Bác bỏ các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách mạng tháng Tám năm 1945

19/08/2024 17:34:22 1587      Chọn cỡ chữ A a  

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn thường xuyên “đổi trắng thay đen”, chúng sử dụng những âm mưu, thủ đoạn thù địch để đưa ra các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Việt Nam đã vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, lật đổ chế độ phong kiến và tay sai, giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn thường xuyên “đổi trắng thay đen”, chúng sử dụng những âm mưu, thủ đoạn thù địch để đưa ra các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, hòng phủ nhận ý nghĩa lịch sử to lớn của cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Việc đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc liên quan đến lịch sử nói chung, ý nghĩa lịch sử vĩ đại đối với dân tộc và thời đại sâu sắc của cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói riêng là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang ý nghĩa lịch sử dân tộc và thời đại sâu sắc, trong đó nguyên nhân chủ quan đóng vai trò quyết định đến thắng lợi. Tuy nhiên, với tầm nhìn hạn hẹp về lịch sử, một số kẻ có tư tưởng chống phá chế độ đã có những bài viết mang tính chất xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận ý nghĩa lịch sử và sự hy sinh xương máu của Nhân dân ta để có được thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945. Chúng đưa ra những thông tin bịa đặt, lập luận kiểu như cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, mà thành công đó là do “ăn may”, “cướp chính quyền” trong điều kiện lịch sử bỏ ngỏ.

Để đập tan luận điệu xuyên tạc này, trước hết chúng ta cần hiểu rõ thế nào là ăn may. Có thể hiểu đơn giản đó là sự trông chờ mà không có một sự cố gắng, nỗ lực, không có sự chuẩn bị và hành động cụ thể nào để chủ động đạt tới mục đích của mình. Tuy nhiên, xét lại toàn bộ tiến trình lịch sử, chúng ta phải khẳng định rằng, yếu tố quan trọng và quyết định nhất mang đến thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám là do sự lãnh đạo của Đảng, cùng những dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu không có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, không có sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944, không có những quyết sách mang tính chiến lược và sách lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi thành lập Đảng, cùng sự “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” của Nhân dân cả nước thì Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không thể giành thắng lợi. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo và sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt, với các bước tập dượt quan trọng và nhiều lần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Mặc dù, cách mạng tháng Tám diễn ra với những điều kiện thuận lợi, có thể nói là thời cơ, nhưng điều đó chỉ góp phần cho sự thành công của cuộc cách mạng, không phải là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định ở đây chính là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ chí Minh, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam trải qua các bước chuẩn bị với ba cuộc tập dượt lớn đó là phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 với đỉnh cao là các cuộc đấu tranh đòi “tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình” và phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 với đỉnh cao là cao trào kháng Nhật cứu nước đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 khi thời cơ đến, giành chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 rõ ràng là kết quả của cả một quá trình 15 năm chuẩn bị và tiến hành cách mạng một cách công phu; là kết quả của sự phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó, sức mạnh dân tộc đóng vai trò quyết định.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cuộc tổng diễn tập cho cách mạng tháng Tám đã diễn ra. Năm 1941, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, nhận rõ tình thế khẩn trương của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết nhất của cách mạng nước ta lúc này. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đảng phải tập hợp tất cả lực lượng quần chúng đông đảo, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chính của dân tộc là phát xít Nhật - Pháp; thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước ở Đông Dương; đi tới việc lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chuẩn bị mọi mặt về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang, từ đó, thành lập và xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, đi từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa; đồng thời, giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia... Giai đoạn 1941-1945, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh bám sát thực tiễn, đưa ra chủ trương kịp thời, đúng đắn, thể hiện ở những sự kiện lịch sử hào hùng lưu trong sử sách Việt Nam.

Chỉ khi đặt cách mạng tháng Tám ở Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa lịch sử to lớn, vĩ đại của cách mạng tháng Tám ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi trong cùng một bối cảnh ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, nhưng tại sao chỉ có cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là giành được thắng lợi, trong khi thời điểm này phát xít Nhật đang thống trị toàn bộ Đông Nam Á. Khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện đã tạo thời cơ thuận lợi cho tất cả các nước Đông Nam Á đứng lên, giành chính quyền chứ không riêng gì Việt Nam. Nhưng tại sao chỉ có cuộc cách mạng tháng Tám ở Việt Nam là diễn ra và giành được thắng lợi một cách trọn vẹn và triệt để nhất, trong khi các nước khác ở Đông Nam Á cũng có Đảng Cộng sản nhưng cách mạng đã không diễn ra ở các nước: Malaysia, Miến Điện (nay là Myanmar), Philippin,… hoặc diễn ra như ở Indonesia nhưng không triệt để. Ngày 17/8/1945, Indonesia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Indonesia nhưng do giai cấp tư sản lên nắm quyền, trong khi Đảng Cộng sản Indonesia ra đời từ sớm (1914) nên không triệt để như cách mạng vô sản ở Việt Nam. Qua minh chứng trên cho thấy, cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam không phải là “ăn may” mà là do lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng vai trò quyết định đến thắng lợi. Chỉ khi có Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã có sự chuẩn bị mọi mặt trong suốt 15 năm thì khi thời cơ đến ta mới có thể chớp được thời cơ. Thời cơ cho cách mạng chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, tính từ khi Nhật đầu hàng Đồng minh cho đến khi quân Đồng minh vào nước ta. Nếu không có sự nhận định đúng và chớp thời cơ nhanh chóng của Đảng ta, thời cơ đó sẽ trôi qua, cách mạng nổ ra khó thắng lợi. Khi Hồng quân Liên Xô đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, ở Việt Nam, bọn tay sai của chúng cũng đã hoang mang đến cực độ. Sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã theo dõi sát tình hình và khẳng định: “Đây là một thời cơ quý hiếm nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”, khi thời cơ đến đã ngay lập tức chợp thời cơ bằng quyết tâm cao nhất, thể hiện qua lời hiệu triệu: “Dù có phải thiêu cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc”. Chủ trương đó, cùng với sự chuẩn bị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đã tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng tháng Tám nổ ra đúng lúc và giành thắng lợi. Nhiều địa phương như: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Dương ngay từ khi hay tin Nhật đầu hàng đã vận dụng sáng tạo Chỉ thị ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để lãnh đạo Nhân dân tiến hành cách mạng giành chính quyền. Đó là tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt mà Đảng ta đã chủ trương lãnh đạo.

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan thuận lợi, kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đưa ra những quyết sách đúng đắn. Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng trong chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa đã không được các thế lực phản động nhắc tới. Chúng cố tình quên rằng những quyết định kịp thời và sáng suốt của Đảng, cùng chính sách hợp lòng dân của Việt Minh đã khơi dậy lên ngọn lửa nhiệt huyết đấu tranh kiên cường trong các tầng lớp xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, mặc cho kẻ thù nội xâm và ngoại xâm điên cuồng chống phá. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đoàn thể, tổ chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân ở khắp các vùng miền trên cả nước đã vượt qua mọi hiểm nguy, quyết vùng lên đấu tranh giành độc lập, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Trước sức mạnh đấu tranh anh dũng của quần chúng, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã khởi nghĩa thành công, Nhân dân ta đã anh dũng vùng lên, đoàn kết đấu tranh, cùng nhau đập tan chế độ đô hộ, áp bức, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân và nhà nước phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[2]. Cách mạng tháng Tám đã thực sự là cuộc nổi dậy và đấu tranh của tất cả đồng bào Việt Nam yêu nước, bằng sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, bằng sự đoàn kết xunh quanh Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, lật đổ thực dân - phong kiến, giành độc lập cho dân tộc chứ không phải có sự “ăn may” như những thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Việt Nam, chứ không phải là hành động “cướp chính quyền” như một số kẻ thiếu hiểu biết, phản động đi rêu rao. Chúng ta đã chiến thắng, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân lao động từ tay bọn đế quốc, thực dân chứ không phải “cướp” một chế độ áp bức, bóc lột, điều đó bất cứ một người dân Việt Nam yêu nước nào cũng đều hiểu.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã tô thắm thêm mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh anh dũng bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta và càng khẳng định vai trò to lớn của Đảng, của Bác Hồ và Nhân dân ta trong bước ngoặt lịch sử. Mọi sự bôi nhọ, xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng tháng Tám của các thế lực phản động đều cần phải bị vạch trần và lên án. Thành quả cách mạng tháng Tám 1945 là hiện thực, có giá trị vĩnh hằng, không thể phủ nhận. Đây “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường; là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu Nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ”[2]. Do đó, phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự xuyên tạc nguy hiểm và thâm độc của những thế lực chống phá cách mạng Việt Nam cần được nhận diện nghiêm túc và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác hiệu quả.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng tháng Mười, nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản. Đây là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó, thành công của cách mạng là triệt để, là “đến nơi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của cách mạng tháng Tám là không thể phủ định được”. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.

-----

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (tập 4), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.3.

[2] Trần Dân Tiên (1975), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.116.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   1042
  • Tháng hiện tại:   354539
  • Tổng lượt truy cập:   6641638