Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 14/02/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2015-2020; Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, giai đoạn 2021-2025.
Ngày 10/3/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy ban hành văn bản số 39-CV/BTGDVTU đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương giới thiệu các điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” phục vụ công tác tuyên truyền. Đến nay, qua tổng hợp trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” cần được truyên truyền, nhân rộng. Cụ thể:
1- Mô hình “Tổ Phụ nữ Đoàn kết ấp Ông Hường” Tổ gồm 18 thành viên, hoạt động dưới sự quản lý của Hội LHPN xã Thiện Tân.
- Duy trì tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế bằng hình thức tiết kiệm quay vòng không lãi suất (9.000.000 đồng/tháng); tổ chức trao tặng 30 phần quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn, xây dựng mô hình "Ngôi nhà 3T" giúp tăng nguồn quỹ từ bán phế liệu. Tham gia trồng hoa, quét đường theo phong trào dân vận.
- Thường xuyên tổ chức thăm hỏi gia đình chính sách, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng tại ấp Ông Hường. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và kinh tế của phụ nữ trong xã.
Quang cảnh lan tỏa trong cộng đồng tinh thần chia sẻ yêu thương
2- Mô hình “Trong phong trào triển khai xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn xã Phú Lý”
- Mô hình được triển khai tại xã Phú Lý nhằm huy động sự tham gia tích cực của Nhân dân trong việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo cảnh quan, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao. Kết quả là các khu dân cư kiểu mẫu được hình thành với hạ tầng khang trang, cảnh quan sạch đẹp, đời sống văn hóa - xã hội được nâng cao, góp phần phát triển bền vững địa phương.
3- Mô hình “Thành lập Hội tương trợ gia đình ChangShin”
- Thành lập “Hội tương trợ gia đình Changshin” từ năm 2002 đến nay, mục đích của Hội trong trường hợp có 01 Hội viên không may qua đời thì những thành viên trong hội sẽ góp mỗi người là 10.000 đồng để hỗ trợ cho thân nhân gia đình của hội viên đó, trong năm 2024 có: 38 công nhân qua đời, Hội viên của Hội đã đóng góp số tiền trên 13 tỷ đồng, mỗi trường hợp chuyển cho gia đình hội viên trên 360 triệu đồng. Số tiền trên phần nào chia sẻ mất mát giúp cho gia đình của hội viên qua đời vượt qua khó khăn và gởi tiết kiệm cho các con của hội viên đó có điều kiện học tập.
4- Mô hình "Phân loại chất thải rắn có khả năng tái chế sử dụng, tái chế tại nguồn". (Ngôi nhà 3T; Ngôi nhà xanh)
- Mô hình “Ngôi nhà 3T” (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) tại huyện Vĩnh Cửu nổi bật với việc thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu gom và tái chế rác thải có thể tái sử dụng. Mô hình được triển khai rộng rãi với sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện đoàn và chính quyền địa phương, bước đầu đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Điểm nhấn bao gồm: Tổ chức lễ phát động và tập huấn phân loại rác với hơn 300 người tham gia. Đặt "Ngôi nhà 3T" tại các cơ sở Đoàn - Hội để thu gom rác thải nhựa, lon vỏ chai, giấy vụn. Tạo nguồn kinh phí từ việc bán rác tái chế để thực hiện các hoạt động xã hội. Thu gom hơn 10 tấn rác tái chế, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mô hình đã nhân rộng và đang thực hiện rất hiệu quả.
5- Mô hình Dân vận khéo “Xanh - Sạch - Đẹp trong nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân” tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu
- Mô hình này tập trung vào việc cải thiện môi trường bệnh viện theo tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp, tạo không gian thân thiện, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Điểm nổi bật bao gồm: “Xanh” - Trồng hơn 1.500 cây xanh, tạo cảnh quan thoáng mát, giảm căng thẳng cho bệnh nhân. “Sạch” - Đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt, xử lý chất thải y tế đúng quy định, hạn chế lây nhiễm chéo. “Đẹp” - Cải tạo không gian bệnh viện khoa học, hiện đại, bố trí ánh sáng tự nhiên, màu sắc hài hòa. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao như bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai và áp dụng Kiosk y tế thông minh. Nhờ những nỗ lực này, Trung tâm đạt 176,80 điểm trong cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp” của Bộ Y tế và tiếp tục phát triển mô hình bền vững.
6- Mô hình “Nuôi ba ba - phát triển kinh tế hộ gia đình”
- Mô hình nuôi Ba ba là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao tại ấp 4, xã Mã Đà. Đầu năm 2020 xã chỉ có 10 hộ nuôi ba ba được 41 bể, khoảng 15.000 con, đến nay đã có 26 hộ nuôi được 154 bể khoảng 56.200 con. Hội Nông dân xã đã tiếp cận hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi ba ba cho người dân, liên kết hỗ trợ vốn đầu ra cho sản phẩm, đồng thời phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi ba ba nhằm phát huy thế mạnh của địa phương.
- Năm 2022 mô hình “Nuôi ba ba - phát triển kinh tế hộ gia đình” của Hội Nông dân xã Mã Đà được UBND huyện khen thưởng trong hội nghị sơ kết thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2021-2022).
Thanh niên chung tay xây dựng khu dân cư kiểu mẫu
7- Mô hình Dân vận khéo “Bữa ăn 0 đồng” của Hội LHPN xã Trị An
- Thành lập tháng 11/2024 bởi Hội Liên Hiệp Phụ Nữ xã Trị An, ban đầu gồm 05 thành viên, nay đã tăng lên 12 thành viên; mô hình tổ chức tặng các suất ăn chay miễn phí vào ngày mùng 01 và 15 âm lịch hàng tháng. Qua đó, đã cấp phát trong 04 đợt trên 600 suất ăn, với các món như bún chay, bánh ướt chay… Tổng kinh phí thực hiện gần 09 triệu đồng từ nguồn vận động mạnh thường quân. Đối tượng thụ hưởng là người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tạo sự đoàn kết và lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng.
8- Mô hình khéo vận động các đơn vị mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân để thực hiện phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”
- Chị Trần Thị Giang, Phó Bí thư Huyện đoàn đã vận động sự đồng hành của các mạnh thường quân, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi.
Kết quả nổi bật:
- Kết nối với nhiều CLB, nhóm tình nguyện như CLB Tóc trẻ, CLB Thầy thuốc trẻ, CLB Thiện nguyện Áo xanh, SOS Vĩnh Cửu,...
- Tổ chức 02 đợt khám bệnh, phát thuốc cho hơn 200 người dân, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ đo mắt, cắt kính miễn phí cho hơn 500 học sinh và người dân; tổ chức 06 đợt cắt tóc miễn phí cho hơn 1.000 người; tặng trên 1.200 phần quà, học bổng cho học sinh và người dân khó khăn. Thành lập 03 CLB mới: CLB Thanh niên khởi nghiệp, CLB Thanh niên đồng bào dân tộc Chơro, CLB tuyên truyền các di tích, địa chỉ đỏ. Phối hợp tổ chức công tác dân vận với hơn 350 người tham gia, trao 10 phần quà cho hộ nghèo. Mô hình đã giúp lan tỏa tinh thần tình nguyện, đoàn kết cộng đồng và tăng cường trách nhiệm xã hội trong thanh niên.
9- Mô hình vận động khéo trong cộng đồng dân tộc, tổ chức lễ hội cầu an cộng đồng người Hoa tại khu phố (lễ hội Tả Tài Phán)
- Ông Ngàn A Phước - người dân tại khu phố 7 (thị trấn Vĩnh An) là người có uy tín trong cộng đồng người Hoa tại địa phương, ông đã đứng ra vận động khéo trong cộng đồng dân tộc và mạnh thường quân để tổ chức lễ hội cầu an cộng đồng người Hoa tại khu phố (lễ hội tài phán). Lễ hội Tả Tài Phán, hay còn gọi là lễ cầu an, là một sự kiện văn hóa tâm linh đặc sắc của cộng đồng người Hoa tại Đồng Nai. Mục đích chính của lễ hội là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đời sống Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Lễ hội thường diễn ra trong nhiều ngày với các nghi thức truyền thống như lễ dâng hương, lễ rước thần linh, lễ cầu thọ, lễ cầu an và lễ cầu siêu. Không gian lễ hội được trang trí rực rỡ với những câu đối, câu chúc may mắn trên giấy đỏ. Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa như múa lân sư rồng, biểu diễn văn nghệ, đấu giá đèn lồng và thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Hoa. Lễ hội không chỉ là dịp để cộng đồng người Hoa thể hiện tín ngưỡng mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Kinh phí tổ chức thường được huy động từ sự đóng góp của cộng đồng và các mạnh thường quân.
10- Mô hình vận động hội viên tham gia dự án; vận động quỹ hỗ trợ nông dân, thành lập mô hình kinh tế tập thể
- Ông Nguyễn Đình Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trị An (Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm cũ) đã vận động xây dựng mô hình tập trung vào phát triển chăn nuôi Nai sinh sản tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Xã có truyền thống chăn nuôi hươu, nai với hơn 156 hộ tham gia, tổng đàn hơn 1.078 con.
- Mô hình được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh, giúp 20 hộ vay 1,0 tỷ đồng để mua 60 con nai giống, mở rộng chuồng trại trong vòng 36 tháng. Sau 03 năm, tổng đàn tăng lên 140 con, thu nhập thấp nhất 40.000.000 đồng/năm/hộ, tạo việc làm cho 20 lao động. Mô hình giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút hội viên tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời được nhân rộng ra nhiều địa phương. Bản thân ông Bình cùng Hội Nông dân xã thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn, góp phần phát triển kinh tế bền vững và xây dựng nông thôn mới.
11- Mô hình vận động nông dân trồng bưởi hữu cơ
Ông Bùi Đình Tý là người trồng bưởi lâu năm tại cù lao Tân Triều, ấp Tân Triều (xã Tân Bình). Ông đã có sự cập nhật những tiến bộ trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như ứng dụng các máy bom tưới nước tự động, ứng dụng công nghệ IMO, Meji trong việc ủ thuốc phun xịt cho cây. Không chỉ làm giàu cho gia đình ông còn giúp đỡ các hội viên trong hội và người dân trong ấp làm kinh tế có hiệu quả, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, ông đã giúp đỡ và tạo việc làm cho 25 hội viên nông dân với mức thu nhập 7.000.000 đồng/tháng. Hiện nay, bản thân ông Tý phối hợp với Hội Nông dân xã tuyên truyền thành lập thêm 01 chi hội nghề nghiệp trồng bưởi theo hướng hữu cơ với 39 hộ tham gia, thành lập mô hình tuyến đường phân loại rác và làm phân bón từ rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm trong nông nghiệp có 19 hộ tham gia. Ông Tý là tấm gương tiêu biểu tại địa phương thời gian qua.
Thanh Hải