Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục

22/05/2025 10:34:50 29      Chọn cỡ chữ A a  

Giáo dục là một mặt trận quan trọng, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về giáo dục và đào tạo bao gồm các vấn đề từ vai trò, vị trí giáo dục, mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục; nguyên lý, phương châm giáo dục; phương thức, phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ; chủ trương, chính sách đối với giáo dục.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của Nhân dân; học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.

Bác Hồ thăm một lớp Bình dân học vụ trong kháng chiến - Ảnh sưu tầm

Trên con đường đi tìm đường cứu nước, từ thực tế vòng quanh thế giới, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta nhận thấy các nước thuộc địa là những quốc gia có nền giáo dục bất cập với sự phát triển chung và ngày càng có khoảng cách xa vời với văn minh và khoa học kỹ thuật của nhân loại. Liên hệ với nước ta, Người cho rằng chính dốt nát đã gây ra đói nghèo, đã đẩy một dân tộc có bề dày lịch sử, có truyền thống quật cường bất khuất rơi vào vòng nô lệ. Và Người đi đến kết luận: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người tìm thấy điểm nút ở chính sách cai trị của thực dân Pháp là “ngu dân”. “Ở Đông Dương nhà tù nhiều hơn trường học, dân chúng đã phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm... và không có quyền tự do học tập”. Bởi vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là: “Kiến thiết nền giáo dục”. Ở phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Vào thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế mà Bác đặt diệt giặc dốt trước giặc ngoại xâm, không phải là ngẫu nhiên Người kêu gọi các cháu học sinh phải chăm chỉ học tập để sau này phụng sự Tổ quốc, nhằm đưa nước ta sánh vai cùng cường quốc năm châu. Người kêu gọi toàn dân tham gia học tập, diệt giặc dốt, người biết ít bày cho người chưa biết, vợ chưa biết thì chồng bảo, cha mẹ không biết thì con bảo... Yêu cầu xoá mù chữ mà Bác nêu ra rất thiết thực: Học vệ sinh để bớt đau ốm, học tri thức khoa học để bớt mê tín, học bốn phép tính để làm ăn có ngăn nắp, học lịch sử và địa lý để nâng cao lòng yêu nước, học đạo đức công dân để thành người công dân đứng đắn. Cả đất nước dấy lên phong trào học tập, vừa đánh giặc vừa đi học. Nhờ vậy, chỉ trong ba năm (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công) đất nước đã giải quyết cơ bản nạn mù chữ với gần 8 triệu người được xóa mù chữ. Hà Tĩnh là tỉnh đi đầu trong phong trào đó và vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen, được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì về thành tích bình dân học vụ.

Điều nổi bật ở quan điểm giáo dục của Hồ Chủ tịch là giáo dục nhằm đào tạo nên những người có đức, có tài cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và kiến thiết nước nhà. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người, sự nghiệp giáo dục là “trồng người”. Người nói: “Học để làm việc, để làm người”.  Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, học và hành là hai khâu của quá trình nhận thức gắn bó khăng khít với nhau, chỉ khi học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất thì người học mới rèn luyện được cả tri thức và kỹ năng, mới gắn tri thức với thực tiễn xã hội. Người luôn đánh giá cao vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Người nhấn mạnh “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, của trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương cho các em trước mọi việc”. Vì vậy, giáo dục phải kết hợp cả ba khâu giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội.

Trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn đề cao vai trò của đội ngũ thầy cô giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời dạy của Người hiệu triệu, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trên cả nước tích cực thi đua dạy tốt học tốt; trở thành chỉ dẫn mang tính chân lý phát triển của Việt Nam từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, bị thực dân, đế quốc đàn áp, bóc lột đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây chính là một lời khẳng định của Người về vị trí, vai trò to lớn của giáo dục.

bình dân học vụ số

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”

Quán triệt tư tưởng của Người, dưới sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giáo dục của nước ta trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong gần 40 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...” và “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Vận dụng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu hiện nay, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Phong trào "Bình dân học vụ số" ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Tại Lễ Phát động phong trào “Bình dân học vụ số” vào tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, 80 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, "giặc dốt" trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm (cùng với "giặc đói" và "giặc ngoại xâm"), phong trào "Bình dân học vụ" ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; do đó, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huy Dương

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   10947
  • Tháng hiện tại:   332128
  • Tổng lượt truy cập:   6619226