Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc vùng Đông Nam bộ, ngoài thế mạnh về công nghiệp, Đồng Nai còn có thế mạnh về nông nghiệp với khoảng 287.000 héc ta đất sản xuất nông nghiệp (Trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản); với khí hậu ôn hòa, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi phù hợp cho việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau, đặc biệt là các loại cây ăn quả với quy mô lớn, chất lượng cao và nổi tiếng cả nước. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp tỉnh.
Hội nghị sơ kết 03 thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…, tháng 8/2024
Những năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân trong tỉnh, đến nay, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh ban hành kịp thời, triển khai thực hiện đồng bộ, cụ thể như: Nghị quyết số 198/2019/NQ-HĐND, ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh hỗ trợ liên kết sản xuất; Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND, ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh hỗ trợ khuyến nông; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND, ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Các chính sách quy định rõ điều kiện, định mức, nội dung hỗ trợ và được các sở, ngành ban hành hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, trong đó, cụ thể các quy định hỗ trợ về ứng dụng công nghệ cao, như: hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, với mức hỗ trợ 40% tổng giá trị mô hình, không quá 01 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ 01 lần 100% kinh phí chứng nhận GAP, hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ 40% kinh phí áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (không quá 20 triệu đồng/hệ thống);... Thông qua cơ chế, chính sách, chương trình, dự án được tỉnh ban hành, đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 22 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 16 doanh nghiệp, 20 hợp tác xã, 921 trang trại và hộ nông dân tham gia liên kết, tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 63,8 tỷ đồng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh nhà với tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam bộ, đóng góp 9,64% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao, giống xác nhận; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 78.943 héc ta, chiếm 48,77% diện tích sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng được nhiều hợp tác xã và tổ hợp tác trong tỉnh ứng dụng trong thực hiện dịch vụ về bảo vệ thực vật cho nông dân; 100% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, ứng dụng máy thu hoạch đối với bắp cây, bắp lấy hạt và đậu các loại… Xu hướng hữu cơ hóa chiếm ưu thế, nhất là, phân bón: tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 41,19% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật; tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ đạt 82,3% (phân bón hữu cơ, phân bón sinh học thương mại chiếm 9,7% và phân bón hữu cơ không thương mại chiếm 72,6%).
Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng đạt nhiều kết quả khích lệ; toàn tỉnh có 65% đàn heo, 49% đàn gà được chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh; duy trì 05 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh; 125 trang trại, 07 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, cung cấp ra thị trường 88.100 tấn thịt heo/năm (chiếm 18,36% sản lượng thịt heo), 32.200 tấn thịt gà/năm (chiếm 18,53% sản lượng thịt gà), 283,2 triệu quả trứng/năm (chiếm 22,59% sản lượng trứng gà toàn tỉnh)… Đồng thời, công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi cũng thực hiện bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong xử lý nước thải chăn nuôi heo.
Duy trì 14 vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP với quy mô 401,75 ha và 80.788 m3 lồng/bè, tổng sản lượng 15.695 tấn cá, tôm các loại/năm; 832,5 héc ta diện tích thủy sản thâm canh (tôm, cá). Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Công nghệ sinh xử lý môi trường nuôi thủy sản giúp giảm chi phí, dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững. Hiện tỉnh có hơn 2.100 héc ta rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn, 10.666 héc ta rừng đạt chứng nhận FSC gắn với thực hiện liên kết sản xuất, thu mua, chế biến gỗ, tăng 3.600 héc ta so với năm 2021; khoảng 200 doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng hệ thống máy điều khiển số độ chính xác cao (máy CNC); 01 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống keo lai với quy mô sản xuất 20 triệu cây giống/năm.
Việc triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo sản phẩm chất lượng, an toàn góp phần thiết thực bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân và đóng góp GRDP cho nền kinh tế của tỉnh.
Lương Như