Ngày 13/4/2025 tại ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh), đồng bào dân tộc Chơ-ro đã tổ chức lễ hội Sayangva hay còn gọi là lễ hội mừng lúa mới. Tham dự lễ hội có các đồng chí: Nguyễn Thị Vẹn, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Trung Tín, UVTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Long Khánh; Nguyễn Văn Hoàng, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận thành ủy Long Khánh; Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo thành phố Long Khánh; đại diện các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố Long Khánh, xã Bảo Quang (thành phố Long Khánh) cùng đông đảo đồng bào dân tộc Chơ-ro và Nhân dân địa phương tham dự.
Lễ hội Sayangva thường được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch. Trước khi diễn ra lễ hội, tại khu rẫy trồng lúa, khi thu hoạch mùa màng, người Chơ-ro để lại một vạt lúa trĩu hạt. Những bông lúa tốt được bó lại bằng tranh, rơm, lá chuối và rào bốn bên bằng các loại tre gai, cây cối để bảo vệ. Theo quan niệm của người Chơ-ro thì hồn lúa trú ngụ tại vùng lúa tốt và chờ cho đến khi họ tổ chức lễ Yangva thì rước về. Nghi thức rước hồn lúa là nghi thức đầu tiên trong lễ cúng Yangva.
Tại lễ hội, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người Chơ-ro đã tập trung tại nhà của Già làng, để làm những món ăn truyền thống như: bánh dày, cơm lam, nấu canh bồi… Song song với việc chuẩn bị các món ăn truyền thống, ngoài sân, những thanh niên nam, nữ Chơ-ro nhiệt tình tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, giao lưu ẩm thực, giao lưu hát múa cồng chiêng giữa đồng bào dân tộc Chơ-ro với các khách mời và bà con nhân dân tại khu vực diễn ra lễ cúng… Các hoạt động vui chơi tại lễ hội được kéo dài cho đến tận đêm khuya, mọi người tập trung bên bếp lửa, cùng nhau hát múa, uống rượu cần.
Lễ hội Sayangva là một nét sinh hoạt văn hóa rất độc đáo của người Chơ-ro còn được bảo lưu. Tại tỉnh Đồng Nai, lễ hội Sayangva là nơi thể hiện văn hóa của đồng bào dân tộc Chơ-ro đang sinh sống tại các địa phương như: thành phố Long Khánh và các huyện: Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ,… vẫn được đồng bào, cấp ủy, chính quyền các địa phương duy trì tổ chức, nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chơ-ro. Đây là dịp để đồng bào Chơro giao lưu, vui chơi, giới thiệu và lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc đến cộng đồng.
Một số hình ảnh tại lễ hội:
Đồng chí Nguyễn Thị Vẹn, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tặng quà, chúc mừng lễ hội
Tiết mục văn nghệ tại lễ hội do đồng bào dân tộc Chơ-ro biểu diễn
Đào Thị Nga