Ngày 29/3/1975, thành phố Đà Nẵng được giải phóng, đây là thắng lợi quyết định của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra từ ngày 21 đến ngày 29/3/1975 là một trong ba đòn tiến công chiến lược quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Thắng lợi nhanh chóng của Chiến dịch đã làm tan rã toàn bộ tuyến phòng thủ chiến lược của địch ở miền Trung, tạo bước ngoặt quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng.
Bối cảnh lịch sử diễn ra đòn đánh quyết định:
Sau Hiệp định Paris năm 1973, mặc dù rút hết quân khỏi Việt Nam, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tay cho ngụy quyền tay sai, hòng phá Hiệp định Paris và giành quyền kiểm soát các vùng giải phóng. Tuy được Mỹ tiếp sức về nhiều mặt, nhưng quân ngụy không tránh khỏi sự suy yếu cả về quân sự, chính trị lẫn tinh thần. Từ giữa năm 1974 trở đi, chúng không tổ chức được một cuộc hành quân lấn chiếm nào, thay vào đó là các hoạt động mang tính phòng ngự để giữ vững những vùng đã chiếm.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam (Ảnh chụp tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Về phía ta, trước sự phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực của chiến trường miền Nam trong năm 1974, Bộ Chính trị đã họp và hạ quyết tâm lịch sử: Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976 và nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Bộ Tổng Tư lệnh đề ra kế hoạch tổng tiến công gồm ba đòn tiến công lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Sài Gòn. Trong đó, Tây Nguyên là hướng tiến công mở đầu, Huế - Đà Nẵng là đòn quyết định đánh sập tuyến phòng thủ của địch ở miền Trung, còn Sài Gòn là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Từ ngày 08/3/1975, quân ta tấn công đợt một ở nông thôn, đồng bằng. Quân đoàn II đánh chiếm các cứ điểm địch trên tuyến đường 14, khu vực Mỏ Tàu, vành đai của địch bảo vệ căn cứ Phú Bài, tuyến giao thông Huế - Đà Nẵng, mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng, quân ta đánh sập cầu An Lỗ, cắt tuyến chi viện của địch từ Huế ra tuyến phía bắc, chiếm căn cứ Phổ Lại, huyện Phong Điền; chiếm căn cứ huyện Hương Trà... Từ đó, quân và dân thành phố Huế nổi dậy khắp nơi, đồng loạt tiến công địch, thu nhiều thắng lợi quan trọng. Ngay sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột và thắng lớn trên chiến trường Tây Nguyên, trên cơ sở phát hiện những lúng túng và sai lầm trong chỉ đạo chiến lược của địch, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã khẳng định thời cơ chiến lược đã đến và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong ngay trong năm 1975. Trước mắt nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong Vùng chiến thuật 1, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế, Đà Nẵng. Lúc này, chiến trường Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng được Mỹ, ngụy xác định là "cánh cửa thép" phòng thủ cho miền Nam. Do đó, chúng cho tập trung lực lượng lớn tại đây, gồm: 06 sư đoàn bộ binh, trong đó, có hai sư đoàn cơ động chiến lược (dù, lính thủy đánh bộ), cùng bốn liên đoàn biệt động quân, năm thiết đoàn xe tăng thiết giáp (449 xe), tám Lữ đoàn pháo binh cơ giới (418 pháo), sáu Hải đoàn, một Sư đoàn không quân (hơn 300 máy bay), với tổng quân số hơn 11 vạn, chưa kể lực lượng bảo an, dân vệ. Tính ra, cứ bảy người dân có một lính đánh thuê kìm kẹp khống chế.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là chiến dịch lớn thứ hai của ta tiếp sau Chiến thắng Tây Nguyên, nhằm phá tan tuyến phòng thủ then chốt của địch ở miền Trung, tạo hành lang chiến lược thuận lợi cho đòn đánh cuối cùng vào Sài Gòn. Nhằm chuẩn bị cho Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, từ cuối năm 1974, ta đã triển khai nhiều hoạt động quân sự nhằm tạo thế và lực. Về lực lượng, ta tổ chức huy động Quân đoàn 2 (gồm các Sư đoàn 304, 324, 325, Lữ đoàn xe tăng 203, Sư đoàn pháo binh 673, Lữ đoàn công binh 219) cùng lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên và Quân khu 5. Lực lượng hậu cần được tăng cường từ miền Bắc vào. Về trang bị, ta bổ sung vũ khí hạng nặng, đạn dược, lương thực, phương tiện vận tải. Các tuyến hậu cần được mở rộng để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho chiến dịch. Về chiến thuật, ta liên tục mở các đợt tiến công nhỏ vào các cứ điểm địch nhằm làm tiêu hao lực lượng địch, cô lập Huế - Đà Nẵng khỏi các khu vực xung quanh. Cùng với đó, ta theo sát động thái của địch, nắm chắc kế hoạch co cụm chiến lược của chúng để kịp thời ra đòn khi thời cơ chín muồi.
Đập tan "cánh cửa thép":
Với việc chuẩn bị khẩn trương, toàn diện, ngay khi Chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, ta đã triển khai Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, trận quyết chiến chiến lược thứ hai của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến dịch do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân là Chính ủy. Tư tưởng chỉ đạo hành động cho toàn chiến dịch là: "Bí mật, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng, nắm vững thời cơ, sẵn sàng phát triển tấn công, giành thắng lợi lớn trên toàn chiến trường".
Ngày 21/3/1975, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế. Đến ngày 24/3, quân ta đã bao vây toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế. Sáng 25/3/1975, các cánh quân của ta từ các hướng tiến công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch rút chạy ở cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Từ nhiều hướng, quân ta đánh vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo vòng vây, kẹp chặt địch ở thành phố Huế và cửa Thuận An. Cùng lúc này, quân, dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, nổi dậy chiếm các quận lỵ, làm chủ chính quyền và truy quét bọn ác ôn ngoan cố.
Ngày 26/3/1975, Sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng hoàn toàn. Thắng lợi vang dội này là một đòn phủ đầu chí mạng giáng vào kế hoạch phòng ngự co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung, tạo thế uy hiếp từ hướng Bắc đối với quân địch ở Đà Nẵng. Cùng thời gian này, lực lượng vũ trang Quân khu V phối hợp với quần chúng cách mạng tiến công và nổi dậy tiêu diệt Sư đoàn II quân đội Sài Gòn, giải phóng Tam Kỳ (24/3), Quảng Ngãi (25/3), Chu Lai (26/3), giải phóng toàn bộ phía Nam Quân khu I, tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam.
Các thắng lợi ở Huế và các tỉnh trên đã phá vỡ một bộ phận quan trọng trong kế hoạch co cụm giữ Đà Nẵng của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến lên tiêu diệt địch ở Đà Nẵng. Đà Nẵng là căn cứ quân sự liên hợp hải, lục không quân hiện đại, mạnh bậc nhất ở miền Nam, mặc dù lúc này lực lượng còn rất lớn nhưng đã hoàn toàn bị cô lập. Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: Sau khi mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, địch muốn giữ Đà Nẵng cũng không được. Do đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thông qua kế hoạch giải phóng Đà Nẵng với tinh thần "kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất và với lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất". Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, sáng 28/3, từ nhiều hướng khác nhau, quân ta tiến công dồn dập và mạnh mẽ vào Đà Nẵng. Đông đảo quần chúng và các lực lượng tự vệ, biệt động trong và ngoài thành phố nổi dậy và phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực. Quân ta nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu: Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, sân bay, quân cảng, Tòa thị chính… Ngày 29/3, quân ta làm chủ hoàn toàn Đà Nẵng. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở miền Trung bị đánh tan, lực lượng quân ngụy còn lại rơi vào tình trạng hỗn loạn, không còn khả năng tổ chức kháng cự. Hàng vạn binh lính ngụy quân ra hàng, ta thu giữ một lượng lớn vũ khí, xe tăng, máy bay và nhiều trang bị quân sự khác. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi.
Góp phần quyết định vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975:
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng là một thắng lợi lớn, vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa tạo tác động chính trị sâu sắc. Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, với công tác chuẩn bị gấp rút, nhưng nhờ sự chỉ huy tài tình của Bộ Tổng Tư lệnh và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Chỉ trong chưa đầy 10 ngày, quân ta đã đập tan một hệ thống căn cứ quân sự kiên cố bậc nhất của địch. Nhiều đơn vị chủ lực tinh nhuệ, trong đó có cả lực lượng tổng dự bị chiến lược và các vũ khí hiện đại do Mỹ cung cấp, đã bị tiêu diệt hoặc tan rã. Chiến dịch giáng đòn mạnh vào chiến lược co cụm phòng thủ của địch, khiến chúng bế tắc cả về chiến thuật lẫn chiến lược. Giải phóng Huế, ta đập tan tuyến phòng thủ then chốt ở phía Bắc miền Trung, mở toang "cánh cửa" tiến vào Đà Nẵng. Khi Đà Nẵng - thành trì kiên cố nhất của địch ở miền Trung - bị thất thủ, chính quyền Sài Gòn đã hoảng loạn tột độ. Ngay trong đêm 29/3, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây nhận định: "Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ còn tính bằng ngày và giờ". Thắng lợi này tạo phản ứng dây chuyền trên toàn chiến trường miền Nam, làm tan rã hệ thống chỉ huy của địch. Cùng với Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng làm thay đổi hoàn toàn tương quan lực lượng, đẩy quân đội Sài Gòn vào thế suy sụp không thể cứu vãn.
Về chiến lược, việc giải phóng toàn miền Trung giúp ta mở rộng hậu phương vững chắc, nối liền vùng giải phóng từ Tây Nguyên đến ven biển, tạo điều kiện tập trung lực lượng cho trận quyết chiến tại Sài Gòn - Gia Định. Đồng thời, Chiến dịch cũng tạo thế trận vững chắc cho ta giải phóng quần đảo Trường Sa và hình thành cánh quân phía Đông tiến vào Sài Gòn, góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Không chỉ là một đòn đánh quân sự quyết định, thắng lợi của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng còn thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén của Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo, điều hành tác chiến Chiến dịch, nổi bật là nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ: tạo thời cơ bằng chiến thắng Tây Nguyên, buộc địch phải co cụm về Huế - Đà Nẵng, làm bộc lộ điểm yếu của chúng. Chớp thời cơ nhanh chóng mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, không để địch kịp củng cố lực lượng, khai thác triệt để sự rối loạn của chúng. Sử dụng chiến thuật bao vây, chia cắt, đánh nhanh thắng nhanh, tận dụng tối đa sự suy yếu của địch để giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Đến ngày 03/4/1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung được giải phóng.
Ngày 29/3/1975, Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 (thứ 4, đeo kính) chỉ huy các mũi tiến công vào thành phố Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Ngày 29/3/1975, Quân Giải phóng hành quân qua cầu Nguyễn Tri Phương tiến vào Đà Nẵng (Ảnh tư liệu)
Quân giải phóng tiến qua đèo Cả (Khánh Hòa) vào giải phóng các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ (Ảnh tư liệu)
Là một trong ba chiến dịch lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng không chỉ là một thắng lợi quân sự vang dội mà còn mang ý nghĩa chiến lược quyết định, đánh sập tuyến phòng thủ kiên cố nhất của địch ở miền Trung, làm tan rã lực lượng quân sự tinh nhuệ của chính quyền Sài Gòn. Thắng lợi này đã mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đẩy nhanh tiến trình giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng cũng là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật quân sự xuất sắc của Đảng và ý chí quyết thắng của quân dân ta, góp phần đưa đất nước đến ngày thống nhất trọn vẹn. Thắng lợi nhanh chóng của Chiến dịch đã đập tan hệ thống phòng thủ của địch tại miền Trung, giải phóng 05 tỉnh, thành phố là: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, làm phá sản âm mưu co cụm chiến lược; tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh, mở ra thế và lực mới để quân và dân ta đi đến trận quyết chiến cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Tròn 50 năm sau ngày giải phóng (29/3/1975-29/3/2025), thành phố Đà Nẵng có những bước chuyển mình ngoạn mục, đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1997, khi được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vô cùng nhanh chóng, dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Những công trình trọng điểm, ấn tượng trên nhiều lĩnh vực góp phần tạo nên bộ mặt đô thị của thành phố khang trang, hiện đại.
Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, Đà Nẵng đã nhanh chóng xác lập vị thế tiên phong trong phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Hai văn kiện quan trọng là Nghị quyết số 43/NQ-TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia chính là “kim chỉ nam” định hướng cho sự phát triển này tại Đà Nẵng. Với chiến lược phát triển bền vững và các chính sách đột phá, Đà Nẵng đang dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đặt nền tảng vững chắc, trong khi việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với các hành động cụ thể sẽ giúp thành phố tiến nhanh hơn trên con đường phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng. Với định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ từ Trung ương, thành phố đang trên từng bước trở thành một đô thị thông minh, sáng tạo và đáng sống, không chỉ trong nước mà còn trong tầm khu vực châu Á.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa chào mừng và tổ chức nhiều hoạt động tri ân, "đền ơn đáp nghĩa". Thành phố đã phát động ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng Căn cứ cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng thời kháng chiến; hỗ trợ tỉnh Quảng Nam đầu tư tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đại hội XIV của Đảng sẽ được coi là Đại hội hoạch định đường lối để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp như hiện nay, cùng với cả nước, Đà Nẵng vừa phải nắm bắt được những thời cơ thuận lợi, vừa phải đối phó với những thách thức. Đà Nẵng đã và đang chủ động nắm bắt thời cơ, tạo vận hội mới để vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lê Sơn