Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát (KT,GS) y tế cơ sở (YTCS) nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho y tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh

12/10/2024 09:44:38 7      Chọn cỡ chữ A a  

Công tác KT,GS hoạt động của YTCS luôn được Sở Y tế tỉnh Đồng Nai quan tâm, thực hiện và là hoạt động thường niên, nội bộ của ngành Y tế. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,… thời gian qua cũng thực hiện nhiều đợt giám sát liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó, có đề cập đến vấn đề YTCS. Gần đây nhất, Ban Văn hóa Xã hội - HĐND tỉnh đã tổ chức Đoàn Giám sát kết quả thực hiện công tác nâng cao chất lượng hoạt động YTCS vào các ngày 27,28,29/8 và 05/9/2024. Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại một số Trạm y tế trên địa bàn tỉnh, giám sát đối với Trung tâm Y tế các địa phương, cơ quan, như: thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Vĩnh Cửu và Sở Y tế. Giám sát qua báo cáo đối với UBND các địa phương: Long Khánh, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Thông qua hoạt động KT,GS, lãnh đạo tỉnh và các ngành có liên quan sẽ có nhìn nhận, đánh giá khách quan về hiện trạng, về những mặt đạt được và còn hạn chế của đơn vị để kịp thời đưa ra quyết định, chính sách, giải pháp xử lý vướng mắc, khó khăn của đơn vị và YTCS trên địa bàn tỉnh nói chung.

YTCS là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh của tỉnh Đồng Nai được phân làm 03 cấp (tỉnh - huyện - xã) trong đó, cấp huyện có 11 Trung tâm Y tế (với 08/11 Trung tâm thực hiện đa chức năng), cấp xã có 170 Trạm Y tế xã đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phê duyệt danh mục kỹ thuật chuyên môn theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT, ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân cũng phát triển mạnh góp phần vào nhiệm vụ chung trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân với 07 bệnh viện (06 đa khoa và 01 chuyên khoa: tập trung ở thành phố Biên Hòa), 88 phòng khám đa khoa (Biên Hòa: 39, Long Khánh: 02, Trảng Bom: 11, Nhơn Trạch: 09, Long Thành: 10, Vĩnh Cửu: 05, Xuân Lộc: 04, Thống Nhất: 03, Cẩm Mỹ: 02, Tân Phú: 02, Định Quán: 01); có 1.934 phòng khám chuyên khoa và dịch vụ y tế (Biên Hòa: 836, Long Khánh: 156, Trảng Bom: 346, Nhơn Trạch: 74, Long Thành: 127, Vĩnh Cửu: 43, Xuân Lộc: 90, Thống Nhất: 48, Cẩm Mỹ: 37, Tân Phú: 87, Định Quán: 90), 31 phòng X quang, 37 phòng xét nghiệm, và 03 cơ sở y tế cơ quan). Hệ thống tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng nhất định trong tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với YTCS trong quản lý sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh.

 

Các thành viên của Đoàn giám sát khảo sát thực tế công tác khám, chữa bệnh và trang thiết bị y tế tại Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu (Tại Thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu)

 

Đ/c Hồ Văn Hoài – Giám đốc Trung tâm Y tế Vĩnh Cửu báo cáo một số hoạt động với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh

 

Kết quả sau đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh vừa qua cho thấy hệ thống YTCS trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp một số khó khăn nhất định, nhưng nổi cộm là vấn đề nhân lực y tế và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tại một số địa phương còn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

Xác định điểm nghẽn ở công tác nhân sự, Sở Y tế Đồng Nai và các đơn vị trực thuộc Sở đã có nhiều giải pháp để xử lý vấn đề nhân sự trong ngắn hạn và lâu dài. Tuy nhiên, về lâu dài cần thiết phải có một chính sách đồng bộ, có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia của các cấp, các ngành để giữ chân và thu hút đội ngũ y, bác sĩ có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ tốt ở lại phục vụ tại các trung tâm y tế, trạm y tế tuyến xã, trong đó, vai trò chủ động của ngành Y tế trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu là rất lớn.

Hiện nay, có 146/170 Trạm Y tế có bác sĩ cơ hữu, còn 24 xã chưa có bác sĩ cơ hữu. Do đó, để xử lý trong ngắn hạn trước khi có đủ nhân lực y tế, đối với các xã chưa có bác sĩ, Sở Y tế chỉ đạo luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh tại xã một số buổi trong tuần là một trong những giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám bệnh tại trạm y tế xã. Việc cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật từ các trung tâm y tế tuyến trên về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường, thị trấn có ý nghĩa quan trọng trong khám chữa bệnh cho Nhân dân tại địa phương, đồng thời, có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh YTCS, giảm quá tải cho các bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến trên. Ngoài ra, Sở Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị triển khai, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị tuyến dưới trên địa bàn tỉnh như: giao các bệnh viện đa khoa hạng I hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện hạng II, hạng III[1]; giao các bệnh viện đa khoa hạng II hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện hạng III [2].

Để có đủ nguồn lực y tế lâu dài, Sở Y tế rất quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Hàng năm, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế. Đối với YTCS, năm 2023 đã cử đào tạo sau đại học: 43 người, Đại học: 59 người, cử 1.647 viên chức tham gia bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã cử đi thi sau đại học: 55 trường hợp (53 TTYT và 02 trường hợp Trạm Y tế), cử đào tạo Đại học: 24 người và cử 743 viên chức tham gia bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh vấn đề nhân sự y tế, vấn đề hạ tầng và trang thiết bị y tế còn chưa theo kịp với các tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra như Thông tư số 28/2020/TT-BYT, ngày 31/12/2020 về quy định danh mục trang thiết bị tối thiểu của trạm y tế tuyến xã, Thông tư số 32/2021/TT-BYT về việc ban hành Hướng dẫn thiết kế cơ bản trạm y tế xã, phường, thị trấn… Mặc dù, thời gian qua ngành Y tế đã được tỉnh quan tâm trong chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ cũng như đầu tư mua sắm, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, hạ tầng, vật tư y tế; tuy nhiên, để đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế thì vẫn còn nhiều cơ sở y tế xuống cấp chưa kịp thời sửa chữa, xây mới, đặc biệt là tuyến xã, một số trạm y tế không có đủ trang thiết bị y tế theo quy định nên chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.

Thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút nhân viên y tế như: Nghị quyết số 34/2022/NQ-HĐND, ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh Quy định chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND, ngày 08/12/2021 quy định mức chi bồi dưỡng hằng tháng cho cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai,… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động YTCS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, trong đó, ngành Y tế nâng cao hơn nữa tính chủ động, tự cường và cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức của mạng lưới YTCS và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của YTCS. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới YTCS; thống nhất mô hình trung tâm y tế huyện, thành phố thuộc tỉnh, thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị chuyên môn thuộc trung tâm y tế huyện; số lượng người làm việc tại trạm y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của trung tâm y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của YTCS; Các trạm y tế thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu; tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng, chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên. Các trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa khu vực tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng bảo đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa khu vực và các trạm y tế xã.

Hai là, thực hiện tốt cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn, có cơ chế khuyến khích y tế tư nhân tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổ chức thực hiện sự gắn kết giữa y tế tư nhân và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn. Cho phép các trạm y tế xã thực hiện xã hội hóa với các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Ba là, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số và tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn. Tin học hóa các hoạt động của YTCS và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân. Đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin giữa y tế xã với y tế huyện để theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện bệnh án điện tử; quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế xã, huyện. Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định số 1718/QĐ-BYT, ngày 08/5/2019 về tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường giai đoạn 2019-2025; trong đó, tập trung đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cấp bách để bổ sung danh mục kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn cho người hành nghề tại các trạm y tế xã, phường, ưu tiên quản lý bệnh không lây nhiễm. Tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhân lực y tế theo mọi hình thức để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho YTCS; bảo đảm nhân lực cho trạm y tế xã để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe đến từng người dân. Chú trọng đào tạo bác sỹ cho y tế xã với chương trình đào tạo và thời gian phù hợp; tăng cường đào tạo nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục, đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho YTCS. Thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để tăng cường năng lực cho người hành nghề tại YTCS

Bốn là, dành nguồn lực cho đầu tư YTCS: Bố trí ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các trạm y tế nhằm hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Đồng Nai. Khuyến khích các đơn vị, địa phương xây dựng chế độ thu hút và hỗ trợ đối với viên chức, nhân viên ngành y tế tại địa phương, đơn vị. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tài chính, danh mục trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao... để phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả. Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở: Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, nâng mức hỗ trợ đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Trạm y tế xã có trách nhiệm tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Thực hiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính đủ chi phí cho y tế cơ sở. Tổ chức phân loại, giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế thuộc tuyến YTCS. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các trung tâm được cơ quan có thẩm quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, Kế hoạch số 5463/KH-UBND, ngày 08/6/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Văn bản số 1461/UBND-KTNS, ngày 15/02/2022 của UBND tỉnh về việc đầu tư các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025.

 

Ngọc Ánh

 

[1] Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị: Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch, Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, Bệnh viện Quốc tế chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - Đồng Nai, Bệnh viện Đồng Nai-2 và Bệnh viện Tâm Hồng Phước. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị: Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom và Bệnh viện Âu Cơ.

[2] Giao Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến về nhi khoa cho tất cả các đơn vị trực thuộc và các bệnh viện tư nhân. Giao Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị: Bệnh viện đa khoa Cao su Đồng Nai, Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc. Giao Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Nhơn Trạch, Trung tâm Y tế huyện Long Thành. Giao Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Tân Phú, Trung tâm Y tế huyện Định Quán. Giao các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến về chuyên khoa cho các đơn vị theo quy định.

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   8247
  • Tháng hiện tại:   417225
  • Tổng lượt truy cập:   6704323