Vừa qua, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh do đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ làm trưởng đoàn đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực tế về công tác XDĐ, HTCT, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Đồng chí Đào Văn Phước - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đồng chủ trì hội nghị.
Các đồng chí trong Đoàn công tác 02 tỉnh Quảng Ninh và Đồng Nai tại buổi trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh được nghe báo cáo tóm tắt về công tác XDĐ, HTCT và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Sau Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng xây dựng quy chế hoạt động; sửa đổi bổ sung một số quy định cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng ở cơ sở; thường xuyên bám sát cơ sở, cùng cấp ủy giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, còn vướng mắc; qua đó giúp các cấp ủy không ngừng cải tiến đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng. Hầu hết các tổ chức đảng cơ sở đã thực hiện đúng vai trò là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, số lượng tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ không ngừng được củng cố; cơ cấu tổ chức đảng mang tính toàn diện, tương đối đồng đều ở tất cả các lĩnh vực. Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng được giữ vững và có chiều hướng phát triển tốt, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 11.669 đảng viên (trong đó, có 496 đảng viên là học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ 4,7% tổng số đảng viên kết nạp); thành lập 33 tổ chức đảng, kết nạp được 1.044 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước lên 185 tổ chức, với 4.158 đảng viên, chiếm 4,7% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy, đồng thời, là chủ doanh nghiệp tư nhân, Ban Chỉ đạo 07 Tỉnh ủy đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp quần chúng là chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 6 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có 28 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân, trong đó có 19 đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân.
Việc quản lý đội ngũ đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Điều lệ Đảng và nghiệp vụ công tác đảng viên; công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, các cấp ủy đã triển khai thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại đảng viên hằng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên luôn đạt trên 90%. Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên được thực hiện thường xuyên, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, kịp thời chấn chỉnh đối với đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện đúng quy định về sinh hoạt đảng, thiếu gương mẫu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 708 đảng viên bị xóa tên và 733 đảng viên xin ra khỏi đảng; trong đó, có 81 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước bị xóa tên và 60 đảng viên xin ra khỏi Đảng).
Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, với hơn 99% đảng viên, chi bộ đăng nhập sử dụng và tổ chức sinh hoạt đảng trên phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và thay đổi tư duy, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh về thực hiện chủ trương chuyển đổi số, từng bước thích ứng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập toàn cầu hóa, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa của tỉnh.
Thực hiện cải cách hành chính gắn với đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp; đang tổ chức thực hiện Kế hoạch số 293-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030; ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030 đảm bảo theo quy định, trong đó, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với các quy hoạch chung của tỉnh, thuận lợi công tác quản lý, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh hiện xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng người dân SIPAS đạt 80,44%, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện mô hình tiếp công dân 60 phút đầu giờ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, qua đó vai trò, trách nhiệm của các đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân ngày càng được nâng lên và mô hình “Chính quyền thân thiện với Nhân dân”, nhằm đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền các cấp từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; xây dựng phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, hướng đến sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và phát triển tốt. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 dự ước đạt gần 123 ngàn tỷ đồng, tăng 6,8%, (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 6,5-7%), đây là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 (6 tháng năm 2023 tăng 4,01%). Với mức tăng trưởng chung 6,8%, thì khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,93%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,19%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%.
Về sản xuất công nghiệp: Dự ước Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,62% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 7,26%; ngành khai khoáng tăng 4,33%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,49%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tháng 5 và tháng 6 sản xuất đã có sự tăng trưởng trở lại, tuy nhiên dự ước 6 tháng đầu năm giảm 6,14% không phải là do năng lực sản xuất của các doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu mà là do sự điều tiết, phân bổ từ Tập đoàn điện lực Việt Nam đảm bảo nguồn cung các địa phương.
Về sản xuất nông nghiệp: Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,42% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,34% (trồng trọt tăng 2,8%; chăn nuôi tăng 3,59%). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 822,4 tỷ đồng, tăng 2,31%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt hơn 1,3 tỷ đồng, tăng 5,36% so cùng kỳ.
Về Công tác quy hoạch: Đến nay Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, hiện đang hoàn chỉnh các ý kiến góp ý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với 7/11 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 06 đô thị . Đối với 4/11 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, đô thị Trảng Bom, đô thị Long Thành, đô thị mới Nhơn Trạch.
Dự ước tổng thu ngân sách nhà nước: 6 tháng đầu năm (tính đến 30/6/2024), tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 30.531 tỷ đồng, đạt 54% so với dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 110% so với cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa khoảng 20.881 tỷ đồng, đạt 54% so với dự toán và bằng 109% so với cùng kỳ (Nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thì thu nội địa ước khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt 58% so với dự toán và bằng 112% so với cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất khẩu khoảng 9.650 tỷ đồng, đạt 54% so với dự toán và bằng 111% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư xã hội đạt trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt trên 57 nghìn tỷ đồng, tăng 11,14% so cùng kỳ, đạt 46,02% kế hoạch năm (kế hoạch 124 nghìn tỷ đồng); trong đó vốn khu vực nhà nước đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 13,49%; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt gần 25.600 tỷ đồng, tăng 9,83%; vốn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng 11,9%.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng trên 835 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 đạt 568,78 triệu USD). Lũy kế đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực là 1.652 dự án với số vốn 34,61 tỷ USD.
Trao đổi tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh và các đồng chí trong Đoàn làm việc của Tỉnh ủy cùng trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp. Trong đó, tập trung thảo luận những vấn đề mang tính thực tiễn trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh (Quảng Ninh và Đồng Nai), như: Công tác quản lý bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; đầu tư hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa nhằm chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp; mô hình hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của nước ngoài; việc bố trí biên chế bí thư hoặc phó bí thư đảng bộ khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm đảm bảo thực chất, hiệu quả, công bằng làm căn cứ để tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử các chức vụ bầu cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ…
Đồng Nai tặng quà lưu niệm Đoàn công tác Tỉnh ủy Quảng Ninh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đào Văn Phước - UVBTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai hy vọng những nội dung được trao đổi sẽ giúp các đồng chí học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương của tỉnh Quảng Ninh có thêm những thông tin bổ ích cho việc nghiên cứu và công tác thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm của các đồng chí trong Đoàn công tác Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chia sẽ tại buổi làm việc cũng sẽ là nguồn thông tin quý giá đối với tỉnh Đồng Nai trong việc nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, thay mặt Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh gửi lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ rất chu đáo cho Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh hoàn thành tốt đợt công tác và đạt được nhiều kết quả.
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Ninh gồm có 28 đồng chí lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành là học viên lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương của tỉnh Quảng Ninh.
Công Minh