Một số giải pháp, kiến nghị qua giám sát công tác quản lý, tổ chức và hoạt động của Luật sư tỉnh Đồng Nai

10/09/2024 22:08:57 17      Chọn cỡ chữ A a  

Theo thống kê báo cáo công tác nhiệm kỳ đến ngày 31/12/2023, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai có 450 luật sư và 250 người tập sự hành nghề Luật sư (đứng thứ ba trong cả nước về số lượng luật sư), hoạt động trong 144 tổ chức hành nghề Luật sư (85 văn phòng Luật sư và 59 công ty luật); 24 Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; về trình độ chuyên môn có 45 Luật sư có trình độ Thạc sĩ Luật, 03 Luật sư có trình độ Tiến sĩ luật học; Ban Chủ nhiệm có 09 thành viên (gồm 01 Chủ nhiệm, 04 Phó Chủ nhiệm và 04 thành viên Ban Chủ nhiệm).

Thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; hàng năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện, trong đó, có các nội dung liên quan đến kiến nghị của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp (kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước, về cơ chế giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí, vật chất cho Đoàn Luật sư thực hiện các nhiệm vụ được giao…), thể hiện sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư và luật sư hoạt động. Đồng thời, trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật đều tích cực lấy ý kiến góp ý của luật sư, để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác giám sát, bảo đảm hoạt động của luật sư và hành nghề luật sư đúng quy định.

 

Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ IX (2024 – 2029)

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và qua giám sát công tác quản lý, tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh của các cơ quan cho thấy, kết quả hoạt động hành nghề Luật sư đã góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, góp phần thực hiện tiến trình cải cách tư pháp. Ngoài ra, hàng năm, Luật sư còn đóng góp vào ngân sách nhà nước thông qua nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Đoàn Luật sư tỉnh đã phát huy vai trò tự quản và thực hiện tốt việc tham gia tố tụng, bào chữa cho bị can bị cáo, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của đương sự; hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ các doanh nghiệp và tích cực tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách theo Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Lễ bế giảng và khai giảng lớp đào tạo nghề luật sư Đồng Nai 

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng như sự lớn mạnh của Đoàn luật sư về số lượng, tại Đại hội đại biểu Đoàn luật sư nhiệm kỳ 2024-2029, đồng chí Nguyễn Sơn Hùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ra những tồn tại, hạn chế nhất định: Chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng và yêu cầu dịch vụ tư vấn pháp luật trong nước và quốc tế. Phẩm chất chính trị, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số luật sư chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Một số luật sư còn nhận thức chưa đầy đủ sâu sắc trách nhiệm chính trị, pháp lý, trách nhiệm của nghề luật sư, chưa gương mẫu chấp hành pháp luật và hành nghề luật sư, còn có luật sư bị xử lý kỷ luật.

Thực tế cho thấy hoạt động tư vấn pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đại diện thương mại hoặc đại diện pháp lý cho các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa có sức cạnh tranh ngay ở địa bàn trong tỉnh. Đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng luật sư có trình độ chuyên môn ngoại ngữ giỏi, có khả năng làm việc trong môi trường pháp lý quốc tế còn rất hạn chế, không có nhiều luật sư hoạt động chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, chứng khoán, tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá. Bên cạnh đó, một số quy định Luật Luật sư đến nay đã không còn phù hợp, như về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, thành lập tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư…

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW, ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư trong thời gian tới, một số giải pháp, kiến nghị sau:

 Một là, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sư; rà soát, đánh giá các Kế hoạch, Đề án đã ban hành liên quan đến hoạt động luật sư thời gian qua, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp nhằm phát triển nghề luật sư; tạo điều kiện cho luật sư tham gia hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham gia các vụ án hành chính; tư vấn pháp lý cho các ban, ngành, đoàn thể góp phần phát triển nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cả về chất và lượng. Chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư trong công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chú ý công tác bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ luật sư; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành nghề luật sư nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư có hành vi sai phạm, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương trong hoạt động nghề nghiệp luật sư. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư, đặc biệt tập trung cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật trong môi trường pháp lý quốc tế, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng cao thời gian tới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả xã hội về vị trí, vai trò của luật sư.

Hai là, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Đoàn Luật sư rà soát, đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc của các quy định pháp luật liên quan đến luật sư, hoạt động hành nghề luật sư, tổng hợp, báo cáo kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang hạn chế quyền hành nghề hợp pháp của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng.

Ba là, đối với Đoàn Luật sư tỉnh, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, quyết định của Đại hội nhiệm kỳ IX, 2024-2029; triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Liên đoàn Luật sư Việt Nam lần thứ III và Điều lệ Liên đoàn Luật sư được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội Liên đoàn lần III. Tập trung lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn của Đoàn Luật sư. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát luật sư và hoạt động hành nghề luật sư, bảo đảm hoạt động đúng pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng nghề nghiệp để tác động, gây ảnh hưởng đến đảm bảo công lý và lẽ công bằng và gây khó khăn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp để không ngừng nâng cao hình ảnh và uy tín của nghề luật sư.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các Đề án liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động Đoàn Luật sư tỉnh, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư báo cáo UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ theo quy định. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, làm rõ nguyên nhân số lượng luật sư lớn, nhưng hoạt động hành nghề luật sư còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu mô hình chuyển “trụ sở”, “liên kết”, “nhượng quyền” các tổ chức hành nghề luật sư có uy tín, kinh nghiệm, thế mạnh tư vấn, tranh tụng của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội giúp luật sư địa phương có điều kiện tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tương xứng với tiềm năng, thị trường dịch vụ pháp lý hiện nay.

 - Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức ứng xử nghề nghiệp; rà soát, khắc phục các bất cập, hỗ trợ tạo điều kiện cho người tập sự tham gia các hoạt động nghề luật sư; quan tâm công tác kiểm tra, giám sát luật sư, phát huy vai trò tự quản của Đoàn luật sư.

Bốn là, Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu và đánh giá toàn diện những quy định pháp luật về luật sư để sớm tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi Luật Luật sư (thay thế Luật Luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012).

Ngoài ra, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư, đặc biệt tập trung cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật sư trong môi trường pháp lý quốc tế; phối hợp với Đoàn Luật sư và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư cho đội ngũ luật sư; Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm hoàn thiện nội dung góp ý về quy chế phối hợp giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thanh Tân

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   11626
  • Tháng hiện tại:   332808
  • Tổng lượt truy cập:   6619906