Vai trò công tác tuyên truyền trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và bài học kinh nghiệm Tuyên giáo đối với cách mạng nước ta hiện nay

21/11/2023 16:29:02 664      Chọn cỡ chữ A a  

        Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 mang tầm vóc lịch sử lớn lao, là bước phát huy về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, binh lính người Việt trong quân đội Pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Nam Kỳ, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chuẩn bị về lương thực, nhu yếu phẩm, đào hầm bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng trong nội, ngoại thành Sài Gòn, xây dựng lực lượng “nội tuyến trong lòng địch”, đóng góp ngày công lao động đào hầm, hào, công sự ở chiến khu, vùng địch tạm chiếm; động viên, khích lệ thanh niên, gia đình yêu nước chuẩn bị tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra không đạt kết quả như mong muốn, nhưng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia khởi nghĩa còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay, và là bài học quý báu trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Năm 2023, trải qua 83 năm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940-2023), những bài học về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới. 

          1. Khởi nghĩa Nam Kỳ - Bước tập dượt của Cách mạng tháng Tám năm 1945

          Năm 2023, trải qua 83 năm Ngày khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940-23/11/2023) mang đậm dấu ấn lịch sử, chứa đựng những bài học kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng ở miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” có giá trị lý luận, thực tiễn vô cùng quý báu đối với Đảng, Nhà nước ta trong lãnh đạo đất nước hiện nay.

          Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra trên quy mô lớn, lực lượng cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia đông đảo từ thành thị đến nông thôn, từ Đông Nam Bộ đến miền Tây Nam Bộ. Kết quả khởi nghĩa không được như mong muốn với nhiều tổn thất về nhân lực và cơ sở cách mạng. Vì vậy, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu - Nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đã viết lời tựa cuốn sách Nam Kỳ khởi nghĩa của tác giả Trần Giang: “Những người tiếp nối sự kiện vinh quang có bao giờ quên được những đàn anh đi trước đã lót đường cách mạng giải phóng dân tộc bằng chính tấm thân mình!”[1]. Những đau thương mất mát, bài học kinh nghiệm phải trả bằng xương, bằng máu là một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Nam Bộ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. 

          Mặc dù chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh của hàng vạn đồng bào quả cảm, các chiến sĩ cộng sản kiên trung, chứng tỏ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi của Nhân dân ta. Qua khởi nghĩa Nam Kỳ, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng được tôi luyện, thử thách và trưởng thành với phương châm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Sự đàn áp hết sức dã man và tàn bạo của kẻ thù đã làm nổi bật lên sự dũng cảm của Nhân dân, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, đảng viên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy có những hạn chế như lựa chọn thời cơ, xây dựng lực lượng… song cũng chính những vấn đề này đã trở thành bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng trong lãnh đạo cách mạng các giai đoạn về sau. Cuộc khởi nghĩa là bước tập dượt quan trọng để Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp thực tiễn, đặc biệt là yếu tố thời cơ cách mạng, dẫn dắt cuộc vận động cách mạng của Nhân dân ta đi đến thắng lợi thông qua cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Để cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940 diễn ra trên quy mô lớn, được chuẩn bị trong thời gian ngắn là nhờ đội ngũ làm công tác tuyên giáo tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, binh lính người Việt trong quân đội Pháp tham gia khởi nghĩa. Với tầm quan trọng công tác tuyên giáo làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giải thích, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu trách nhiệm của đảng viên là phải “tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và cổ động quần chúng theo Đảng”[2] sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy công tác nắm bắt tư tưởng dù “bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững, chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước… Nếu ta không chuẩn bị sẵn sàng, không kịp thời lãnh đạo, thì tư tưởng sẽ hỗn loạn, hành động sẽ hỗn loạn…”[3]. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu lãnh đạo công tác tuyên giáo về tư tưởng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Theo đó, “trong Đảng và ngoài Đảng có nhận thức rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”[4] trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nói chung, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 nói riêng.

2. Vai trò công tác tuyên truyền trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940

Tình hình thế giới và trong nước cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940 đã đặt Đảng ta trước một yêu cầu phải chuyển hướng chiến lược chỉ đạo cách mạng. Năm 1940, phát xít Nhật vào Việt Nam và cấu kết cùng thực dân Pháp đàn áp, bóc lột Nhân dân ta, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) tại nhà ông Trần Văn Hy ở ấp Tây Bắc Lân, xã Tân Thới Nhứt (Bà Điểm), huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, đã đề ra chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. Hội nghị chủ trương thành lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương”, trong đó, lực lượng chính là công nhân và nông dân liên minh hoặc tập hợp giai cấp tư sản bản xứ và trung, tiểu địa chủ, dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng đã đưa đến chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ năm 1940.

Ban Tuyên truyền làm nhiệm vụ công tác tuyên giáo được xác định từ khá sớm trong các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Đối tượng của công tác tuyên truyền là cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và cả binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Nội dung tuyên truyền là đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về giải phóng dân tộc, đánh đuổi đế quốc Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai. Vào nửa cuối tháng 7/1940 (từ ngày 21-27/7), đồng chí Tạ Uyên triệu tập hội nghị toàn Xứ (Hội nghị toàn Xứ mở rộng) ở xã Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, với sự tham dự của 24 đại biểu 19/21 tỉnh toàn Nam Kỳ. Để chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa, “Hội nghị đề ra những công việc cần kiếp trước mắt như: Kiện toàn cơ quan lãnh đạo đảng các cấp; phát triển mạnh các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận phản đế, tiến tới lập Mặt trận phản đế cho toàn Xứ; tổ chức lực lượng du kích, mua sắm thêm vũ khí và luyện tập quân sự; đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác vận động binh lính trong hàng ngũ địch,.. Một số cơ quan cần thiết trong lúc khởi nghĩa như Ban Tham mưu, Ban phá hoại, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Quân báo, Ban Địch vận, Ban Tài chính... được hình thành và gấp rút bắt tay vào công việc chuẩn bị”[5].

Ngày 21-23/9/1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập cuộc họp Xứ ủy mở rộng tại Xuân Thới Đông (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định), có sự tham dự của đồng chí Phan Đăng Lưu, nối tiếp chủ trương từ Hội nghị Tân Hương tháng 7/1940. Hội nghị này “đã chọn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam Kỳ”[6]. Trên cơ sở phân tình hình thế giới, trong nước, thế và lực của ta; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, phát xít Nhật và tay sai, “Hội nghị quyết định phải nối lại ngay các mối liên lạc từ trên xuống dưới và giữa các cấp bộ đảng, tổ chức huấn luyện cấp tốc những đội du kích ở các xí nghiệp, đồn điền và nông thôn trong toàn Xứ, phát động một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, tổ chức Ban Tuyên truyền hoạt động sâu rộng”[7] vào thành thị, nông thôn; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Xứ ủy Nam Kỳ về việc chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhấn mạnh, ngoài công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia khởi nghĩa, cần “tuyên truyền binh vận phải nhằm cả binh lính Đông Dương: Việt, Miên, làm cho rối loạn hàng ngũ của địch, vận động anh em làm nội ứng và tham gia khởi nghĩa[8]. Về tài liệu khởi nghĩa, các cấp ủy phải thận trọng khi phân phát, chỉ phát cho những người thật giác ngộ, thật trung thành, thật dũng cảm... Về tình hình nội bộ, hội nghị đánh giá Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định là những khu quan trọng, những cơ sở còn yếu, chưa vững chắc và quyết định bổ sung một số đồng chí về tiến hành ngay việc phát triển đảng và tổ chức quần chúng ở những nơi đó. Đồng chí Tạ Uyên phụ trách chung và được phân công trực tiếp phụ trách Sài Gòn - Chợ Lớn.

Báo chí trở thành vũ khí sắc bén phục vụ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Do đó, công tác tuyên truyền ở “mỗi xứ có một tờ báo, là cơ quan tuyên truyền cổ động cho toàn xứ “Tiến lên” ở Nam Kỳ, “Bẻ xiềng sắt” ở Trung Kỳ, “Giải phóng” ở Bắc Kỳ. Ngoài việc tuyên truyền bằng sách báo, truyền đơn, biểu ngữ,… Đảng bộ Nam Kỳ đã tổ chức ra những đội tuyên truyền chuyên đi diễn thuyết ở những chỗ đông người như đình đám, chợ búa… Phương pháp tuyên truyền này có nhiều kết quả. Nó kích thích nhân tâm, xôn xao dư luận. Một điều đặc biệt nữa là Đảng bộ Nam Kỳ đã phát truyền đơn riêng cho từng giới, từ thợ thuyền, dân cày, binh lính đến các giới tư sản, địa chủ, trí thức… Do những lời kêu gọi thống thiết trong những truyền đơn ấy, một phần tổng lý đã có thiện cảm với cách mạng hoặc chỉ đứng trung lập, không thiết đàn áp cách mạng để làm lợi cho đế quốc Pháp, kẻ thù chung của dân tộc”[9] sau khi thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức (6/1940) với nội dung:

“Hỡi quốc dân đồng bào!

Hỡi các dân tộc Đông Dương và anh em binh lính!

Hiện nay, Chính phủ Pháp bại trận. Pétain hàng Đức một cách nhục nhã. Chính phủ Đông Dương bạc nhược quỳ mọp dưới chế độ phát xít Nhật.

Chính phủ Pháp đã đến thời kỳ diệt vong rồi.

Hỡi dân tộc đồng bào! Những bằng chứng rõ ràng cho chúng ta thấy chúng sợ phong trào cách mạng giải phóng Đông Dương, nên đem toàn lực khủng bố phút cuối cùng, bắt bớ, bắn giết tù đày, nào tàu bay, nào mousqueton, mitrailleuse, nhưng chưa đủ, lại còn phao vu cho cộng sản cướp của giết người, hiệp lực với bọn cáo gian mà tuyên truyền tàn sát cộng sản.

Hỡi dân tộc đồng bào và binh lính! Cộng sản hoàn toàn nhân đạo cương quyết sống chết đem lại hạnh phúc cho quê hương, xứ sở, cho quốc dân đồng bào.

Ai cướp của giết người? Chính phủ Pháp đi bắt bớ, đốt nhà, giết người, bắt gà, heo, tiền, mà lại còn hãm dâm đàn bà con gái.

Ai dã man? Chính phủ Pháp. Chúng tôi đoán chắc rằng nếu các dân tộc Đông Dương chúng ta không cương quyết hy sinh tranh đấu được giải phóng thì rồi đây không một người nào tránh khỏi sự giam cầm như Hội đồng Huy, Tú tài Nhựt ở làng Bình Chánh (Tân An), như cựu Hương quản Dụ ở làng Thanh Hà (Chợ Lớn),... là những người lương thiện làm ăn mà cũng phải bị tù đày tra tấn, còn non nước nào mà dân chúng không chiến đấu!

Hỡi quốc dân đồng bào!

Hỡi anh chị em binh lính và các vị hương chức hội tề!

Hỡi các vị giáo viên!

Hỡi anh em thợ thuyền và dân cày!

Mau đứng lên hiệp lực với Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương!

1. Đánh đổ đế quốc Pháp, chống phát xít Nhật xâm lược!

  2. Đả đảo bọn Việt gian thân Nhật chó săn cho đế quốc!

3. Đả đảo bọn cáo gian giết người!

4. Chống khủng bố trắng!

5. Thả hết chánh trị phạm Đông Dương!

6. Liên lạc mật thiết cách mạng thế giới! Ủng hộ Liên bang Xô viết!”[10]

Trên địa bàn Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Báo Tiến lên - cơ quan tranh đấu của Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương tiếp tục ra đều, vừa thông tin phong trào đấu tranh, vừa hướng dẫn các công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Nhiều nơi đã thành lập tổ chức Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Nông hội phản đế, Binh sĩ phản chiến... Quần chúng tốt được đưa vào Mặt trận phản đế, qua giáo dục và được giúp đỡ trong thử thách đấu tranh được tuyển chọn kết nạp vào Đảng. Một số nơi xây dựng các đội cảm tử, tự vệ, du kích, tổ chức luyện tập võ nghệ, tập quân sự, rèn vũ khí thô sơ... Đảng viên và đồng bào người Hoa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và có liên hệ chặt chẽ với Thành ủy Sài Gòn, hoạt động rất tích cực như lo việc bố trí cơ quan làm việc của Xứ ủy, tạo nguồn tài chính, mua sắm chất nổ, vũ khí, tuyên truyền vận động, lập Hoa kiều kháng Nhật cứu quốc với chi hội Sài Gòn - Chợ Lớn; xây dựng các đội tự vệ, mỗi đội từ 2 đến 3 tổ, mỗi tổ từ 5 đến 10 người được trang bị vũ khí thô sơ. Một đội tự vệ 23 người nòng cốt của Công hội Hoán Quần và Dương Vụ được phân công hoạt động từ Chợ Đũi đến trung tâm Quận 1. Một số quần chúng tốt được giao làm công tác cứu thương, tải thương, liên lạc, tiếp tế khi nổ ra khởi nghĩa... Vào các dịp kỷ niệm, nhiều cuộc mít tinh được tổ chức để giải thích đường lối, chính sách của Đảng, của mặt trận trong quần chúng rộng rãi. Khắp nơi có rải truyền đơn, nhiều nhất là vào các ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3; Quốc tế Lao động 01/5; kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp 14/7 cũng là dịp để vạch mặt đế quốc Pháp hèn yếu đầu hàng phát xít Đức, Nhật; kỷ niệm Nghệ An đỏ 12/9 kêu gọi Nhân dân noi theo tinh thần cách mạng của Xô viết - Nghệ Tĩnh đánh đổ cả Pháp lẫn phát xít Nhật... Nhiều truyền đơn có những lời lẽ thống thiết gây xúc động lòng người được rải ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định và nhiều tỉnh khắp Nam Bộ.

Vào thượng tuần tháng 8/1940, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp hội nghị (mở rộng) do đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy chủ trì truyền đạt Nghị quyết Hội nghị Xứ ủy tháng 7/1940 và nghe đồng chí Nguyễn Như Hạnh (được giao chính thức làm Bí thư Thành ủy tại hội nghị này) thông báo tình hình phong trào cách mạng, đặc biệt tình hình cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng trong thành phố; trong đó, có công tác binh vận được quan tâm từ khi Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 11/1939) đặt ra nhiệm vụ khởi nghĩa giành chính quyền.

Cuối tháng 9/1940, sau Hội nghị Xứ ủy Xuân Thới Đông (Hóc Môn), Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn lại họp mở rộng để kiểm điểm việc chấp hành các nghị quyết của Xứ ủy về việc chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị ghi nhận tinh thần tích cực của đại đa số đảng viên, cơ sở đảng bám sát quần chúng, ý thức của Thành ủy sẵn sàng chấp hành lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy... Hội nghị đã giao cho các đồng chí Nguyễn Văn Quặn - Chỉ huy Trung tâm huấn luyện tân binh ở Bà Chiểu, Trương Văn Giàu - Chỉ huy tiểu đoàn Chí Hòa, Tạ Nhất Tứ - vốn là sĩ quan trong quân đội Pháp với nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quân sự cho cán bộ lãnh đạo trong Xứ ủy, Thành ủy. Đồng chí Nguyễn Như Hạnh được giao phụ trách công tác binh vận có trách nhiệm liên lạc với tổ chức cách mạng trong quân đội của địch, liên lạc với một đảng viên cộng sản là sĩ quan Pháp để nắm tình hình chung và nhận tiếp tế[11]. Do đó, “riêng ở Nam Kỳ việc vận động binh lính đã có đôi chút thành tích khả quan. Được kết quả ấy là lập hai ủy ban chuyên môn binh vận, Đảng bộ Nam Kỳ còn định một công tác tối thiểu cho hết thảy các đảng viên và quần chúng có tổ chức, bắt buộc ai nấy đều phải vận động binh lính, ai nấy đều phải tìm ra cơ hội đụng chạm với binh lính tại ngũ hay trù bị, đặng tuyên truyền cổ động họ”[12].

Đến tháng 10/1940, Đảng bộ Thành phố có trên 50 chi bộ với trên 250 đảng viên. Trong nhiều xí nghiệp đường phố, một số trường: Trung học Pétrus Ký, Huỳnh Khương Ninh, Đồng Nai, Trường Kỹ nghệ (École Pratique d’industrie); Trường Máy (École des mécaniciens); Trường dạy lái ô tô (Auto - école)... đã tổ chức được đơn vị vũ trang tự vệ[13]. Thành ủy quyết định mở ngay những lớp bồi dưỡng ngắn hạn tuyên truyền cho đảng viên, cán bộ cốt cán về tình hình nhiệm vụ mới chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/1940, nhờ thực hiện tốt công tuyên truyền từ thành thị đến nông thôn, từ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đến binh lính người Việt trong quân đội Pháp, nhưng lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy Sài Gòn, Gia Định vẫn còn băn khoăn về điều kiện chủ quan của thành phố chưa chín muồi để phối hợp với các tỉnh và chưa nắm được tình hình chuẩn bị của các tỉnh tiến hành khởi nghĩa toàn Nam Kỳ. Vì vậy, trong hai ngày 15 và 16/11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp tại một địa điểm bí mật ở Hóc Môn, ngoại thành Sài Gòn, có mặt đủ các ủy viên và do đồng chí Tạ Uyên chủ trì. Hội nghị cân nhắc so sánh lực lượng giữa địch và ta về quân sự, chính trị, cho rằng ưu thế chính của cách mạng là về chính trị, cụ thể là phong trào phản đế dâng cao, trong binh lính người Việt Nam tại ngũ có sự thúc bách đòi khởi nghĩa, không chịu đi chết thay cho thực dân Pháp biên giới Thái Lan và lực lượng vũ trang của cách mạng biểu lộ quyết tâm cao trong việc nổi dậy đánh đổ chính quyền địch[14]. Do đó, Xứ ủy Nam Kỳ yêu cầu “Ủy ban khởi nghĩa các tỉnh lân cận với Sài Gòn - Chợ Lớn ngoài nhiệm vụ giải phóng tỉnh mình, phải kịp thời hỗ trợ Sài Gòn - Chợ Lớn đánh địch, ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng tiếp viện của địch tiến vào Sài Gòn - Chợ Lớn. Các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh phải làm tròn các trách nhiệm”[15]. Sắp đến ngày Nam Kỳ khởi nghĩa bùng nổ, Xứ ủy Nam Kỳ tiếp tục chú trọng tác tuyên truyền với khí thế hừng hực, sôi sục tinh thần cách mạng với nội dung tuyên truyền, vận động đanh thép:

“Hãy tiến lên!

Hỡi tất cả đồng bào bị áp bức Đông Dương!

Hỡi tất cả những người yêu nước!

Hãy kiên quyết tiến lên!

Đánh đổ chủ nghĩa phát xít Pháp, bọn vua chúa bản xứ cũng như bọn tay sai người Việt phản bội Nhân dân!

Thành lập một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Đông Dương để liên hệ với Mặt trận Kháng chiến ở Trung Quốc!

Đứng lên chống chủ nghĩa phát xít Nhật và quân đội Thái Lan xâm lược!

Đông Dương hoàn toàn độc lập!”[16].

Nhân dân Nam Bộ vùng lên đấu tranh trong khởi nghĩa Nam Kỳ (Ảnh tư liệu bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trên địa bàn “Thủ Dầu Một cũng như các tỉnh, sách báo và truyền đơn của Đảng vẫn được lưu hành và phổ biến rộng rãi, các đội tuyên truyền vẫn thâm nhập vào quần chúng giải thích tinh thần Nghị quyết 6 của Trung ương, đặc biệt là phong trào chống bắt lính nổ ra sôi nổi và rộng khắp cùng với những đợt tuyên truyền cổ động binh lính chống chiến tranh và ủng hộ cách mạng được tổ chức ở nhiều nơi”[17] nhằm chuẩn bị mọi mặt khởi nghĩa Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong Đảng bộ Thủ Dầu Một đều nêu cao quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được phân công trên địa bàn từ thành thị đến nông thôn và căn cứ kháng chiến. Bên cạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, cán bộ làm nhiệm vụ công tác tuyên giáo còn thực hiện vận động bính lính người Việt trong quân đội Pháp chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Theo đó, “một bộ phận làm công tác binh vận do đồng chí Hồng phụ trách có nhiệm vụ vận động một số binh sĩ tiến bộ ở thành Săn Đá nhận lời sẽ chống lệnh điều đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân”[18] tạo điều kiện thuận lợi tổ chức khởi nghĩa khi có hiệu lệnh. Sau khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, công tác tuyên giáo tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không ngừng ngơi nghỉ, mà còn quyết liệt hơn, vạch trần tội ác của các thành phần làm tai sai cho quân cướp nước, tham mưu trừng trị thích đáng đối với những tên ác ôn, hội tề có nhiều nợ máu với Nhân dân. Do đó, “các hội viên phản đế ở xóm ấp họp bà con cô bác làm bản kiến nghị bãi bỏ thuế, chống bắt lính… Nhiều truyền đơn, khẩu hiệu chống chiến tranh, chống khủng bố, chống sưu cao thuế nặng. Tại làng An Sơn, theo sự hướng dẫn của công Phạm Thừa Vĩnh, chị Lưu Thị Hồng Thoại đem truyền đơn để phát cho nhiều người để tung ra chỗ đông người qua lại… Tiếng tù và tiếng mỏ tre của dân đánh liên hồi để uy hiếp tinh thần địch, cổ vũ tinh thần ta”[19] trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.  

Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ở các địa phương Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Khánh… được tiến hành khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Theo đó, “chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, cuối năm 1939, Tỉnh ủy Biên Hòa có kế hoạch chỉ đạo cán bộ, đảng viên rút vào bí mật, chuyển về vùng tạm lánh xây dựng căn cứ cách mạng. Do tình hình có nhiều biến đổi, các đồng chí xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biển tình hình và nhiệm vụ mới cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn tỉnh. Công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Các đồng chí trong Tỉnh ủy và các đảng viên khác len lỏi về địa phương để tuyên truyền vận động các chi bộ, các cơ sở cốt cán, quần chúng nhân dân chuẩn bị lực lượng tham gia khởi nghĩa”[20]. Mặc dù cuộc khởi nghĩa đã bị lộ nhưng lá cờ búa liềm xuất hiện ở Nhà máy cưa BIF và một lá cờ khác tung bay trên cây cao ở ngã ba Nhà máy cưa đã tạo nên niềm phấn khởi cho công nhân nhà máy và dân chúng quanh vùng. Ngoài ra, cũng trong thời gian này hàng trăm truyền đơn được rải nhiều nơi trong thị xã Biên Hòa và các xã vùng ven với các nội dung kêu gọi ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ cách mạng Pháp và phản đối sự tàn bạo dã man của thực dân phát xít. Trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân được chú trọng nhằm chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ. Vì vậy, “đồng chí Phạm Hồng Thám, Xứ ủy viên, Trưởng Tiểu ban Binh vận vùng 2 (Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng các đồng chí Bùi Thị Trường, Nguyễn Tấn Khương, Hà Thị Lan trong Ban Binh vận Xứ ủy về Vũng Tàu hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xây dựng cơ sở trong anh em binh lính”[21].  

Mặc dù thời cơ khách quan, chủ quan đối với khởi nghĩa Nam Kỳ chưa chín muồi, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nên khí thế khởi nghĩa hừng hực, sôi sục từ thành thị đến nông thôn. Miền Đông Nam Bộ là rốn của khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó địa bàn Sài Gòn, Gia Định là nơi mở màn khởi nghĩa đầu tiên. Do đó, “trong trận đánh chiếm đồn Ngã năm Vĩnh Lộc, ta cho người vào đồn rủ cai Triều và bếp Dũng trưởng, phó đồn đi đánh bạc, dọc đường vào 23 giờ ta chặn tước hai súng và thuyết phục hai người này quay về gọi đồn mở cửa, nghĩa quân ập vào cướp đồn rất nhanh, thu gom súng, đạn. Sau khi giáo dục, ta tha cai Triều, bếp Dũng và lính đồn ngay trong đêm”[22]. Khoảng 23 giờ đêm 22/11/1940, một bộ phận nghĩa quân và quần chúng bắt đầu phá hỏng giao thông, cưa đổ cây, cắt dây điện thoại và quật đổ các trụ dây thép trên quốc lộ 1 và đường làng số 2. Khi cánh mũi nhọn nghĩa quân kéo đến ngã ba Tân Phú và Trung Lập thì cho một bộ phận xung kích lên trước chiếm nhà việc của làng và bót lính Tân Phú, bọn lính làng trở tay không kịp nên bỏ súng chạy trốn. Quần chúng tràn vào trụ sở thu gom tất cả sổ bộ, hồ sơ các loại đem đi đốt. Trên đường tiến về quận lỵ Hóc Môn, nghĩa quân gặp một tốp lính đi tuần tiễu từ Bà Điểm qua, tên đội Tược chỉ huy hò hét xông lên thì lập tức bị diệt. Trên quốc lộ 1, cầu Bông bị đốt phá, nhiều đoạn đường bị cắt đứt, gặp xe cộ ngừng lại, nghĩa quân mời hành khách xuống xe và giải thích ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Gã Arnaud - Chủ đồn điền caosu cầu Khởi (Tây Ninh) đi lĩnh tiền ở ngân hàng từ Sài Gòn về, bị nghĩa quân chặn xe lại, hắn ngoan cố chống cự nên đã bị trừng trị, ta thu 1 súng và giao lại cho người lái xe số tiền của hắn để đem về trả lương cho công nhân. Hợp đồng hỗ trợ cánh mũi nhọn Long Tuy Hạ còn có hai cánh nghĩa quân tổng Long Tuy Thượng và Long Tuy Trung. Cánh nghĩa quân tổng Long Tuy Thượng gồm các làng xung quanh thị trấn Hóc Môn như Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam (Thới Tam Thôn), Tân Thới Trung, Xuân Thới Đông (Tân Xuân), Tân Thới Tứ, Tân Thới Tây (Tân Hiệp), Xuân Thới Sơn, do đồng chí Đỗ Văn Hoạt - Quận ủy viên chì huy có khoảng 40 xung kích và hơn 400 quần chúng tích cực bí mật tập trung tại làng Tân Thới Trung cách đồn Hóc Môn chừng 1 cây số, chờ lệnh kéo vào phối hợp hành động. Một bộ phận du kích cùng với quần chúng cưa đổ cây trên quốc lộ 1 và ngã ba Bà Cả trên đường làng vào thị trấn, cắt dây điện thoại và phá các trụ dây thép chặn quân tiếp viện[23]. Với tinh thần quật khởi của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn Sài Gòn, Gia Định đã tấn công trực diện vào đồn bốt, cơ quan hành chính của chính quyền địch ở các địa phương, gây thanh thế, làm ngọn cờ cho cuộc khởi nghĩa diễn ra trên địa bàn toàn Nam Kỳ; điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền, vận động mang lại hiệu quả cao trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940.

Tuy nhiên, do thời cơ khách quan, chủ quan khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940 chưa chín muồi nên kết quả khởi nghĩa không đạt như mong muốn kế hoạch đặt ra, nhưng Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã hiệu triệu động viên khởi nghĩa Nam Kỳ nêu rõ: Giờ tranh đấu quyết liệt đã đến, các đồng chí phải mau mau chuẩn bị! Tuy chưa có tin chính thức của Đảng bộ Nam Kỳ nhưng cứ theo tin của đế quốc, chúng tôi đã nắm chắc cuộc bạo động cướp chính quyền đã một lần nữa bắt đầu bùng nổ ở Nam Kỳ rồi... Thế là ngọn lửa cách mạng đã bốc cháy ở phía Bắc (khởi nghĩa Bắc Sơn - BT) và ở phía Nam Đông Dương rồi! Cái trách nhiệm của Đảng bộ là phải làm sao cho ngọn lửa đó cháy đến các tỉnh trung châu rồi bén sang dãy núi Hoành Sơn để thiêu đốt cả hệ thống thuộc địa của Pháp và đánh tan cuộc đế quốc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương. Hiệu triệu kêu gọi phải cấp tốc thông nhất ý chí và hành động, tùy tình hình cụ thể tổ chức các ủy ban bạo động của Đảng từng địa phương, lập ra các Ủy ban dân chúng cách mạng như Ủy ban bãi công cách mạng ở xưởng máy, ủy ban dân cày cách mạng thôn quê; ủy ban cách mạng cứu quốc Mặt trận dân tộc phản đế; gây ra những cuộc biểu tình, mít tinh, bãi công, bãi thị, bãi khóa ở các tỉnh thành và các thôn quê; gây ra những cuộc chiến tranh du kích ở những nơi gần rừng gần núi hay có địa thế hiểm trở; thống nhất các đội tự vệ từng làng, từng nơi lẻ tẻ thành đội du kích địa phương để phá hủy đường giao thông vận tải và chiếm đoạt các chiến cụ, lương thực của đế quốc; biến những cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị,... thành những cuộc tổng bãi công chính trị của thợ thuyền, của quần chúng; phải mở rộng phong trào cách mạng ở thành thị và ở thôn quê; chỗ nào đánh đổ được bộ máy cai trị địa phương thì lập ngay chính quyền cách mạng dân chúng ở nơi ấy và thi hành lệnh giới nghiêm... Hơn 10 ngày sau, Ban Thường vụ Trung ương Đảng lại ra tiếp bản Thông cáo khẩn cấp nhắc nhở Đảng bộ Trung, Bắc Kỳ phải lập tức tổ chức những cuộc hưởng ứng Nam Kỳ đặng gây thêm thanh thế cho quân bạo động, đặng phân chia lực lượng đế quốc, không để chúng tập trung quân đội đàn áp phong trào cách mạng[24]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương còn ra lời kêu gọi đồng bào, quản, đội, cai: “Hãy nhớ lại lịch sử vẻ vang đầy hy sinh phấn đấu của binh lính Đông Dương, của các chiến sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Sơn và Nam Kỳ... mau mau đứng dậy vì đồng bào Tổ quốc giết lũ giặc tham tàn... Dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương hãy xếp thành hàng ngũ tiến lên làm cách mạng dân tộc giải phóng!”[25].

3. Một vài nhận xét

Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, binh lính người Việt trong quân đội Pháp giữ vai trò rất quan trọng đối với khí thế hừng hực, sục sôi của khởi nghĩa Nam Kỳ. Hào khí cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23/11/1940 được kế thừa từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta hàng nghìn năm qua. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đạt hiệu quả cao nhất trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tuyên truyền, vận động quần chúng, binh lính người Việt trong quân đội Pháp qua bước tập dượt khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 được vận dụng hiệu quả trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945.

Bài học kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trải qua 83 năm (23/11/1940-23/11/2023) còn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, nhất là tuyên truyền, vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) của Đảng chỉ rõ: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[26].

Vai trò công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân của Ban Tuyên truyền trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 có ý nghĩa to lớn đối với binh chủng ngành Tuyên giáo của Đảng hiện nay như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải xây dựng cho được đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, rất bản lĩnh, kiên cường, trí tuệ, làm một cách có nghệ thuật, có phương thức hoạt động khoa học, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan... Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay; tuyệt đối trung thành, kiên định, vững vàng, biết cách tổ chức công việc, có dũng khí đấu tranh, có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, phải nói được, làm được, thuyết phục được, không để bị mua chuộc bởi các thế lực xấu, thù địch. Phương pháp phải dân chủ, chân thành, không thể gò ép, áp đặt, mệnh lệnh; phải rất tinh tế, đi vào lòng người. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác  - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ... Đó là để tất cả chúng ta phải kiên định con đường đi lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bác Hồ nói những câu rất mộc mạc thôi, nhưng vô cùng thấm thía. Cách mạng là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Mục tiêu, lý tưởng đơn sơ thế thôi nhưng vô cùng sâu sắc và còn nguyên giá trị đến hôm nay!”[27].

Trong thời kỳ cách mạng kháng chiến chống ngoại xâm cũng như hiện nay, công tác tuyên giáo luôn đi trước để tuyên truyền, thuyết phục, giác ngộ mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đi cùng để làm cầu nối phản ánh với Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đúng pháp luật của Nhân dân nhằm kịp thời điều chỉnh, sửa chữa các chủ trương, chính sách chưa phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển khách quan của xã hội, đi sau để tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, giúp Đảng, Nhà nước đề ra các quyết sách đúng đắn, khơi dậy khát vọng Nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Giang (1996), Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng mười một năm 1940, Nxb Chính trị Quốc gia.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng, toàn tập 7, Nxb Chính trị quốc gia.

4. Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia.

5. Ban Tuyên giáo Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Bà Rịa - Vũng Tàu (2017), Ký ức Tuyên huấn Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh (1930-2015), Nxb Đồng Nai.

6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu (2005), Lịch sử Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1930-2005), Nxb Chính trị quốc gia.

7. Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005-2010, Nxb. Chính trị quốc gia.

9. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (01/8/1930-01/8/2018), vào ngày 01/8/2018.

                                                                                                                                                                                                       Lê Quang Cần



[1] Trần Giang (1996), Nam Kỳ khởi nghĩa 23 tháng mười một năm 1940, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 9.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, tr.6 

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.552, 553

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Sđd, tr.554, 555

[5] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.212

[6]  Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.213

[7]  Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.214

[8] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.214

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng, toàn tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, tr.60

[10]  Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.216

[11] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.218

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng, toàn tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, tr.64

[13] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.218

[14]  Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.219

[15] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.221

[16] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.221

[17] Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr.84

[18] Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr.85

[19] Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, tr.87

[20]  Ban Tuyên giáo Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Bà Rịa - Vũng Tàu (2017), Ký ức Tuyên huấn Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh (1930-2015), Nxb Đồng Nai, tr.17

[21] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu (2005), Lịch sử Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (1930-2005), Nxb Chính trị quốc gia, tr.35

[22] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.228

[23] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.230

[24] Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, tr.260-261.

[25] Dẫn theo Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia. Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, Sđd, tr.93-95.

[26] Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2005 - 2010, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.122.

[27] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8/1930 - 1/8/2018), ngày 1/8/2018.

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   13042
  • Tháng hiện tại:   443521
  • Tổng lượt truy cập:   6730619