Xác định công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong 05 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nội dung Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đến các chi, đảng bộ trực thuộc để quán triệt cho toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 256-KH/TU, ngày 12/4/2019 và các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã ban hành 97 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi mình phụ trách; chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có nội dung liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác bảo vệ người tố cáo. Công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được các địa phương quan tâm thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các ngành tỉnh Đồng Nai đã triển khai 427 cuộc tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, về bảo vệ người tố cáo với 25.692 người tham dự, phát sóng trên Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai và các đài truyền thanh với 381 tin, 189 bài với thời lượng phát thanh 7.040 phút; thực hiện 68 tiết mục ngày pháp luật, 43 chuyên mục pháp luật và đời sống.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(Infographic tuyên truyền về các biện pháp bảo vệ người tố cáo)
Trong kỳ, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.164 đơn thư tố cáo, phản ánh, tố giác liên quan; qua giải quyết chưa có trường hợp người tố cáo yêu cầu bảo vệ, cũng như việc xử lý vi phạm đối với cấp dưới và trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tình trạng người tố cáo thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 01 cuộc kiểm tra chuyên đề việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 và Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị. Định kỳ 6 tháng và cuối năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra các cấp ủy trực thuộc tỉnh về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong đó, có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy đã tổ chức 63 cuộc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, trong đó lồng ghép kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị. Ngành thanh tra của tỉnh đã triển khai 59 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn chủ yếu tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị; một số cán bộ, đảng viên và người dân vẫn còn ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc gửi đơn, thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực đa số dưới hình thức đơn nặc danh gây khó khăn cho cơ quan xử lý khi cần liên hệ để cung cấp thêm thông tin chứng cứ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo chưa thường xuyên, chủ yếu lồng ghép với các nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát khác. Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do trước hết là người đứng đầu ở một số địa phương nhất là cấp cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ người tố cáo; hiệu quả tuyên truyền trong việc nâng cao nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo nên còn sợ bị trả thù, trù dập.
(Infographic tuyên truyền về đối tượng, phạm vi, nội dung và căn cứ áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí)
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lăng phí, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền cần quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 256-KH/TU, ngày 12/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trọng tâm là Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành… nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ, đảng viên trong việc phát hiện tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ hai, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 256-KH/TU, ngày 12/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật tố cáo, về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc chấp hành pháp luật về tố cáo và bảo vệ người tố cáo; việc thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.
Thứ tư, tăng cường củng cố, kiện toàn và đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các cơ quan, đơn vị có chức năng bảo vệ người tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, trong quá trình giải quyết đơn thư, thông tin phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cần kiến nghị, đề xuất kịp thời các hình thức động viên, khen thưởng xứng đáng theo quy định đối với các trường hợp tố cáo đúng góp phần phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng nhằm tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, tuyệt đối không để lộ lọt thông tin, làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Hoàng Trâm