Giá trị khoa học và cách mạng trong di sản tư tưởng của Các Mác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam

05/05/2024 13:50:30 3921      Chọn cỡ chữ A a  

Cách đây 206 năm, ngày 05/5/1818, Các Mác sinh ra, không chỉ là nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà xã hội học, nhà sử học, nhà báo mà còn là một nhà tư tưởng lý luận thiên tài, nhà khoa học và cách mạng vĩ đại, cha đẻ của chủ nghĩa Mác, Người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

cc

Các Mác (1818-1883)

Vào thế kỷ XIX, C.Mác đã phát hiện và cùng Ph.Ăngghen xây dựng nên hệ thống lý luận cách mạng và khoa học, là kim chỉ nam, vũ khí tinh thần sắc bén, soi sáng sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức và bóc lột. C.Mác có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử loài người, để lại nhiều di sản cho nhân loại, trong đó, có ba cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực về triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đây là những phát minh sáng tạo ra hệ tư tưởng tiến bộ, khoa học và cách mạng, trở thành vũ khí lý luận giúp cho phong trào đấu tranh của GCCN giành thắng lợi, giải phóng xã hội loài người; có tầm ảnh hưởng sâu rộng và có tác động to lớn đối với nhân loại tiến bộ. Những di sản tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị về khoa học và cách mạng, có giá trị trường tồn và sức sống bền vững trong lòng nhân loại tiến bộ trên thế giới và nhân dân Việt Nam.

C.Mác để lại nhiều di sản có giá trị về tư tưởng, khoa học và cách mạng cho nhân loại, trong đó, có ba cống hiến vĩ đại nhất là: Tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người; tìm ra quy luật giá trị thặng dư - quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra; và tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thông qua học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học. Ba cống hiến đó được C.Mác đặt nền móng vững chắc và cùng với Ph.Ăngghen để lại di sản lý luận kinh điển, đồ sộ, sâu sắc và uyên bác trong bộ sách Tư bản và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Hai tác phẩm bất hủ này, có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới, trong đó, có Việt Nam được Mác dành tâm huyết cả cuộc đời mình và sự nghiệp để nghiên cứu.

Cống hiến to lớn đầu tiên của C.Mác trên lĩnh vực triết học tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người, xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử với một thế giới quan và phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và đặc biệt là GCCN một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới.

Trong nghiên cứu về quy luật lịch sử phát triển của thế giới, C.Mác đã kế thừa và hoàn chỉnh một cách thiên tài ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX, đó là: “Triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp”[1] để xây dựng nên phép biện chứng duy vật. Chủ nghĩa duy vật biện chứng của C.Mác đã “cung cấp cho loài người, nhất là cho GCCN những công cụ nhận thức vĩ đại”[2]. Theo C.Mác, thế giới bao gồm vô số sự vật và hiện tượng muôn hình muôn vẻ, tồn tại một cách khách quan, liên hệ, ràng buộc lẫn nhau, luôn vận động và biến đổi theo những quy luật khách quan. Cống hiến này đã đập tan triết học duy tâm, siêu hình, coi thế giới là do thần linh sáng tạo ra, vĩnh viễn không thay đổi. Đồng thời khẳng định, nguồn gốc của sự vận động, biến đổi là sự đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn ngay trong bản thân sự vật và làm cho sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Cái mới ra đời là tất yếu vì nó phù hợp với quy luật phát triển. Nhận thức con người là sự phản ánh sáng tạo đối với các sự vật và hiện tượng khách quan trên thế giới. Nhờ phương pháp nhận thức khoa học và thông qua thực tiễn hoạt động mà con người có thể hiểu biết và cải tạo thế giới. Đó là một quá trình từ không biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều; khả năng nhận thức của con người là vô tận.

C.Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử - “quy luật phát triển của lịch sử loài người”[3], làm cho chủ nghĩa duy vật biện chứng trở nên hoàn chỉnh, từ chỗ nhận thức thế giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người. Theo đó, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử loài người mà trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội; phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định sinh hoạt chính trị và tinh thần của xã hội; lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của những phương thức sản xuất kế tiếp nhau; quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại có một học thuyết phát triển tương đối hoàn chỉnh, các quy luật phát triển của xã hội loài người được phát hiện, tích hợp và trình bày trong một hệ thống các quy luật: Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, chứ không phải ngược lại; kinh tế, xét đến cùng quyết định chính trị; sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội như một quá trình lịch sử tự nhiên. Chính thực tiễn của chủ nghĩa tư bản châu Âu đương thời đã được C.Mác mổ xẻ, phân tích, giải phẫu và  minh chứng sâu sắc cho các quan điểm lý luận của mình. Mác đã vượt trên các cách giải thích khác về lịch sử xã hội loài người, kiên trì đi tìm và đã tìm ra “những điều bí ẩn của lịch sử”, “chủ thể của lịch sử” và “chìa khóa của lịch sử đích thực”. Theo C.Mác, động lực thúc đẩy sự vận động của lịch sử không phải là sức mạnh siêu tự nhiên, cũng không phải là những tư tưởng hay ý chí của các vĩ nhân, mà chính là nền sản xuất vật chất, là những lợi ích vật chất và trong đó, quần chúng nhân dân mới là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Đây chính là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của Mác đối với nhân loại, như V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”[4].

Bện cạnh đó, C.Mác đã cống hiến vĩ đại trên lĩnh vực kinh tế chính trị là việc phát hiện ra “quy luật giá trị thặng dư” -quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra”[5]. C.Mác đã vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mác đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. C.Mác là người đầu tiên nhận biết đối tượng lịch sử là chủ nghĩa tư bản, chứng minh nó xuất hiện như thế nào, hoạt động theo quy luật nào và có thể đi đến chỗ kết thúc ra sao, chính Mác đã khám phá ra phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Quy luật này được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của C.Mác, là quy luật cơ bản, phổ biến của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Đồng thời, C.Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất; mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản; đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. Để tồn tại và vượt qua các cuộc khủng hoảng, các cú sốc trong sự phát triển, chủ nghĩa tư bản luôn phải tự điều chỉnh để điều hòa mâu thuẫn này. Điều đó cho thấy, cống hiến vĩ đại của Mác luôn đúng, ngay cả khi chủ nghĩa tư bản hiện đại bước vào thời đại toàn cầu hóa và chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đánh giá về cống hiến vĩ đại trên của C.Mác, V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”[6].

C.Mác cũng đã tìm ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã xây dựng nên học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, phát hiện ra quy luật vận động, phát triển của xã hội, chỉ rõ giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử của GCCN trong việc tiêu diệt chế độ tư bản, sáng tạo ra xã hội mới. Năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen thông qua “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đây là một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản. Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng GCCN và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột và tha hóa; xác định rõ vai trò lịch sử thế giới của GCCN là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản; soi sáng cho GCCN toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi.

Theo C.Mác, trước hết là GCCN phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa; phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động nhằm giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa. Cuộc đấu tranh đó phải đi tới lập nên nhà nước chuyên chính vô sản và dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Mác đã chứng minh: “Giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản”[7] và sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu”[8]. Mác khẳng định: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[9]. Điểm cốt yếu của chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động, ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của GCCN với tư cách là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản, giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được.

Với hệ thống lý luận hoàn chỉnh gồm ba bộ phận cấu thành là triết học mác-xít, kinh tế chính trị mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau, C.Mác và Ph.Ăngghen đã xây dựng nên một thế giới quan khoa học, phương pháp luận cách mạng để nhận thức và cải tạo thế giới, như V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản”[10]. Qua đó, GCCN và nhân dân lao động toàn thế giới đã tìm thấy trong học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen vũ khí lý luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, hướng tới một tương lai xán lạn.

Trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, V.I.Lênin kế tục xuất sắc sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, bổ sung, phát triển nhiều vấn đề quan trọng trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc như: Lý luận về chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản; lý luận về chiến lược và sách lược của giai cấp vô sản trong thời đại mới; lý luận về vấn đề dân tộc, thuộc địa, về phong trào giải phóng dân tộc; lý luận về vai trò của đảng và nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,... Làm cho chủ nghĩa Mác ngày càng phong phú, hoàn chỉnh, trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin mang tính khoa học, cách mạng triệt để và nhân văn cao cả; là đỉnh cao của trí tuệ loài người, là khoa học về những quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, về cách mạng của quần chúng bị áp bức, bóc lột, về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Đối với cách mạng Việt Nam, cũng không nằm ngoài quy luật phát triển của xã hội loài người. Vào cuối thế kỷ XIX đầu của thế kỷ XX, khi thực dân Pháp đã hoàn thành xâm chiếm Việt Nam, biến nước ta thành “nước thuộc địa nửa phong kiến”. Dưới ách thống trị tàn bạo của Pháp, các tầng lớp, giai cấp trong xã hội Việt Nam không chỉ bị bóc lột về kinh tế, mà còn phải chịu nỗi nhục mất nước. Mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc, chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và phản động tay sai. Nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập theo ngọn cờ phong kiến và dân chủ tư sản đã nổ ra, nhưng đều thất bại. Sự nghiệp giải phóng dân tộc lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, toàn diện về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo, đặt ra yêu cầu cấp bách là tìm con đường cứu nước đúng đắn. Nhiệm vụ cứu nước, giải phóng dân tộc được đặt ra vô cùng cấp thiết. Ðộc lập, tự do là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước khắp năm châu, bốn biển, tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy được con đường cứu nước đúng đắn đó là con đường cách mạng vô sản. Người trở thành người cách mạng Việt Nam đầu tiên tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác  -Lênin để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc sáng lập ra chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Có chủ nghĩa Mác - Lênin, GCCN và Nhân dân Việt Nam mới tìm được con đường đi tới độc lập, tự do, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiêu biểu là Nhân dân ta đã giành thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/5/1954), mở đầu cho việc đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu cũ; thắng lợi trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975) với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), mở đầu cho việc đánh bại chủ nghĩa thực dân mới; và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Chính những di sản tư tưởng của Mác đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, trở thành nền tảng tư tưởng, có giá trị khoa học và cách mạng để làm nên mọi thắng lợi ở Việt Nam.

Trong gia đoạn hiện nay, trước những thời cơ và thách thức, tác động tích cực và tiêu cực của toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, chừng phạt kinh tế, cấm vận, sung đột,... đã và đang diễn ra hết sức phức tạp và khó lường thì những di sản của Mác trở thành tài sản có giá trị trường tồn, sức sống mãnh liệt, bền vững, xuyên suốt và kim chỉ nam trong mọi hành động. Cần phải quán triệt tinh thần của chủ nghĩa Mác trên các phương diện: Làm tốt công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. GCCN muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình phải đặt dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng phải luôn được đổi mới và chỉnh đốn để hoàn thiện mình, có đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; các tổ chức của Đảng được xây dựng chặt chẽ, thống nhất, tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đảng phải thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm phong phú thêm tư duy lãnh đạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới; tránh giáo điều, bảo thủ, trì trệ, duy ý chí. Mặt khác, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới.

Trong quá trình đổi mới phải “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[11]; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch muốn nước ta từ bỏ chủ nghĩa xã hội để phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã khẳng định, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để xây dựng được nền kinh tế đó, phải thiết lập được quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đồng thời, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Chủ nghĩa Mác do C.Mác phát hiện và cùng Ph.Ăngghen sáng lập cách đây gần hai thế kỷ, được V.I.Lênin phát triển lên một tầm cao mới, mang ý nghĩa khoa học và cách mạng vĩ đại, vô cùng lớn lao trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Đến nay, Mác vẫn được coi là người có ảnh hưởng nhất, những nguyên lý cơ bản do những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đề ra, mà nền tảng là thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, giá trị thặng dư, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn còn nguyên giá trị khoa học và cách mạng, mãi mãi soi đường cho nhân loại tiến bộ đi tới tương lai tốt đẹp hơn. Di sản tư tưởng của C.Mác mãi mãi soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới và trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những năm gần đây, chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào; các thế lực thù địch ra sức phê phán, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin và những người sáng lập, nhưng những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản. Dù con đường đi có khác nhau, lâu dài, trải qua những bước thăng trầm, nhưng lịch sử nhân loại tất yếu dẫn tới chủ nghĩa cộng sản như lý luận của C.Mác đã chỉ ra.

Kỷ niệm 206 năm Sinh sinh C.Mác là dịp để tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa, khẳng định tư tưởng của C.Mác vẫn còn sống mãi với nhân loại, bởi bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn của những di sản tư tưởng của C.Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn hoàn toàn đúng đắn và luôn được bổ sung, phát triển bởi những người mác-xít chân chính. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững niềm tin son sắt vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao đẹp và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn, chúng ta quyết tâm đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, năng động và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

-----

[1], [7] Đỗ Hồng Lâm, Di sản tư tưởng của Các Mác - Giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân.

[2], [4], [6], [10] V.I.Lênin (2005), Toàn tập (tập 23), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, tr.54, 53, 55, 50.

[3], [5] C.Mác và Ăngghen (1995), Toàn tập (tập 19), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.99, 500.

[8], [9] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập (tập 4), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.613, 628.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

                                                                                                                                                                     Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   7184
  • Tháng hiện tại:   360681
  • Tổng lượt truy cập:   6647779