Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Phước Long (06/01/1975-06/01/2025) - Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long

06/01/2025 06:04:02 419      Chọn cỡ chữ A a  

Chiến thắng Phước Long ngày 06/01/1975 đã “phá vỡ lá chắn” của địch, là “đòn trinh sát chiến lược” thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của ta. Chiến thắng này có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc chiến lược của ta và cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của đế quốc Mỹ.

Chiến dịch Đường 14 - Phước Long diễn ra trong bối cảnh lịch sử sau Hiệp định Paris (27/01/1973), cục diện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Thế và lực của quân đội Sài Gòn (quân đội Việt Nam Cộng hòa) trên chiến trường miền Nam suy yếu nghiêm trọng trước các chiến dịch tiến công mạnh mẽ của ta, trong khi viện trợ về mọi mặt của đế quốc Mỹ đã giảm sút nhiều so với trước. Hầu hết các đơn vị chủ lực của đối phương đều phải đứng chân ở các khu vực có các trục đường xung yếu để bảo vệ các thị xã, thành phố quan trọng, buộc chúng phải để hở những vùng nông thôn và rừng núi rộng lớn. Ở miền Đông Nam Bộ, địch tập trung phòng thủ vững chắc Sài Gòn, cố thủ những nơi đã chiếm đóng sâu trong vùng giải phóng như: An Lộc, Chơn Thành, Phước Long làm bàn đạp đánh phá hậu phương ta. Tại Phước Long (nay là thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), lực lượng địch có 04 tiểu đoàn bảo an, 02 đại đội cảnh sát, 10 trung đội pháo binh, 01 chi đội xe thiết giáp M113, 60 trung đội dân vệ, 3.000 phòng vệ dân sự [1]; địch bố trí các chi khu quân sự: Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, căn cứ Bà Rá vốn được xem là tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ Sài Gòn từ xa, nhất là ngăn chặn Quân giải phóng có thể từ Tây Nguyên tràn xuống hoặc từ Lộc Ninh đánh vào Bình Dương, tiến vào nội đô Sài Gòn; đồng thời, ngăn chặn hành lang vận tải của Quân giải phóng qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; chia cắt thế liên hoàn các vùng do ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác.

Quân ta hành quân về giải phóng Phước Long (Ảnh tư liệu).

Về phía ta, từ sau Hội nghị Trung ương 21 (tháng 7/1973), ta đã khôi phục hầu hết các vùng giải phóng bị địch lấn chiếm và mở thêm một số vùng mới. Ở Nam Bộ, khối chủ lực được tăng cường với việc thành lập nhiều đơn vị như: Sư đoàn 9 và Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, cùng với trang bị nhiều vũ khí, phương tiện mới. So sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, ta đã mạnh hơn địch, tuy chưa áp đảo nhưng đã có khả năng mở những cuộc tiến công lớn trên một số hướng chiến lược. Nắm bắt thời cơ, Đảng ta triệu tập hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30/9 đến 08/10/1974) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976). Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị, tại miền Đông Nam Bộ, tháng 10/1974, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 mở chiến dịch Đường 14 - Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, mở rộng đầu cầu tuyến hành lang chi viện chiến lược 559; tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực sẵn sàng tiến công Sài Gòn. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho quân và dân Phước Long diệt gọn chi khu “Bù Đốp lưu vong”, quân chủ lực phối hợp lực lượng địa phương tiêu diệt chi khu quân sự Đức Phong và yếu khu Bù Na nhằm chia cắt và cô lập Phước Long với các khu vực xung quanh, sau đó, phối hợp với quân chủ lực tiến công giải phóng Phước Long.

Quân ta truy kích địch trong thị xã Phước Long ngày 05/01/1975 (Ảnh tư liệu).

Quán triệt Nghị quyết của Trung ương Đảng, chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam, Bộ tư lệnh Miền mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long (13/12/1974-06/01/1975) [2] nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng khu vực dân cư ở Đường số 14, mở rộng đầu cầu tuyến vận tải chiến lược, tạo thêm bàn đạp để tiến về Sài Gòn. Địa bàn diễn ra Chiến dịch trải rộng ở các tỉnh Phước Long, Bình Phước, Bình Long, Tây Ninh, Bình Dương. Từ ngày 13-17/12/1974, ta tiêu diệt hoàn toàn chi khu “Bù Đốp lưu vong”, chi khu Đức Phong và yếu khu Bù Na, làm chủ tình hình cung đường 14 dài 80km, thu gần 6.500 đạn pháo 105mm, diệt và bức rút hơn 50 đồn bốt, giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn với hơn 14.000 dân, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam Phước Long của địch. Từ ngày 23-31/12/1974, quân ta tiến công tiêu diệt chi khu Bù Đốp, Đồng Xoài, chi khu quân sự Phước Bình, Phước Lộc, Bà Rá, đưa lực lượng áp sát, cô lập hoàn toàn thị xã Phước Long. Rạng sáng 31/12/1974, ta nổ súng tiến công chi khu quân sự Phước Bình, cùng lúc bộ đội địa phương tiến công Phước Lộc. Ngày 02/01/1975, ta tiến công thị xã Phước Long. Mặc dù, hệ thống phòng thủ của địch khá đông, nhưng tinh thần quân lính đang hoang mang, rệu rã nên khi ta cho bắn pháo vào thị xã Phước Long phá hủy một số công sự và hệ thống thông tin liên lạc càng khiến địch hoang mang tột độ. Rạng sáng 06/01/1975, theo đúng hiệp đồng tác chiến, các đơn vị bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công đồng loạt trên các hướng. Trước sự tấn công mãnh liệt của quân ta, tất cả các mục tiêu trong thị xã đều bị tiêu diệt hoàn toàn. 09 giờ 00 sáng cùng ngày, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên nóc dinh tỉnh trưởng, thị xã Phước Long được hoàn toàn giải phóng.

Kết quả của chiến dịch Đường 14 - Phước Long, qua hơn 20 ngày đêm chiến đấu, ta diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở Phước Long (diệt 1.160, bắt 2.146 quân địch, 1.000 ra trình diện), bắn rơi và phá hủy 15 máy bay, 04 pháo 155mm, 03 xe thiết giáp; thu 3.125 súng các loại, 02 máy bay, 100 xe quân sự, hơn 10 nghìn đạn pháo; giải phóng toàn tỉnh Phước Long với 50.000 dân, phòng tuyến phía Bắc Sài Gòn đã bị ta chọc thủng [3].

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược, là “đòn trinh sát chiến lược” của ta, cung cấp những luận cứ thực tiễn để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long chẳng những giải phóng hoàn toàn một tỉnh ngay sát Sài Gòn, mà còn cắt đứt Đường 14, cô lập Sài Gòn ở một hướng chiến lược quan trọng và cô lập cả Tây Nguyên. Chiến dịch đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho các binh đoàn của ta sẵn sàng áp sát, tiến công Sài Gòn. Mỹ cũng không thể vào lại miền Nam và chấp nhận thực tế chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với người Mỹ.

Từ Chiến thắng Đường 14 - Phước Long, ta cũng đánh giá và thấy rõ bước suy sụp mới của quân đội Sài Gòn, đã không còn đủ sức để phản kích giành lại những địa bàn chiến lược quan trọng vừa mất. Toàn tỉnh Phước Long - nơi sát Sài Gòn, một địa bàn chiến lược quan trọng bị mất mà không ứng cứu được. Điều đó đặt ra nếu các địa bàn chiến lược khác xa hơn nếu mất, địch càng khó tái chiếm. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là thành quả của quân và dân cả nước, trực tiếp là miền Đông Nam Bộ, là chiến thắng của lực lượng vũ trang ba thứ quân, sức mạnh tổng hợp của cả quân và dân trong chiến dịch. Đó cũng là thành quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự, trình độ, khả năng tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm đánh thắng toàn bộ đội quân lớn mạnh hiện đại còn lại của địch ở miền Nam Việt Nam. Chiến thắng là bài học về chọn địa bàn chiến lược chính xác. Phước Long là địa bàn chiến dịch vừa đáp ứng yêu cầu của chiến lược, thích hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của ta. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long, đưa đến quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng sức mạnh của cả dân tộc.

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long thể hiện bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật tổ chức và thực hành tác chiến chiến dịch. Trước hết, Quân giải phóng xác định mục tiêu, lựa chọn địa bàn tác chiến chiến dịch để làm “đòn trinh sát chiến lược”, đánh giá thực lực của kẻ thù. Cuối năm 1974, trong hệ thống phòng thủ của Quân đoàn 3 ngụy, địa bàn Đường số 14 - Phước Long tương đối sơ hở, để lộ nhiều điểm yếu. Vì vậy, Bộ tư lệnh Miền quyết định chọn địa bàn này tiến hành tác chiến chủ yếu của bước 1 năm 1975 là quyết định đúng đắn, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, quân ta đã chủ động tạo lập thế trận tác chiến hóa linh hoạt, làm cho quân địch bị bất ngờ. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch, ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động nghi binh của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và một bộ phận của Sư đoàn 7 trên Đường số 7 và Đường số 16 nhằm thu hút Quân đoàn 3 ngụy. Tận dụng sơ hở của địch, các đơn vị Quân giải phóng bí mật triển khai lực lượng trên các hướng, tạo thành thế trận bao vây, chia cắt, đưa địch vào thế bị động để tiêu diệt. Trong quá trình tác chiến, ta đều chủ động đánh giá lại tình hình, so sánh lực lượng, bổ sung nhiệm vụ, quyết tâm chiến đấu cho phù hợp, nhất là thực hiện chuyển hóa, phát triển thế trận, tạo thời cơ để nhanh chóng tiến công các mục tiêu mới khi địch chưa kịp triển khai kế hoạch đối phó. Khi đợt 1 đang diễn ra ác liệt, nhận thấy thời cơ mở ra, ta tổ chức triển khai lực lượng ở Nam Bù Đốp, Phước Tín; tiến hành bao vây, đánh chiếm căn cứ Phước Lộc, Phước Quả... để tạo thế cho đợt 2. Trong khi địch bị thu hút về hướng Bù Đốp và tập trung lo phòng giữ Tây Ninh, với thế trận được triển khai từ trước, ta nhanh chóng bao vây, tiến công chi khu quân sự Đồng Xoài và thị xã Phước Long. Do ở thế bị động và cô lập, địch ở Phước Long nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt.

Nét nổi bật về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là đã vận dụng sáng tạo cách đánh, nhất là đánh hiệp đồng binh chủng gồm bộ binh, xe tăng, pháo cơ giới, đánh chiếm thị xã được phòng thủ chặt chẽ. Để tiêu diệt các chi khu quân sự của địch được bố trí phòng ngự kiên cố với nhiều lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt, ta tổ chức cách đánh lần lượt tiến công đột phá từng mục tiêu kết hợp sử dụng lực lượng, phương tiện tăng dần từng bước; kết hợp đánh thọc sâu, trong đánh ra, ngoài đánh vào, đánh quân địch yếu trước, mạnh sau, kéo địch từ chỗ mạnh sang chỗ yếu, tạo thế, nghi binh, chia cắt, nhanh chóng tiêu diệt từng cụm quân địch, giải phóng từng địa bàn, địa phương, tiến tới giải phóng toàn tỉnh Phước Long. Trong chiến dịch này, nghệ thuật đánh trận then chốt và then chốt quyết định đã tạo ra bước đột phá. Cụ thể, thắng lợi của trận then chốt Đồng Xoài đã góp phần quyết định cô lập hoàn toàn chi khu Phước Bình và thị xã Phước Long, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và Nhân dân nổi dậy phá bỏ bộ máy cai trị của địch; góp phần quyết định vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Tượng đài Chiến thắng Phước Long ngày 06/01/1975

Chiến thắng cho thấy, Trung ương Đảng hết sức coi trọng và phát huy vai trò của tập thể và các lãnh đạo trực tiếp tại chiến trường; lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường tuân thủ ý đồ chiến lược và sự chỉ đạo của Trung ương. Sự kết hợp này đã trở thành truyền thống và kinh nghiệm quý giá của Đảng. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long để lại nhiều bài học vẫn còn nguyên tính thời sự trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là bài học về xây dựng, sử dụng đòn trinh sát chiến lược không chỉ có giá trị trong lĩnh vực quân sự, trong sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà còn hết sức ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

-----

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1988), Chiến dịch tiến công Đường số 14- Phước Long (Cuối năm 1974 - đầu năm 1975), Hà Nội, tr.46.

[2] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân (Quyển 1), Hà Nội, tr.153.

[3] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam (2015), Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân (Quyển 1), Hà Nội, tr.155.

Lê Sơn

 

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   3497
  • Tháng hiện tại:   453929
  • Tổng lượt truy cập:   6741027