Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 07/4/1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mất ngày 10/7/2016. Suốt đời kiên cường đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân, lịch sử nước ta mãi khẳng định công lao to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta.
Đồng chí Lê Duẩn báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách miền Nam, Hà Nội, 1957
Từ năm 1954 đến năm 1957, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Trong những năm tháng vô cùng khó khăn này, Đồng chí đã kiên trì bám trụ ở những vùng nông thôn hẻo lánh miền Tây, miền Đông Nam Bộ đến trung tâm thành phố lớn Sài Gòn, Đà Lạt... để củng cố các cơ sở cách mạng, chuẩn bị cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Trước sức đánh phá của địch qua nhiều đợt “tố cộng, diệt cộng” cực kỳ tàn bạo và những chiến dịch càn quét khốc liệt, cách mạng miền Nam chịu đựng những tổn thất hết sức nặng nề. Chỉ trong 04 năm ở Nam Bộ (1955-1958), đã có tới 70.000 cán bộ, đảng viên ta bị địch giết, gần 900.000 cán bộ, Nhân dân bị bắt bớ tù đày, khoảng 200.000 người bị tra tấn thành thương tật.
Giữa lúc kẻ thù đang liên tiếp mở các chiến dịch như: “Chiến dịch Nguyễn Huệ”, “Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu” tiến hành những cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, dài ngày tại vùng rừng U Minh và khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tháng 8/1956, căn cứ vào quy luật đấu tranh cách mạng và thực tiễn cuộc đấu tranh ở miền Nam, đồng chí Lê Duẩn lúc này đang mang trọng trách là Bí thư Xứ ủy Nam bộ đã viết bản dự thảo Đường lối cách mạng miền Nam làm phương hướng chỉ đạo cho các cấp bộ Đảng. Xuất phát từ sự nhận định về bản chất độc tài, phát xít của chế độ Mỹ - Diệm, tài liệu vạch rõ con đường phát triển của cách mạng miền Nam là dựa vào sức mạnh của quần chúng để đánh đổ chế độ thống trị của kẻ thù, xây dựng chế độ mới do Nhân dân làm chủ để thực hiện những mục tiêu của cách mạng.
Tài liệu viết: “Để chống lại chế độ Mỹ - Diệm, Nhân dân miền Nam chỉ có một con đường cứu nước và tự cứu lấy mình là con đường cách mạng. Ngoài con đường cách mạng, không còn một con đường nào khác”. Đường lối cách mạng miền Nam đã nêu lên những kinh nghiệm lịch sử rút ra từ quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là: 1- Phải có thực lực cách mạng thì mới tranh thủ được thời cơ; 2- Muốn đưa cách mạng đến thành công phải có Đảng Mác - Lênin chân chính lãnh đạo; 3- Xây dựng khối liên minh công nông sâu rộng, vững chắc là điều kiện bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng; 4- Trên cơ sở khối liên minh công nông, phải xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để tăng thêm lực lượng cách mạng; 5- Cần hết sức khai thác mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để làm cho chúng suy yếu.
Năm kinh nghiệm đó là quy luật giành thắng lợi của cách mạng nước ta, đồng thời là những nhiệm vụ thường xuyên mà cách mạng miền Nam cần vận dụng trong hoàn cảnh lịch sử mới. Tài liệu đã giúp cho cán bộ, đảng viên ở miền Nam khắc phục những tư tưởng mơ hồ, củng cố lòng tin ở thắng lợi, ở sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhìn thấy kẻ địch rõ ràng hơn và nhất là thấy được phương hướng đánh đổ kẻ thù bằng lực lượng cách mạng của quần chúng. Do đó, tài liệu có tác dụng giáo dục cho cán bộ, đảng viên ý thức về giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, về chuyển hướng tổ chức và chỉ đạo đấu tranh phù hợp với tình hình Mỹ - Diệm ngày càng trắng trợn phá hoại Hiệp định Genève (1954).
Tháng 12/1956, Xứ ủy Nam Bộ họp và quyết nghị: “Do nhu cầu của cách mạng miền Nam, trong chừng mức nào đó cần có lực lượng tự vệ và vũ trang tuyên truyền để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tới sau này dùng lực lượng vũ trang đó để làm cách mạng đánh đổ Mỹ - Diệm. Tích cực xây lực lượng vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ rừng núi, tranh thủ vận động, cải tạo, tập hợp lực lượng giáo phái bị Mỹ - Diệm đánh tan đứng vào hàng ngũ Nhân dân, lấy danh nghĩa giáo phái ly khai để diệt ác ôn”.
Bản đề cương quý giá này là sản phẩm tinh hoa trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, được kết tinh bởi máu xương và nước mắt của hàng triệu đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài viết nhân kỷ niệm 50 năm bản dự thảo Đường lối cách mạng miền Nam ra đời đã nói: “Đường lối cách mạng miền Nam đã được hình thành và chín muồi dần trong tư duy đồng chí Lê Duẩn kể từ khi kẻ thù thẳng tay đàn áp khủng bố cán bộ, đồng bào ta và ra sức phá vỡ các cơ sở cách mạng tại khu vực các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Khi ở Quản Phú, phía Vàm Đình thuộc xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước (Cà Mau), đồng chí đã căn dặn tôi phải theo dõi sát sao các cuộc tàn sát đẫm máu của địch để kịp thời phát động sâu rộng lòng căm thù địch trong quần chúng, hướng tới việc sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng”.
Trong nhiều năm qua, bản dự thảo Đường lối cách mạng miền Nam đã được Đảng ta đánh giá là cơ sở của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 - Hội nghị lịch sử do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 01/1959, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng. Tuy nhiên, để cho bản Đề cương này được hóa thân nhuần nhuyễn vào trong nghị quyết, cả một tập thể tác giả đã tốn biết bao thời gian và tâm lực, phải viết đi viết lại đến 27 lần dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Duẩn.
Đoàn Trung Kiên