Hội Nông dân các cấp tỉnh Đồng Nai phát huy vai trò tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

06/05/2025 12:04:22 20      Chọn cỡ chữ A a  

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống của người nông dân. Để hiện thực hóa những mục tiêu đầy ý nghĩa này, vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên và nông dân tích cực tham gia vào chương trình.
Trong những năm qua, Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong triển khai Chương trình OCOP. Toàn tỉnh hiện có 283 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã được đánh giá, xếp hạng OCOP, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành niềm tự hào của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất và tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Hội Nông dân các cấp tỉnh Đồng Nai đã và đang thể hiện vai trò không thể thiếu trong việc lan tỏa thông tin, xây dựng nhận thức và tạo động lực cho hội viên, nông dân tham gia Chương trình OCOP thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: Hội đã chủ động tổ chức hàng trăm hội nghị, tập huấn về OCOP tại các huyện, thành phố và cơ sở Hội. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông của Hội như trang thông tin điện tử, trang fanpage, facebook, zalo, các ấn phẩm, tờ rơi,… qua đó, chương trình OCOP được truyền tải một cách dễ hiểu, gần gũi đến đông đảo hội viên và nông dân. Các cán bộ Hội đã kiên trì giải thích về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của OCOP, từ việc nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập đến xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Điển hình từ năm 2024 đến nay, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 22 lớp tập huấn cho gần 2.000 hội viên, nông dân nhằm tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời, tích cực phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp bồi dưỡng kiến thức về sản xuất theo tiêu chuẩn, chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu, kỹ năng marketing, livestream bán hàng cho nông dân. Hội còn đóng vai trò tích cực trong việc kết nối nông dân với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, các kênh phân phối hiện đại, các sàn thương mại điện tử, giúp sản phẩm OCOP có đầu ra ổn định và bền vững. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội vận động thành lập đã trở thành những chủ thể OCOP tiêu biểu của tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Chương trình OCOP

Gần đây nhất, vào ngày 05/5/2025, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị bàn giao hỗ trợ phát triển 05 sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP năm 2025 của các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Xuân Lộc có 2 sản phẩm (Trứng gà I-ốt Tân Hợp của Hợp tác xã TM-DV Nông nghiệp Tân Hợp, xã Xuân Thành; Hạt điều rang muối của Hộ kinh doanh cơ sở Linh Ly, xã Xuân Thọ), huyện Thống Nhất có 02 sản phẩm (Chuối sấy Bơm ép của Hộ kinh doanh - Chuối sấy Nhất Thống, xã Quang Trung, Cà phê Mảnh M.Pure của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất Khẩu Lacote Việt Nam, xã Gia Tân 3) và thành phố Biên Hòa có 01 sản phẩm (Tranh Thêu Bồ Đề Phúc An của Hộ kinh doanh Vạn Niên Thanh, phường Tam Hiệp). Các sản phẩm đã được tư vấn khảo sát hiện trạng, xây dựng kế hoạch hoàn thiện, phát triển ý tưởng sản phẩm, xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ thiết kế mẫu mã và bao bì sản phẩm; hỗ trợ hồ sơ công bố tiêu chuẩn; có hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất từng phần và toàn bộ quá trình sản xuất từ vùng trồng, chế biến, đóng gói đến kinh doanh thông qua hệ thống QR code minh bạch. Việc đăng ký nhãn hiệu cũng đã được hỗ trợ, giúp các sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng, tránh nguy cơ xâm phạm và được bảo hộ độc quyền.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh bàn giao các nội dung hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho các hộ kinh doanh

Song song đó, Hội Nông dân các cấp thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên và nông dân về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai OCOP, từ đó đề xuất với các cấp chính quyền những chính sách hỗ trợ thiết thực và phù hợp. Hội cũng tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến OCOP, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người nông dân.
Những hoạt động thiết thực của Hội Nông dân các cấp tỉnh Đồng Nai đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy sự tham gia tích cực của đông đảo hội viên, nông dân vào Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai OCOP tại Đồng Nai vẫn còn đối diện với không ít khó khăn. Một bộ phận nông dân vẫn chưa thực sự hiểu rõ về chương trình, còn tâm lý e ngại thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thiếu thông tin về quy trình, tiêu chuẩn và thị trường. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò tiên phong của Hội Nông dân trong việc đổi mới liên tục về nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động để phù hợp với từng đối tượng nông dân.
Để phát huy hơn nữa vai trò then chốt của Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia Chương trình OCOP, Hội Nông dân các cấp cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:
Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về OCOP cho cán bộ Hội các cấp, trang bị kiến thức về quy trình, tiêu chuẩn, thị trường, kỹ năng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân.
Bên cạnh các hình thức tuyên truyền miệng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, xây dựng các video clip, infographic sinh động, dễ hiểu để tiếp cận với nhiều đối tượng nông dân.
Hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tiêu biểu tham gia OCOP thành công dưới sự hướng dẫn của Hội, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa và khuyến khích đông đảo nông dân khác học hỏi và làm theo.
Hội cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP của nông dân. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu để mở rộng thị trường.
Hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap, hữu cơ; Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Hội cần tiếp tục là cầu nối tin cậy giữa nông dân và chính quyền, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các chủ thể OCOP. Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân tham gia OCOP.
Hội Nông dân các cấp tỉnh Đồng Nai đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa, thúc đẩy sự tham gia của hội viên và nông dân vào Chương trình OCOP, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp và kinh tế nông thôn của tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng, sự đổi mới sáng tạo trong phương thức hoạt động và sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, Hội Nông dân Đồng Nai sẽ tiếp tục khẳng định vai trò không thể thiếu của mình, đồng hành cùng người nông dân trên con đường nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng. Sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng sẽ là động lực mạnh mẽ để Chương trình OCOP ngày càng phát triển và mang lại những thành quả to lớn hơn nữa cho người nông dân Đồng Nai.

Thu Dinh

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   11694
  • Tháng hiện tại:   332875
  • Tổng lượt truy cập:   6619974