Trong các quy trình KT,GS của Đảng, việc thực hiện công tác thẩm tra, xác minh có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần xác định kết quả, bản chất sự việc đúng hay sai, là hạn chế sai sót nhỏ cần nhắc nhở, chấn chỉnh hay là vi phạm cần xử lý; qua đó, giúp cho công tác KT,GS của Đảng hiệu quả, thuyết phục. Các kết luận KT,GS đạt đến độ chính xác bao nhiêu và hiệu quả đến đâu, chủ yếu tùy thuộc vào độ chuẩn xác của các thông tin, chứng cứ, hồ sơ, tài liệu … thu thập được trong hoạt động thẩm tra, xác minh.
Thẩm tra, xác minh trong công tác KT,GS của Đảng là quá trình các tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc cán bộ kiểm tra được tổ chức đảng có thẩm quyền phân công tiến hành các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, thu thập, xem xét, tra cứu, thẩm định, đánh giá và sử dụng các chứng cứ; phân tích sự liên hệ và phù hợp giữa các chứng cứ với nhau trong từng vụ việc được kiểm tra theo phương pháp công tác đảng. Mục đích cơ bản của thẩm tra, xác minh trong công tác KT,GS của Đảng là tìm ra bản chất, chỉ ra đúng sự thật bằng chứng cứ và được kiểm chứng trên cơ sở khoa học, khách quan. Việc thẩm tra và xác minh là khác nhau, tuy nhiên, 02 hoạt động này hỗ trợ nhau tạo nên sự thống nhất, tổng hợp, hệ thống trong công tác KT,GS của Đảng. Thẩm tra, xác minh được tiến hành tuần tự, thông thường thì thẩm tra trước, xác minh sau, nhưng cũng có thể được thực hiện đan xen, hỗ trợ cho nhau. Thẩm tra là cơ sở để xác minh và ngược lại, xác minh rà soát lại kết quả thẩm tra, đồng thời, đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động thẩm tra.
Đối với công tác kiểm tra của Đảng, phần lớn là kiểm tra vụ việc đã xảy ra trong quá khứ, đã xảy ra và có những việc mới xảy ra; thường khi thực hiện kiểm tra sẽ không còn nguyên trạng, đầy đủ về hồ sơ, tài liệu, các chứng cứ và trong đó có cả những vụ việc đã thay đổi bản chất, không còn như ban đầu… vì vậy, phải coi trọng và thận trọng trong công tác thẩm tra, xác minh. Sau kiểm tra phải kết luận rõ đúng, sai, nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm (nếu có) và căn cứ các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, tự giác khắc phục hậu quả để xử lý.
Đối với công tác giám sát chuyên đề của Đảng, không chỉ giám sát những vụ việc vừa xảy ra hoặc đang xảy ra mà còn giám sát những vụ việc đã xảy ra. Vì vậy, công tác thẩm tra, xác minh rất quan trọng và là cơ sở vững chắc để kết luận. Tại Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng đã quy định về việc giám sát chuyên đề khi cần thiết thì thực hiện thẩm tra, xác minh. Khi giám sát có nội dung giám sát chưa rõ, chưa đủ cơ sở để xem xét, xác định thì phải thực hiện thẩm tra, xác minh nhằm mục đích chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, hạn chế khuyết điểm kéo dài và lan rộng thành vi phạm phức tạp, phải xử lý kỷ luật.
Như vậy, vai trò của thẩm tra, xác minh trong công tác KT,GS là nhằm làm rõ đúng, sai, ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm hay không vi phạm, tính chất, mức độ tác hại, nguyên nhân vi phạm của đối tượng được kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn ngừa, cảnh báo, giáo dục chung trong nội bộ Đảng; xem xét quyết định kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý; giải tỏa tâm lý, tư tưởng, minh oan đối với những trường hợp bị oan sai. Hoạt động KT,GS nói chung, hoạt động thẩm tra, xác minh nói riêng đều nhằm góp phần làm cho nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn cho thấy, vẫn có những vụ việc thẩm tra, xác minh không kỹ, mang tính qua loa, hình thức, sai sót, lệch lạc trong khâu thẩm tra, xác minh, không tìm được bản chất sự việc phức tạp và tinh vi, mối liên hệ nhiều chiều của sự việc, không tìm ra được chứng cứ sắc bén nên nhận định, đánh giá, kết luận, xử lý không chính xác, bỏ lọt các hành vi vi phạm, tiêu cực hoặc xử lý oan, sai gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên dẫn đến xử lý không nghiêm, không đúng tính chất, mức độ. Vì vậy, có thể khẳng định, thẩm tra, xác minh chính là phương pháp cơ bản, là khâu quan trọng nhất, đảm bảo chắc chắn nhất cho các kết luận kiểm tra, kết quả giám sát của Đảng.
Võ Thị Tú Oanh