Đầu năm 2024, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi trả lời phỏng vấn của Báo Đồng Nai về những thuận lợi, khó khăn và một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực của tỉnh Đồng Nai trong năm 2023. Tại buổi phỏng vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng năm 2023 là năm kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng. Trước bối cảnh đó, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Nai đã rất nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng đề ra. Mặc dù năm 2023, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, nhưng đặt trong tình hình chung, Đồng Nai vẫn là địa phương giữ được sự phát triển ổn định. Cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực đột phá, tạo chuyển biến trên công tác xây dựng Đảng, tập trung chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân… Trong bối cảnh khó khăn, Đồng Nai vẫn có những điểm sáng nhằm từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh thu từ lĩnh vực thương mại dịch vụ và du lịch tăng; lĩnh vực môi trường và khai thác khoáng sản được quan tâm giám sát; lĩnh vực y tế, giáo dục và công tác chăm lo an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác phòng, chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực…
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh
Đối chiếu với 60 chỉ tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy năm 2023 về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, có 52 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 11 chỉ tiêu vượt, như tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn. đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề; tỷ lệ tập hợp quần chúng vào tổ chức chính trị - xã hội…
- Về 04 lĩnh vực đột phá được Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (gồm: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội) được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả khá rõ rệt. Cụ thể, như về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã xây dựng được 7/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ (đạt 87,5 % chỉ tiêu kế hoạch); hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5 % kế hoạch; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt 40%; tỷ lệ diện tích được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương đạt 1,2%; tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 52%.
- Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên hàng năm tăng; chủ động hơn trong việc xử lý thông tin, phát hiện, xác định, tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề đối với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Tinh ủy và cấp ủy cấp dưới, tập trung những nội dung, lĩnh vực trọng tâm, những vấn đề nổi cộm, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến dự Lễ khởi công Dự án Nhà ở Xã hội tại huyện Trảng Bom
- Đồng thời, năm 2023 tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng. Xác định công tác cán bộ có vai trò quan trọng trong xây dựng Đảng và thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, năm qua, Đồng Nai đã tập trung nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo đó, công tác cán bộ được thực hiện bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình chính trị nội bộ trong cán bộ, đảng viên; triển khai, cụ thể hóa thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm thực hiện kịp thời nhất là ở những cơ quan, đơn vị sáp nhập, hợp nhất. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ 2025 - 2030 của 67 đơn vị, địa phương với 1.524 lượt cán bộ; giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 và bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; điều chỉnh cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy trực thuộc nhiệm kỳ 2020-2025. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ, chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo được đặc biệt quan tâm.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu
- Về việc tiếp dân và đối thoại với dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng: Tiếp dân, đối thoại với dân không chỉ là quy định bắt buộc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn thể hiện sự sâu sát, gần gũi của một Đảng gần dân, chính quyền gần với nhân dân. Qua tiếp dân, đối thoại với dân, cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó đưa ra được các quyết sách phù hợp với thực tiễn giải quyết kịp thời đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Thông qua tiếp dân, đối thoại với dân còn giúp giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các cấp, hình thành thói quen tiếp dân khi dân cần, không phải đợi đến khi có lịch phân công. Trong năm 2023, sở dĩ Bí thư Tỉnh ủy lựa chọn 2 buổi đối thoại với nhân dân trong vùng ảnh hưởng của dự án trọng điểm của tỉnh (đối thoại với 150 hộ dân trong khu vực mở rộng đường T1 và T2 giao thông kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Quốc lộ 51 (H.Long Thành) và với 250 người dân trên địa bàn TP.Biên Hòa, H.Long Thành đại diện các hộ dân thuộc diện di dời của Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia, số hộ dân nằm trong diện giải tỏa, đền bù, tái định cư lớn. Dù các cấp, các ngành của Trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các kiến nghị của người dân liên quan đến giá đền bù, xét tái định cư, hỗ trợ di dời chỗ ở, kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp… song thực tế, không phải là không còn những tâm tư. Do đó, việc lắng nghe ý kiến của dân cũng là cách để lãnh đạo tỉnh kịp thời xem xét, phối hợp giải quyết ngay những vướng mắc trong thẩm quyền địa phương nhằm giúp người dân yên tâm với nơi ở mới, đồng thuận với chủ trương, chính sách đã ban hành. Tiếp dân, đối thoại với dân đi đôi với quan tâm, chăm lo cho đời sống người dân tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện trong năm 2024 này.
Vân Anh