Theo Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, tại Khoản 4, Điều 3 quy định về khái niệm Giám sát; theo đó “Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá, kết luận hoạt động nhằm kịp thời nhắc nhở để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, vi phạm (nếu có). Hình thức giám sát có giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề; giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh”.
Về nội dung chi tiết của 02 hình thức giám sát, tại Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng cũng đã xác định rõ việc thực hiện giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Cụ thể, 02 hình thức giám sát này được phân định rõ gồm:
* Về Giám sát thường xuyên được thực hiện qua cách thức giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp
1. Giám sát trực tiếp
- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên giám sát trực tiếp thực hiện qua đối thoại, chất vấn tại các kỳ hội nghị của cấp ủy; nghe tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp báo cáo; qua sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các đồng chí cấp ủy viên; cử thành viên cấp mình dự các cuộc họp, hội nghị của đối tượng giám sát; cấp ủy viên từ cấp cơ sở trở lên gặp gỡ, trao đổi, góp ý với đối tượng giám sát.
- Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp giám sát trực tiếp bằng cách Thành viên UBKT dự các cuộc họp của cấp ủy cùng cấp; thành viên UBKT phụ trách và cán bộ kiểm tra thường xuyên theo dõi lĩnh vực, địa bàn, dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới; Thành viên UBKT, cán bộ kiểm tra các cấp tham gia các đoàn công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; thành viên UBKT các cấp gặp gỡ, trao đổi, góp ý với đối tượng giám sát; đôn đốc, theo dõi đối tượng kiểm tra chấp hành kết luận kiểm tra, quyết định kỷ luật; đối tượng giám sát chấp hành thông báo kết luận giám sát chuyên đề.
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy giám sát trực tiếp bằng cách nghe các thành viên lãnh đạo cơ quan báo cáo kết quả thực hiện công việc được giao; thực hiện tự phê bình và phê bình; nghe cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, các đơn vị tham mưu, giúp việc của cơ quan mình phản ánh, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; cử cán bộ của cơ quan theo dõi lĩnh vực, địa bàn; dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp gặp gỡ, trao đổi, góp ý với đối tượng giám sát.
- Chi bộ giám sát trực tiếp bằng cách theo dõi, đôn đốc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; các đồng chí chi ủy viên gặp gỡ, trao đổi, góp ý với đảng viên; kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; bình xét, phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên.
2. Giám sát gián tiếp
Được thực hiện bằng cách xem xét báo cáo hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới giữa hai kỳ hội nghị của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; qua nghiên cứu, xem xét các văn bản, báo cáo; thông báo kết luận về các cuộc kiểm tra, thông báo về kết luận giám sát; kết quả tự phê bình và phê bình, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế; phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng; qua xem xét đơn tố cáo của đảng viên và quần chúng, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân đối với tổ chức đảng, đảng viên.
* Về Giám sát chuyên đề
Đối với nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện đầy đủ, bài bản và theo quy trình, quy định của Đảng và được lưu trữ hồ sơ, tài liệu cụ thể của chủ thể giám sát và đối tượng giám sát.
Giám sát chuyên đề gồm các bước cụ thể như xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm và thông báo cho đối tượng giám sát; Thành lập đoàn hoặc tổ giám sát (gọi chung là đoàn giám sát); ban hành kế hoạch giám sát cụ thể đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên; triển khai quyết định, kế hoạch giám sát, yêu cầu đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo về nội dung giám sát và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; Đoàn giám sát nghiên cứu, xem xét các báo cáo, tài liệu; làm việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan; chuẩn bị dự thảo báo cáo kết quả giám sát, khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh; Tổ chức đảng được giám sát hoặc tổ chức đảng có đảng viên được giám sát tổ chức hội nghị để đối tượng giám sát báo cáo, đoàn giám sát trình bày dự thảo báo cáo kết quả giám sát; hội nghị thảo luận để thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát; ban hành Thông báo kết luận giám sát bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên được giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan; theo dõi, đôn đốc đối tượng giám sát thực hiện thông báo kết luận giám sát.