Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường

24/04/2025 08:16:31 11      Chọn cỡ chữ A a  

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24 tháng 4 năm 1906, trong một nhà nho nghèo yêu nước, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngoại (nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Thân phụ của đồng chí là cụ Hà Huy Tương, đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học và làm thuốc. Thân mẫu của đồng chí là cụ Nguyễn Thị Lộc, một người nông dân tần tảo, chất phát, yêu chồng, thương con, cuộc đời gắn bó với đồng quê.

Với 35 năm tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó, có gần hai năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7/1936 đến tháng 3/1938), với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Trong lời tuyên bố đanh thép trước tòa án đế quốc, nêu cao khí tiết của người cách mạng, bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí Hà Huy Tập đã khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”.

1

Chân dung Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Hà Huy Tập là một trong năm người con trong gia đình, lúc nhỏ tên là Hà Huy Khiêm, còn gọi là Ba. Từ năm 1910-1919 học chữ Nho tại quê nhà và học Tiểu học tại thị xã Hà Tĩnh. Với tư chất thông minh, tiếp thu nhanh, trí nhớ tốt; Hà Huy Tập sau khi tốt nghiệp Tiểu học quyết định thi vào trường Quốc Học - Huế và từ năm 1919 đến 1923, Ông học tại trường này. Trong 04 năm học, năm nào Ông cũng xếp hạng nhất, nhì trong lớp và nhận được nhiều phần thưởng, học bổng của trường.

Năm 1923, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Quốc học Huế và về dạy tại trường tiểu học ở thị xã Nha Trang (nay là trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926, sau đó, chuyển về dạy trường Tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Khi dạy học ở trường này, đồng chí Hà Huy Tập được đọc báo Nhân đạo, Người cùng khổ và bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, như: phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi thả cụ Phan Bội Châu... Vì vậy giữa năm 1926, đồng chí Hà Huy Tập bị trục xuất khỏi Nha Trang; thấy được nỗi thống khổ của Nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và luôn trăn trở phải làm sao để cứu nước, cứu dân thoát khỏi cảnh lầm than. Lòng yêu nước và sự trăn trở đó đã thúc giục người thanh niên yêu nước Hà Huy Tập bước vào cuộc đấu tranh cách mạng với cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cuối năm 1926, Hà Huy Tập gia nhập vào Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam) - một tổ chức cách mạng yêu nước ở Vinh. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ, xây dựng cơ sở cho hội. Chính ở đây, Đồng chí tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, tham gia các nhóm hoạt động bí mật, đưa thanh niên sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc mở. Nhằm loại bỏ đồng chí Hà Huy Tập khỏi những tổ chức và phong trào cách mạng ở Vinh, công sứ Pháp ở Vinh đã điều động Đồng chí lên huyện Quỳ Hợp, cách Vinh 200km, làm Hiệu trưởng Trường Phủ Bon ở vùng rừng thiêng nước độc. Do từ chối sự bổ dụng này, đồng chí Hà Huy Tập không được làm giáo viên của Trường Cao Xuân Dục.

Đồng chí Tổng Bí thư Hà Huy Tập, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hà Huy Tập (người ngồi ghế) chụp ở Quảng Trị - Ảnh sưu tầm

Những hoạt động tích cực của Hà Huy Tập đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nghệ An và Hà Tĩnh; đồng thời, cũng dẫn đến việc Công sứ Vinh lệnh cho Đốc học Vinh cách chức giáo viên đối với Hà Huy Tập. Tháng 3/1927, rời Hà Tĩnh, Hà Huy Tập trở lại Sài Gòn, dạy học tại trường Tiểu học tư thục mang tên An Nam học đường ở Gia Định và hoạt động ngày càng tích cực. Tháng 6/1928, Hiệu trưởng An Nam học đường có quyết định đình chỉ việc giảng dạy của Ông với lý do kích động học sinh nhiều lần bãi khóa. Sau đó, Hà Huy Tập xin vào làm việc ở một hiệu buôn đến tháng 8/1928, Ông rời khỏi hiệu buôn đến Bà Rịa xin vào làm việc ở đồn điền trồng mía Phú Mỹ. Trong thời gian này, Hà Huy Tập đã vận động thành lập được chi bộ đảng trong công nhân do Ông làm Bí thư.

Cuối tháng 12/1928, để tránh sự vây ráp, săn lùng của địch, Hà Huy Tập rời Sài Gòn đi Trung Quốc và bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài. Đồng chí được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tham gia khóa huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ấn tượng mạnh với tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hà Huy Tập tích cực hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngày 19-7/1929, ông sang Liên Xô, học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va với bí danh là Xinh-trơ-kin. Cuối năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản liên bang (Bôn-sê-vích) và tháng 3/1932, Hà Huy Tập tốt nghiệp trường Đại học Phương Đông và ở lại Liên Xô hoạt động. Trong thời gian ở Liên Xô, Hà Huy Tập viết cuốn sách “Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương” bằng tiếng Pháp gồm ba phần, chia thành 10 chương. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta.

Ngày 30 tháng 4 năm 1932, đồng chí Hà Huy Tập rời Moscow về Việt Nam qua Pháp. Nhà chức trách phát hiện đồng chí dùng căn cước giả nên trục xuất ra khỏi Pháp, vì thế tháng 6 năm 1932 đồng chí qua Bỉ để trở lại Liên Xô chờ cơ hội về nước.

Từ giữa năm 1933, bí mật về Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập bắt liên lạc với các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí khác, thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng nhằm khôi phục lại các tổ chức Đảng trong nước bị địch phá vỡ sau cao trào cách mạng 1930-1931.

Ngày 01 tháng 8 năm 1933, tại Quảng Châu - Trung Quốc, đồng chí Hà Huy Tập và các đồng chí Nguyễn Văn Nhựt, Lê Hồng Phong họp bàn về tình hình cách mạng Đông Dương, tình hình quốc tế và bàn cách thực hiện quyết định của Ban Phương Đông - Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3 năm 1934, tại Ma Cao - Trung Quốc, ba đồng chí quyết định thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do đồng chí Lê Hồng Phong làm Thư ký, đồng chí Hà Huy Tập là Ủy viên phụ trách tuyên truyền - cổ động kiêm Tổng biên tập Tạp chí BônSêvích. Từ ngày 16/6 - 21/6/1934, tại Ma Cao - Trung Quốc, Ban Chỉ huy ở ngoài và các đại diện của Đảng ở trong nước tổ chức hội nghị để thông qua Nghị quyết Chính trị. Hội nghị đề nghị Quốc tế Cộng sản công nhận Ban Chỉ huy ở ngoài là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị cũng quyết định tổ chức Đại hội I của Đảng vào mùa xuân năm 1935; lập lại Xứ ủy Trung Kỳ và Lào; vấn đề tổ chức của Xứ ủy Bắc Kỳ...

Khi đồng chí Hà Huy Tập cùng đồng chí Lê Hồng Phong bắt tay chuẩn bị Đại hội I của Đảng thì Quốc tế Cộng sản gửi giấy triệu tập Đảng Cộng sản Đông Dương cử đại diện đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn... được Ban Chỉ huy ở ngoài cử đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Vì vậy, việc lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài và chuẩn bị Đại hội I do đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Phùng Chí Kiên đảm nhiệm. Trong khi đồng chí Lê Hồng Phong đi Liên Xô thì tại Ma Cao - Trung Quốc, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 3 năm 1935, Đại hội I của Đảng được triệu tập. Tuân thủ sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 đồng chí (09 ủy viên chính thức, 04 ủy viên dự khuyết), bầu Ban Thường vụ gồm 05 đồng chí do Lê Hồng Phong làm Tổng Thư ký (Tổng Bí thư). Đồng chí Hà Huy Tập không tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhưng làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đây là một sự kiện lịch sử ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Hà Huy Tập. Nghị quyết của Đại hội lần thứ nhất quy định: Ban Chỉ huy ở ngoài là cơ quan lãnh đạo cao hơn Ban Chấp hành Trung ương, chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương, nó chỉ tuân thủ sự chỉ đạo của Đại hội đại biểu Đảng và Quốc tế Cộng sản. Đây là một tình thế rất đặc biệt.

Đầu năm 1936, sau thời gian dài đi Moscow dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải, thông báo cho đồng chí Hà Huy Tập về sự chuyển hướng tổ chức và sách lược mới của Quốc tế Cộng sản khi tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng. Hai đồng chí nhận thấy nhất thiết phải sửa đổi một số điểm trong Nghị quyết của Đại hội I. Ngày 26 tháng 7 năm 1936, tại Thượng Hải, đã diễn ra Hội nghị Ban Trung ương do Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài Hà Huy Tập chủ trì.

Tháng 7-1936, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương đã phân công Hà Huy Tập về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ để bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Tại Hội nghị này, Hà Huy Tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Tháng 9/1937, tại Hóc Môn (Gia Định), Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương. Hội nghị này đánh dấu một bước tiến lớn của Đảng trong một năm, từ chỗ không còn Trung ương đến chỗ có BCH và Ban Thường vụ Trung ương. Sau khi kiểm điểm những ưu điểm và khuyết điểm của Đảng, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương, lập lại Xứ ủy Trung Kỳ, xuất bản tờ báo Dân Chúng và ra nghị quyết Về phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính. Hội nghị diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ rất thẳng thắn và đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí Hà Huy Tập vẫn tiếp tục là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương. Từ ngày về nước cho đến thời điểm này, đồng chí Hà Huy Tập là người lãnh đạo cao nhất - Tổng Bí thư của Đảng được gần 02 năm (từ tháng 7 năm 1936 đến tháng 3 năm 1938) và đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng Việt Nam ở thời điểm kẻ thù đánh phá ác liệt các tổ chức của Đảng.

Chiều ngày 01 tháng 5 năm 1938, đúng vào ngày Quốc tế lao động, mật thám Pháp đã bắt được đồng chí Hà Huy Tập và đưa thẳng về Khám Lớn Sài Gòn. Ngày 24 tháng 5 năm 1937, Tòa tiểu hình Sài Gòn kết án Hà Huy Tập 02 tháng tù giam và cấm lưu trú ở Nam Kỳ 05 năm do tội mang thẻ thuế thân giả. Ngày 26 tháng 7 năm 1938, Tòa thượng thẩm Sài Gòn xử phúc thẩm tuyên phạt Hà Huy Tập thêm 06 tháng tù giam, tổng hình phạt là 08 tháng tù giam và 05 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ. Tháng 8 năm 1939, thực dân Pháp mới thi hành quyết định thả Hà Huy Tập và ngày 06 tháng 9 năm 1939, Đồng chí rời Sài Gòn về Vinh bắt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ nhưng thất bại. Ngày 03 tháng 10 năm 1939, đồng chí Hà Huy Tập về đến quê nhà Hà Tĩnh nhưng bị mật thám giám sát rất nghiêm ngặt.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, tháng 11 năm1939, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cử đồng chí Nguyễn Văn Cúc lúc này là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn ra miền Trung khôi phục lại Xứ ủy Trung Kỳ và tìm gặp hai đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập mời hai đồng chí vào Sài Gòn hoạt động. Nhưng vì cảnh giác với bọn AB (bọn chống Đảng) khiêu khích, lại chưa biết đồng chí Nguyễn Văn Linh nên đồng chí Hà Huy Tập không tin và không rút vào bí mật.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa càng ra sức lùng bắt những người cộng sản. Ngày 30 tháng 3 năm 1940, thực dân Pháp bắt lại đồng chí Hà Huy Tập từ Hà Tĩnh đưa vào Sài Gòn. Ngày 03 tháng 9 năm 1940, Tòa tiểu hình Sài Gòn mở phiên thứ hai, xử hai đồng chí Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong tội “đứng đầu bộ máy bí mật của Quốc tế thứ ba ở Đông Dương”, kết án mỗi người 05 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Ngày 22 tháng 11 năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Thực dân Pháp khủng bố tàn bạo, tàn sát dã man các chiến sĩ cách mạng ở Nam Kỳ. Các lãnh tụ của Đảng đang bị giam cầm trong lao tù kẻ địch cũng bị hủy án, đến ngày 25 tháng 3 năm 1941, Tòa án quân sự Sài Gòn mở phiên đại hình xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, các lãnh tụ cộng sản bị chúng tuyên án tử hình không cần chứng cứ. Ngày 30/4/1940, đồng chí bị bắt lại và bị tuyên án 05 năm tù giam. Ngày 25/3/1941, tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn đổi thành án tử hình vì “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”.

Ngày 28 tháng 8 năm 1941, đồng chí Hà Huy Tập bị địch xử bắn tại ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu khi mới 35 tuổi. Đồng chí hy sinh trong tư thế hiên ngang của một người cộng sản kiên cường dâng hiến trọn tuổi xuân cho cách mạng, cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Là một lãnh tụ thời dựng Đảng, đồng chí Hà Huy Tập không chỉ là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc mà còn là một nhà lý luận của Đảng ta, được Đảng giao là Tổng Biên tập Tạp chí Bônsêvích, khi về nước, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí đã thành lập và trực tiếp lãnh đạo nhiều tờ báo như L’Avant - Grande, Le Peuple, Kịch bóng … với nhiều bút danh khác nhau.

Đánh giá về Hà Huy Tập và các nhà lãnh đạo thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

Để tưởng nhớ Tổng Bí thư Hà Huy Tập, trên cả nước nhất là ở các thành phố, thị xã đã có nhiều trường học, công trình văn hóa, đường phố mang tên Đồng chí. Tại Thành phố Hồ Chí Minh - nơi đồng chí chỉ đạo cách mạng và hy sinh trên mảnh đất này, Thành phố Hồ Chí Minh đã dành con đường ở phường Tân Phong, Quận 7 và Trường tiểu học trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh mang tên đồng chí Hà Huy Tập.

3

Khu lặng mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Tại quê nhà đồng chí Hà Huy Tập, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Hà Huy Tập khang trang. Thị trấn huyện Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh đều có đường phố và tượng đài mang tên đồng chí Hà Huy Tập. Một số trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được vinh dự mang tên đồng chí Tổng Bí thư của Đảng. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta ôn lại, ghi nhớ công ơn, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí Hà Huy Tập cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Hoàng Lý

 

 

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   15932
  • Tháng hiện tại:   337113
  • Tổng lượt truy cập:   6624211