Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) và kỷ luật của Đảng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đã đạt được những kết quả quan trọng. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các cấp đã tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng với một khối lượng công việc rất lớn. Nhiều việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, tồn tại trong nhiều năm được kiểm tra làm rõ, với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, thể hiện nhất quán quan điểm chỉ đạo của Trung ương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền đặc lợi, không trên nhẹ, dưới nặng, không có khoan nhượng và không có điểm dừng” .
Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng (gọi tắt là Quy định 22), trong đó, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Quy định về công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng mới ban hành phản ánh cơ bản toàn diện các nhiệm vụ KT,GS và kỷ luật của Đảng trong thời gian tới, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục góp phần củng cố toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những sửa đổi, bổ sung của Quy định 22 là sự đúc kết thực tiễn, kết kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ KT,GS, kỷ luật đảng trong nhiều nhiệm kỳ qua.
Những điểm nổi bật trong công tác KT,GS, kỷ luật đảng, có thể nhấn mạnh là:
1- Về nguyên tắc trong công tác KT,GS và kỷ luật đảng
Quy định 22 bổ sung: “Công tác KT,GS phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
2- Về quyền và trách nhiệm của đối tượng KT,GS
Quy định 22 bổ sung quy định đối tượng KT,GS “Không để lộ nội dung KT,GS cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết; không được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thu phát sóng khi làm việc với chủ thể KT,GS. Được sử dụng bằng chứng, chứng có liên quan đến nội dung KT,GS để báo cáo giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể KT,GS”.
3- Về thời hạn KT,GS, thời hiệu xử lý kỷ luật: Quy định số 22 đã nêu cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật: Thời hiệu xử lý kỷ luật của Đảng là thời hạn mà khi hết thời hạn đó, đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm đảng viên thực hiện hành vi vi phạm đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật” và thời hạn KT,GS: “Thời hạn KT,GS là thời gian được tính từ ngày chủ thể KT,GS công bố quyết định KT,GS hoặc ngày nhận được báo cáo của đối tượng KT,GS đến ngày kết thúc cuộc KT,GS đó” để thống nhất theo Luật Lao động.
4- Một số nội dung về công tác KT,GS của Đảng
(1) Công tác KT,GS của cấp uỷ, tổ chức đảng
Để khắc phục tồn tại vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ KT,GS và kỷ luật của cấp ủy, tổ chức đảng thời gian qua, dự báo các hành vi, vi phạm mới; đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Quy định đã bổ sung một số thẩm quyền, nhiệm vụ mới cho cấp ủy, tổ chức đảng: “Lãnh đạo, chỉ đạo KT,GS tổ chức đảng, đảng viên chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước”, để cụ thể hóa và thống nhất với Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và nhiệm vụ của đảng viên trong Điều lệ Đảng: “Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành… pháp luật của Nhà nước”.
Về nội dung KT,GS đối với đảng viên, ngoài việc KT,GS về việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, bổ sung thêm về tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên thành: “Tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên”.
Về nội dung kiểm tra của các cơ quan tham mưu, giúp việc; xác định rõ hơn: Theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao
(2) Về công tác KT,GS của uỷ ban kiểm tra các cấp
Về nội dung giám sát đối với tổ chức đảng, bổ sung thêm nội dung: “Việc thực hiện các kết luận, quyết định KT,GS và kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”.
Về nội dung giám sát đối với đảng viên, bổ sung thêm việc giám sát thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng và về tư tưởng chính trị thành: “Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, quy chế làm việc, chế độ công tác. Tư tưởng chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương theo các quy định của Đảng”.
Về thẩm quyền và trách nhiệm của UBKT, Quy định 22 đã giao thêm một số nhiệm vụ:
“UBKT phân công thành viên UBKT dự các cuộc họp của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp”.
"UBKT cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn, KT,GS cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới về công tác KT,GS, kỷ luật của Đảng"
Tăng thêm nhiệm vụ và thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao trong phòng, chống vi phạm pháp luật:
"Trong quá trình KT,GS, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, thì chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến UBKT cùng cấp để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng".
"UBKT kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án do các cơ quan chức năng thụ lý".
Bổ sung các nội dung trên nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác KT,GS và kỷ luật; thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quan điểm kỷ luật đảng phải đi trước một bước trong xem xét, xử lý đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Quy định mới thể hiện rõ quan điểm, tinh thần của Đảng là tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn.
Bổ sung trách nhiệm nêu gương vào nội dung giám sát đối với đảng viên của UBKT các cấp, cụ thể” " Việc giữ gìn đạo đức, lối sống và thực hiện trách nhiệm nêu gương theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư" .
Quy định này là cụ thể hóa Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên là để củng cố niềm tin của dân đối với đảng và khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Bổ sung “giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh”
Để đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Đảng, thống nhất với nội dung khoản 4, Điều 3, Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01/6/2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng cho đồng bộ.
Trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ giám sát có những việc phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều vấn đề mà chỉ căn cứ vào hồ sơ, báo cáo của đơn vị được giám sát thì chưa đủ căn cứ để kết luận nên phải tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ để đánh giá kết quả khách quan, trung thực, đúng bản chất sự việc.
(3) Về thi hành kỷ luật đảng
Về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng, quy định rõ hơn trách nhiệm của cá nhân liên quan khi kỷ luật tổ chức đảng: “Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng”.
Để kỷ luật đảng được thực hiện nghiêm minh, kịp thời và đồng bộ với quy định của Bộ Luật hình sự, đã bổ sung: “Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật .
Thời gian qua, có một số đảng viên, có người bị khởi tố, tạm giam, truy tố đã lợi dụng tính nhân văn trong quy định của Đảng để tránh né, kéo dài việc xem xét, xử lý kỷ luật dẫn đến giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Quy định rõ việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm đang mang bệnh nặng để đảm bảo kỷ luật đảng được thực hiện nghiêm minh, chặt chẽ và đồng bộ với quy định của pháp luật về hình sự.
Về thẩm quyền kỷ luật đảng viên, bổ sung thêm
“Ban thường vụ đảng ủy cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý”.
“UBKT đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý nhưng không phải cấp ủy viên cùng cấp”.
Về xử lý kỷ luật tổ chức đảng cách cấp, bổ sung thẩm quyền cho UBKT các cấp, ban thường vụ đảng ủy cơ sở:
“... UBKT các cấp có trách nhiệm xem xét, kết luận, đề xuất với cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy trong việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp; quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới trực tiếp”.
Đồng thời, bổ sung thẩm quyền kỷ luật để đồng nhất với quy định trên như sau: “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên có quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới theo quy định”.
Về thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm pháp luật, bổ sung các tổ chức đảng có thẩm quyền, chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét xử lý đảng viên khi có các tài liệu của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra cung cấp có vi phạm pháp luật:
“Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của toà án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật, xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó”.
Đảng viên có vi phạm bị truy nã hoặc bị tòa án phạt cải tạo…thì khai trừ.
Quy định như vậy nhằm chủ động, đảm bảo xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án, thực hiện phòng, chống tham nhũng với phương châm công tác kiểm tra đi trước, “mở đường”, làm cơ sở cho công tác thanh tra, điều tra; xử lý những trường hợp bỏ trốn truy nã.
Về hiệu lực quyết định kỷ luật, bổ sung quy định:
“Trường hợp quyết định thay đổi hình thức kỷ luật, thì thời hạn chấp hành kỷ luật được tính từ ngày quyết định kỷ luật đầu tiên có hiệu lực”.
Bổ sung quy định này nhằm thống nhất và tháo gỡ vướng mắc về thời han của quyết định kỷ luật; đảm bảo kỷ luật được xử lý nghiêm minh nhưng phải chính xác, khách quan, công bằng và nhân văn cho đảng viên bị kỷ luật. Để đảng viên bị kỷ luật không phải chấp hành thêm thời gian của một quyết định kỷ luật tiếp theo khi hình thức kỷ luật thay đổi.
(4) Về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên
Bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo: “Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, UBKT có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp”. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của tổ chức đảng trong việc giải quyết tố cáo: “Trường hợp đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền giải quyết tố cáo được thực hiện như đang đương chức”. Để làm căn cứ giải quyết thống nhất trong toàn Đảng.
Về nguyên tắc giải quyết tố cáo Quy định 22 bổ sung thêm nội dung: “Nếu đơn tố cáo giấu tên, mạo tên nhưng rõ địa chỉ, đối tượng và nội dung tố cáo thì tổ chức đảng có thẩm quyền nắm tình hình để làm cơ sở KT,GS đối với tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo”.
Các trường hợp không giải quyết tố cáo trong trường hợp tự nguyện rút đơn nay tố lại hoặc đã có thông báo không xem xét, giải quyết, để tránh việc một số đối tượng lợi dụng quy định về giải quyết tố cáo trong Đảng gây mất ổn định cho tổ chức và mất thời gian, công sức của các tổ chức đảng.
(5) Về khiếu nại kỷ luật đảng
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng: “Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng được tiến hành từ UBKT, ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy từ cấp cơ sở trở lên”.
Về thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa kỷ luật, Quy định 22 cũng bổ sung thêm: “UBKT đảng ủy, ban thường vụ đảng ủy hoặc đảng ủy từ cấp cơ sở trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên, tổ chức đảng do tổ chức đảng cấp dưới quyết định”.
Bổ sung nội dung không giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng khi đảng viên "từ chối nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.“
Thời gian qua, một số đảng viên từ chối nhận quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật nhưng vẫn khiếu nại. Để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên trong việc chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy