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III), đồng thời, lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Gần 108 năm qua, cuộc Cách Tháng Mười Nga và những tư tưởng, lý luận của V.I.Lê-Nin, trong đó, có xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn còn nguyên giá trị thời sự, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chúng ta thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy công quyền theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva ngày 25/5/1919 (Ảnh tư liệu)
Là người lãnh đạo đất nước Xô Viết những năm đầu sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin đã có những chỉ dẫn rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị với luận điểm nổi tiếng “Thà ít mà tốt”. V.I.Lênin cho rằng tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị là lĩnh vực trọng yếu nhất và khó khăn nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời, cũng nêu rõ "đây là nhiệm vụ khó khăn nhất". Và thực tiễn cho thấy sau 05 năm xây dựng bộ máy nhà nước của chính quyền cách mạng, chính V.I.Lênin đã phải nhìn thẳng vào sự thật rằng: “Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác” và “... bộ máy nhà nước của chúng ta, trong một mức độ rất lớn, vẫn còn là một tàn dư của thời trước, và rất hiếm được sửa đổi một cách ít nhiều đáng kể. Bộ máy ấy chỉ mới được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ ở ta”.
Trong bộ máy nhà nước đó, V.I.Lênin không ngại chỉ ra có một bộ phận cán bộ chỉ “nói những lời rỗng tuếch, những lời ba hoa... chạy ngược, chạy xuôi tíu tít... cải tổ các cơ quan và lập ra các cơ quan mới”. Từ thực trạng đáng buồn đó của bộ máy nhà nước, V.I.Lênin đã yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước tuân theo quy tắc “Thà ít mà tốt” để đạt được mục đích “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết”. Theo đó, V.I.Lênin đã lựa chọn tập trung ưu tiên đổi mới hoạt động của các cơ quan đầu não của bộ máy nhà nước. V.I.Lênin còn đưa ra đề xuất kết hợp giữa một cơ quan Đảng và một cơ quan Nhà nước do tính chất và nhiệm vụ của chúng có nhiều điểm tương đồng. “Thật vậy, tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế? Phải chăng chưa bao giờ có ai nhận xét chẳng hạn rằng trong một bộ dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới được thành lập?”.
Cùng với những chỉ dẫn về tổ chức chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, V.I.Lênin cũng đặc biệt quan tâm đến những con người làm việc cho bộ máy nhà nước. Theo V.I.Lênin, để để xây dựng được một bộ máy thật sự mới và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, thì cần “... chọn những người xứng đáng và phải kiểm tra việc chấp hành thực tiễn: làm như thế nhân dân sẽ tán thành... và chỉ khi nào biểu hiện được đúng ý nguyện của nhân dân, thì chúng ta mới quản lý nhà nước được”.
Trong tổ chức chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Đảng có vai trò tiên phong. V.I.Lênin là người đặt nền móng lý luận về vai trò của Đảng Cộng sản như một tổ chức tiên phong, dẫn dắt quần chúng đi đến thắng lợi. V.I.Lênin nhấn mạnh, Đảng không chỉ là tập hợp những người có cùng chí hướng mà phải là một lực lượng đoàn kết, có kỷ luật và gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong Làm gì?, V.I.Lênin khẳng định, để cách mạng thành công, cần có một đội ngũ tiên phong đủ năng lực tổ chức và lãnh đạo quần chúng; đồng thời, nhấn mạnh vai trò của tổ chức, lý luận và ý thức chính trị của chính đảng trong việc dẫn dắt giai cấp vô sản đi tới thắng lợi cách mạng. Ở nước ta, tư tưởng của V.I.Lênin về vai trò của Đảng cách mạng tiên phong đã được kế thừa và phát triển, thể hiện qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Để tiếp tục phát huy giá trị, Đảng cần không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, giữ vững mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân. Các chiến dịch như: Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách hành chính; hay việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là minh chứng cho việc áp dụng tư tưởng Lênin vào thực tiễn. Giá trị trường tồn của tư tưởng chính là nhấn mạnh sự cần thiết của một chính đảng lãnh đạo mạnh mẽ, đồng thời, phải liên hệ mật thiết và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Sau hơn một thế kỷ, những chỉ dẫn của V.I.Lênin về sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước vẫn còn có giá trị thời sự đến ngày nay. Mặc dù diện tích không quá lớn, nhưng bộ máy hành chính các cấp của Việt Nam hiện nay lại ở trong nhóm đầu các nước có bộ máy hành chính cồng kềnh trên thế giới. Khoảng 12.000 đơn vị hành chính không chỉ “ngốn” tới 70% ngân sách, mà còn là sự cồng kềnh của bộ máy với nhiều tầng nấc trung gian, chồng chéo trách nhiệm... lại “tồn tại” trong thời gian dài đang kéo lùi sự phát triển. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Đảng đã nhận ra thực trạng này. “Từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn. Nhưng hiện nay, mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Sắp xếp ở một số Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ, ngành, còn Trung ương chưa làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại diễn đàn Quốc hội tháng 10/2024 và khẳng định: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được". Và trong bài viết: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã khẳng định việc tinh gọn tổ chức bộ máy “phải tuân theo qui tắc này: Thà ít mà tốt...” của V.I.Lê-Nin.
Như vậy, cuộc cách mạng nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, là yêu cầu tất yếu, là chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước; cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có thể nhận thấy, kể từ khi người đứng đầu Đảng phát động cuộc cách mạng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đến nay, thực tiễn dần sáng tỏ những lý luận, cách làm mà V.I.Lênin làm trong đổi mới, sắp xếp tổ chức máy nhà nước Xô Viết cách đây hơn 100 năm, đã và đang được Đảng ta vận dụng thực hiện đúng đắn, được dư luận xã hội đồng thuận, nhân dân hưởng ứng, chung tay hướng đến xây dựng “bộ máy xã hội chủ nghĩa” gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, đủ năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh của V.I.Lênin là dịp để nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại; chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo những tư tưởng cơ bản của Lênin, của chủ nghĩa Mác-Lênin cho phù hợp với thành tựu của cách mạng thế giới, của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay. Các thế hệ hôm nay và mai sau tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công lao to lớn của V.I.Lênin, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, vị lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, người bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, người sáng lập Nhà nước Xô Viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới và lãnh đạo nhân dân Liên Xô bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực; nguyện tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết một lòng, kiên định thực hiện lý tưởng và con đường cách mạng vô sản, xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Lê Sơn