Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Đảng ta xác định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”[1]. Đại hội XIII xác định: Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện, hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách. Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh hướng vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được coi là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách của Đảng ta hiện nay.
Với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không loại trừ một ai, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý. Sau hơn 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những kết quả to lớn, vạch trần được nhiều vụ việc lớn, kỷ luật và xử lý hình sự đối với nhiều cá nhân thoái hóa, biến chất.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay đã kỷ luật hơn 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang”
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua đã được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đúc kết lại trong Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Những bài viết, bài phát biểu thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và với tinh thần “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây” như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, điều đó thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự nghiêm minh của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Bằng những lập luận chặt chẽ, logic, sâu sắc, chắt lọc, đúc kết từ thực tiễn phong phú, với tinh thần kiên định, vững vàng, bản lĩnh, trọng trách và tâm huyết người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư đã lý giải một cách rất khoa học, nêu ra những kết quả nổi bật và những vấn đề căn bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,… đồng thời, xác định vấn đề căn cơ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển. Trong đó, cần tập trung một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng chống tham nhũng, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả. Hình thành hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là, người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó. Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vi; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý.
Thứ sáu, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
[1] Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012, Kết luận Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Nguyễn Hữu Thọ