Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945-11/3/2025) - Tầm vóc lịch sử, ý nghĩa chiến lược và bài học sâu sắc về lấy dân là gốc

11/03/2025 05:18:35 642      Chọn cỡ chữ A a  

Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ diễn ra vào ngày 11/3/1945 thắng lợi có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là chớp thời cơ, lãnh đạo tổ chức khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng; kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đặc biệt, bài học xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận chiến tranh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thúc đẩy quy hoạch, bảo tồn, phát huy địa điểm Di tích Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi

Tượng đài Di tích Quốc gia đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi)

Bối cảnh, diễn biến và kết quả cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Trong bối cảnh thực dân Pháp ra sức huy động lực lượng để đối phó, khủng bố, đánh phá các cơ sở cách mạng của ta thì tình hình thế giới và trong nước lúc bấy giờ rất thuận lợi cho phong trào cách mạng của Nhân dân ta. Liên Xô và quân Đồng minh tiếp tục giành thế chủ động trên các mặt trận, ảnh hưởng của Đảng và Việt Minh được lan rộng. Tại Quảng Ngãi, cơ sở cách mạng đã mở rộng ra nhiều vùng ở các huyện đồng bằng. Ba Tơ là một huyện miền núi của vùng tây Quảng Ngãi, nơi có một đồn binh của thực dân Pháp. Đồn này do lính khố xanh đóng giữ dưới quyền chỉ huy của sĩ quan người Pháp. Vào thời kỳ 1940-1945, thực dân Pháp đã dùng Ba Tơ làm nơi “an trí” những người tình nghi cách mạng hoặc những người tù cách mạng đã mãn hạn. Lập “căng an trí” Ba Tơ, thực dân Pháp nhằm dùng rừng núi hiểm trở để trói buộc và tiêu hao dần lực lượng cách mạng. Ba Tơ cũng là nơi ta xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc ở một số nơi. Một số già làng được ta vận động đứng về phía Nhân dân như Già Kiêu, Đinh Rua, Đinh Rói... Cơ sở trong binh lính ở đồn binh Ba Tơ cũng được gây dựng. Các đoàn thể quần chúng cứu quốc như: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ được phát triển. Công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, gấp rút thì một sự kiện mới xảy ra.

Đêm 09/3/1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, sau mấy giờ chống cự yếu ớt, thực dân Pháp đều bị bắt, đầu hàng phát xít Nhật hoặc trốn chạy. Trước tình hình biến chuyển đột ngột, cùng với nhiều nơi trong nước, Tỉnh ủy lâm thời ở Quảng Ngãi đã họp và quyết định chớp thời cơ này, tiến hành khởi nghĩa đánh chiếm đồn Ba Tơ để lấy súng đạn, lương thực và gây ảnh hưởng, làm ngòi nổ cho phong trào cách mạng; đồng thời, phân công nhau về hoạt động gấp ở châu, đẩy mạnh phong trào công khai giành chính quyền ở hương thôn. Theo kế hoạch đã định, đêm 11/3/1945, Ủy ban Bạo động chỉ huy hơn 30 chiến sĩ cách mạng tiến vào đồn Ba Tơ. Quân ta vừa nổ súng, vừa kêu gọi binh lính. Địch ở trong đồn bắn ra lẻ tẻ, nhưng trước khí thế hùng mạnh của cách mạng và áp lực của quần chúng, bọn chúng đã phải đầu hàng. Chỉ trong vòng 30 phút, quân ta chiếm được đồn Ba Tơ, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trong sương mờ của đêm hôm ấy. Tin khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi đã lan nhanh đến các nơi trong toàn tỉnh. Rạng sáng ngày 12/3/1945, một cuộc míttinh lớn với sự tham dự của hàng ngàn đồng bào Kinh, Thượng mang theo gươm, dao, giáo, mác, băng khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng đã được tổ chức tại sân vận động trước đồn Ba Tơ. Tiếng hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm" vang lên.

Ủy ban Bạo động đứng lên tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng, ban bố các quyền tự do dân chủ. Chính quyền cách mạng Ba Tơ là một bộ phận khăng khít của chính quyền cách mạng toàn quốc, vừa là phần tử chống phát xít của Mặt trận Dân chủ thế giới. Chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế, nợ nần của Pháp lập ra. Nhiệm vụ của chính quyền cách mạng là cùng toàn dân Kinh, Thượng đánh đổ phát xít Nhật, tẩy sạch thực dân Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập. Đồng bào nhất loạt hô khẩu hiệu biểu thị quyết tâm: "Đánh đuổi phát xít Nhật! Tẩy sạch thực dân Pháp! Việt Nam hoàn toàn độc lập!". Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ đem toàn bộ tài sản thu được trong đồn địch (chinh, ché, nồi đồng, quần áo, vải, ngựa, dê, lúa, gạo...)

Sức mạnh của cách mạng nằm ở Nhân dân

Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ là minh chứng rõ nét cho tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường và sự đoàn kết chặt chẽ giữa Nhân dân với lực lượng cách mạng. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của Nhân dân là nhân tố quyết định tạo nên thành công của cuộc khởi nghĩa, là một trong những hình mẫu về khởi nghĩa vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ bạo lực phản cách mạng ở Nam Trung Bộ, tạo tiền đề cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945.

Tháng 3/1945, đội du kích Ba Tơ tuyên thệ tại căn cứ địa (Ảnh tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Đội du kích Ba Tơ dựa vào dân để hoạt động, chiến đấu và chiến thắng chứng minh cho đường lối chiến tranh nhân dân, là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Du kích Ba Tơ thật sự từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Giữa du kích Ba Tơ và quần chúng nhân dân địa phương có mối quan hệ máu thịt bền chặt.

Khởi nghĩa Ba Tơ để lại những bài học quý giá cho cách mạng Việt Nam về xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng; về sự lãnh đạo kiên định, linh hoạt của Đảng Cộng sản Đông Dương; về kết hợp các hình thức đấu tranh; về lấy dân là gốc.

Trong cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, “thế trận lòng dân” được thể hiện rõ nét. Mặc dù, đời sống kinh tế rất nghèo khó, song người dân vẫn đóng góp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để nuôi dưỡng Đội du kích Ba Tơ. Đồng thời, tham gia chế tạo vũ khí thô sơ để tự vũ trang bảo vệ làng, hỗ trợ lực lượng du kích; hỗ trợ xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở vùng núi Ba Tơ, giúp lực lượng du kích duy trì hoạt động lâu dài. Căn cứ này không chỉ là nơi huấn luyện quân sự mà còn là trung tâm của phong trào cách mạng ở vùng đất này. Nhiều thanh niên đã gia nhập lực lượng du kích Ba Tơ, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc.

Ba bài học kinh nghiệm quý báu được đúc rút từ “Thế trận lòng dân” trong Khởi nghĩa Ba Tơ, đó là: (1) Quán triệt và thấm nhuần sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, lòng dân là cội nguồn sức mạnh của cách mạng; (2) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là chìa khóa gắn kết lòng dân, tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) Tiến hành chính sách dân vận hiệu quả, tập trung khai thác yếu tố địa phương để tạo lợi thế trong phát triển, gắn với tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng.

“Thế trận lòng dân” trong Khởi nghĩa Ba Tơ khẳng định sức mạnh của cách mạng nằm ở Nhân dân, sự lãnh đạo đúng đắn cùng với chính sách hiệu quả là yếu tố then chốt. Những bài học từ cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ vẫn còn nguyên giá trị trong việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý Đảng hòa quyện với lòng dân

Từ “Thế trận lòng dân” trong Khởi nghĩa Ba Tơ cho thấy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, tổ chức Đảng các cấp cần tăng cường củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, quyết liệt đổi mới, cải cách toàn diện bộ máy hệ thống chính trị bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Yếu tố cốt lõi để xây dựng “thế trận lòng dân” là cần chú trọng việc gần gũi, lắng nghe và giải quyết các vấn đề của Nhân dân, đặc biệt là trong các vấn đề như: đất đai, môi trường, chính sách an sinh xã hội... Việc triển khai các chương trình tuyên truyền, giáo dục, dân vận cần đi sâu vào đời sống Nhân dân, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà vấn đề về giáo dục, y tế, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn, kể cả vùng có đông đồng bào theo đạo. Cần khai thác lợi thế từng khu vực để phát triển kinh tế, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Từ bài học lấy dân là gốc của Khởi nghĩa Ba Tơ cho thấy, khi phong trào cách mạng bám sát đời sống, lợi ích của Nhân dân, thì sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và bền bỉ từ quần chúng, để lại bài học sâu sắc về lấy dân là gốc, xây dựng "Thế trận lòng dân", khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc. Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, bài học vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng, động lực mạnh mẽ xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong Nhân dân, nhất là, thế hệ trẻ.

Bảo tàng Di tích QG Đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh Vietcent

Bảo tàng di tích Quốc gia đặc biệt Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ

Có thể khẳng định rằng, 80 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc lịch sử, ý nghĩa chiến lược và những bài học quý giá từ cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ vẫn vẹn nguyên giá trị. Trong thời đại mới, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần cách mạng quật cường, ý Đảng hòa quyện với lòng dân là yếu tố then chốt để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, đưa cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, tôn vinh và tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh tính mạng, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ và của cải, làm nên thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa. Từ đó, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, truyền thống văn hóa, tình đoàn kết của các dân tộc anh em, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   17364
  • Tháng hiện tại:   338545
  • Tổng lượt truy cập:   6625643