Sáng 26/3/2025, thành phố Huế tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2025) và 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Huế (4/1930-4/2025). Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Cẩm Tú, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư. Cùng tham dự có các đồng chí: Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Mai Văn Chính, UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo thành phố Huế; các bậc Lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2025)
Chiến thắng lịch sử:
Giữa tháng 3/1975, khi quân địch thất thủ ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên Huế chớp lấy thời cơ, nhanh chóng chuyển hướng tấn công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Sáng 21/3/1975, theo Chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Sư đoàn 324 và Sư đoàn 325 (Quân đoàn II) đồng loạt nổ súng tiến công hệ thống phòng ngự của địch ở phía Nam Thừa Thiên-Huế (nay là thành phố Huế), cắt đứt giao thông đường số 1 đoạn Huế - Đà Nẵng, chính thức mở màn Chiến dịch giải phóng Huế. Với khí thế tiến công như vũ bão, quân và dân Huế chủ động nắm bắt thời cơ, nhất tề đứng lên, phối hợp với các mũi tiến công chủ lực của Quân đoàn II, Quân khu Trị Thiên tấn công địch từ bên ngoài, nổi dậy từ bên trong, tạo thành các mũi giáp công, đập tan hệ thống quân sự trọng yếu, tiêu diệt Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy tại Mang Cá, chiếm cửa Ngọ Môn, Tòa thị chính, Ty cảnh sát... Ngày 26/3/1975, thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng.
Những ngày tháng 3 lịch sử này, hàng trăm cựu chiến binh thuộc Trung đoàn 271, Quân khu Trị Thiên đã trở lại Huế, thăm chiến trường xưa và cùng sống lại những ký ức hào hùng về những ngày tháng đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Cựu chiến binh Dương Minh Đậm, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 271, Quân khu Trị Thiên, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 Dương Minh Đậm cho biết, Trung đoàn 271 là một trong những đơn vị chủ lực của Quân khu Trị Thiên, đã có gần 04 năm chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế anh hùng. Đơn vị đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tham gia Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đặc biệt, mùa mưa năm 1974, toàn trung đoàn đảm nhiệm hơn 150 điểm chốt từ Quảng Trị đến mỏ tàu Thừa Thiên - Huế. Có điểm chốt như Núi Bông - Núi Nghệ, có ngày nổ súng chiến đấu với quân thù 5 - 6 trận lớn, nhỏ. Đặc biệt, tại Chiến dịch giải phóng thành phố Huế, toàn Trung đoàn 271 là một cánh quân, là mũi chủ công.
Ngày 26/3/1975, trực tiếp đánh vào Đài Phát thanh truyền hình An Cựu, đánh vào Sân bay Phú Bài, đánh vào ấp 5 nơi Sở Chỉ huy của Quân đoàn 1, Quân khu 1, là đơn vị khét tiếng của địch. Đơn vị chúng tôi đã truy kích địch về cửa biển Thuận An, của biển Tư Hiền, bắt sống hơn 3.000 tù binh và thu nhiều phương tiện chiến đấu của địch; giải phóng các huyện thuộc thành phố Huế. Đúng 12 giờ, ngày 26/3/1975, lá cờ cách mạng phấp phới bay trên cột cờ Phu Văn Lâu, thành phố Huế hoàn toàn được giải phóng".
Thắng lợi giải phóng Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc Quân khu 1 và vùng 1 chiến thuật, giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, tạo đà cho bước chân thần tốc của đại quân ta tiến vào Đà Nẵng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sáng 26/3/1975, Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế) (Ảnh tư liệu)
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế (Ảnh tư liệu)
Xe tăng địch ở thành phố Huế bị quân Giải phóng và tự vệ đánh chiếm (Ảnh tư liệu)
Thành phố Huế tạo thế và lực vươn mình trong kỷ nguyên mới:
Đọc diễn văn ôn lại truyền thống tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Thành ủy Huế cho biết, sáng ngày 26/3/1975, lá cờ "quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân ta tung bay trên đỉnh Kỳ Đài - Phu Văn Lâu, đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - Thành phố Huế được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng ngày 26/3/1975 giải phóng Huế là thắng lợi hết sức to lớn, rực rỡ, là mốc son chói lọi, là kỳ tích của quân, dân thành phố Huế anh hùng, là thắng lợi của lòng yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", là sự kiện lịch sử vẻ vang nhất của Đảng bộ, quân và dân thành phố Huế, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Là thắng lợi mở đầu của Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21-29/3/1975) - Một trong ba đòn tiến công chiến lược quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. 50 năm sau ngày giải phóng, thành phố Huế trực thuộc Trung ương đang chuyển mình mạnh mẽ, từng bước khẳng định vai trò, vị thế về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu, giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ đang có nhiều thay đổi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Huế Lê Trường Lưu khẳng định, sau 50 năm giải phóng, gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới. Tính đến năm 2024, thành phố Huế đã đạt nhiều thành quả đáng phấn khởi. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,15%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. Thành phố Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á đang sở hữu 08 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế và 02 di sản đồng sở hữu với các địa phương khác. Hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, hiện đại. Thành phố ngày càng khẳng định vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng nâng cao về chất lượng.
Bí thư Thành ủy Huế nhấn mạnh, Với những nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, thành phố Huế vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2025, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố thứ sáu trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội (khóa XV). Đây là một mốc son, một dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, đánh dấu sự phát triển toàn diện của vùng đất Cố đô; là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Huế, tiếp tục khẳng định tiềm năng, vị thế và khát vọng vươn xa của thành phố trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Khoác trên mình diện mạo của một thành phố trực thuộc Trung ương, trách nhiệm đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Huế càng thêm nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đảng bộ đề ra mục tiêu vừa phát triển, vừa gìn giữ được bản sắc độc đáo của một đô thị di sản, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; phấn đấu xây dựng Huế trở thành một thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa Huế và con người Huế".
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2025)
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Trần Cẩm Tú, UVBCT, Thường trực Ban Bí thư đã biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Huế đã đạt được trong suốt chặng đường 50 năm qua.
Đồng chí Trần Cẩm Tú cho rằng, "với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao đối với thành phố Huế - thành phố trực thuộc Trung ương, phải làm thế nào để phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế mới. Đảng và Nhà nước mong muốn thành phố Huế tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, văn hóa Huế, tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra; tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một thành phố phát triển nhanh, bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc”.
Để xây dựng thành phố Huế phát triển nhanh và bền vững, cùng với cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị trong thời gian tới, “thành phố Huế cần quan tâm, chủ động triển khai nghiêm túc, kịp thời các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm tiến độ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện; bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không để gián đoạn trong công việc. Củng cố tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội (khóa XV) về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, thành phố cần nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, xây dựng các kịch bản tăng trưởng cụ thể với tinh thần đột phá, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2025 - 2030. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chăm lo, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp và đầu tư mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ. Tập trung xây dựng thành phố Huế thành trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế. Chú trọng phát triển kinh tế di sản, phát huy hơn nữa giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế, tạo sức hút đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu các phong trào để xây dựng thành phố Huế "sáng - xanh - sạch - đẹp", văn minh, phồn vinh và hạnh phúc. Thường xuyên lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, dân tộc. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Huế lần thứ XVII; chuẩn bị kỹ lưỡng văn kiện Đại hội và công tác nhân sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Lê Sơn