Làm thế nào để tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao

25/08/2023 08:29:20 1351      Chọn cỡ chữ A a  

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu, biên soạn Chuyên đề năm 2023: “Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chuyên đề năm 2023 đã cung cấp những nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vận dụng vào đẩy mạnh CCHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Chuyên đề được dùng trong sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị và được tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ đề về tinh thần trách nhiệm không phải là mới, năm 2014 Đảng ta đã triển khai học tập chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn coi trọng vấn đề này. Đối với tỉnh Đồng Nai chúng ta, trong những năm gần đây, trước tình hình nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về nhiệm vụ CCHC còn chưa đầy đủ. Có nơi, có lúc còn trì trệ, chưa quyết liệt chủ động, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cũng như thực hiện công tác CCHC, thì việc làm thế nào để tăng cường trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao là một trong những nội dung trọng tâm, quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,ĐV trong giai đoạn hiện nay.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ lại những nội dung về tăng cường trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó, để có những giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công việc được giao, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta điều gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm (…) Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ (…)”.

Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác trong mọi hoàn cảnh đều phải tăng cường tinh thần trách nhiệm và được thể hiện trong một số nội dung sau:

Thứ nhất, để tăng cường trách nhiệm của mình, mỗi CB,ĐV phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”. Hơn nữa, với “vai trò kép” vừa là người lãnh đạo, vừa là người phục vụ Nhân dân, thì người CB,ĐV phải: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính”. Điều đó thể hiện không chỉ ở lòng tuyệt đối trung thành và sự phấn đấu, hy sinh quên mình vì mục tiêu, lý tưởng, mà còn là ý thức trách nhiệm cao trong việc chấp hành chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng, vì nước, vì dân.

Thứ hai, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”; “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Phải là “lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau”. Đây vừa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu - một trong những chuẩn mực và cũng là nguyên tắc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của CB,ĐV.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi CB,ĐV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được  giao phải nêu cao tinh thần và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải luôn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người còn chỉ rõ: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch. Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết”. Theo Bác, thực hành chí công vô tư để lòng dạ trong sáng, đầu óc sáng suốt, chăm làm những việc “ích quốc lợi dân”. Người giải thích: Lòng mình chỉ biết vì Tổ quốc, vì Đảng, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư; có chí công vô tư thì mới có năm đức tính tốt là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm - những phẩm chất đạo đức cao quý của người cách mạng.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao còn sự biểu hiện sinh động của mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân. Theo Bác: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất”. Việc nâng cao trách nhiệm của CB,ĐV trước Nhân dân được Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống căn bệnh quan liêu, xa dân. Do đó, gần dân, hiểu dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, vì dân, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đối với Nhân dân. Người chỉ rõ: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Thứ năm, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để giữ vững và phát huy được vai trò của mình và tăng cường trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, với mỗi CB,ĐV đòi hỏi phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng hằng ngày, bền bỉ suốt đời. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Thứ sáu, theo chủ tịch Hồ Chí Minh: tăng cường trách nhiệm còn gắn với việc không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác, thực sự hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Theo Người, để “lãnh đạo đúng”, “Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo”.

Như vậy, qua tìm hiểu về tinh thần trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để tăng cường trách nhiệm, mỗi CB,ĐV  cần thực hiện một số nội dung sau:

Trước tiên, về nhận thức: Chúng ta phải xác định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân là gì? Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy. Trách nhiệm của CB,ĐV trong thực hiện nhiệm vụ được giao có mối quan hệ biện chứng, tác  động toàn diện đến việc thực hiện đường lối, trong đó có chất lượng, hiệu quả CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, và ngược lại.

Thứ hai, phải có kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể: Phân chia công việc thành các phần nhỏ hơn và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thực hiện để tránh bị áp đặt.

Thứ ba, đảm bảo chất lượng và hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian: Cam kết đảm bảo chất lượng trong công việc, không chấp nhận “làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy. Hoàn thành công việc theo đúng hẹn, tránh trì hoãn và đảm bảo rằng công việc không ảnh hưởng xấu đến người khác.

Thứ tư, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung: Luôn tìm cách cải tiến và tối ưu hóa quy trình làm việc. Sẵn sàng tiếp thu ý kiến và góp ý từ người khác để hoàn thiện công việc.

Thứ năm, liên tục học hỏi và phát triển: luôn trau dồi, học hỏi và nâng cao kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc. Theo đuổi việc tự học và tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ để cải thiện năng lực và tư duy.

Thứ sáu, chấp nhận và rút kinh nghiệm từ lỗi lầm: Mỗi CB,ĐV phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào. Khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác; đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ... để phát huy mặt mạnh, khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại. 

Thứ bảy, thể hiện sự quan tâm và chia sẻ kiến thức: Chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với đồng chí, đồng nghiệp để tạo sự tương tác và hỗ trợ trong công việc. Hỗ trợ đồng chí, nghiệp khi họ gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ.

Thứ tám, tận tâm và đam mê trong công việc: Thể hiện sự đam mê và tận tâm trong công việc, không chỉ xem nó là trách nhiệm mà còn là cơ hội để đóng góp và phát triển. Phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Vì khi có tự tin thì cán bộ, đảng viên mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt.

Thứ chín, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân: Luôn suy nghĩ về cách công việc của mình có thể mang lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng và xã hội nói chung. Đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân, của tập thể lên trên hết, trước hết, thay vì chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân.

Tóm lạitheo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước Nhân dân, trước tập thể. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức cách mạng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

                                                                                                                                                                                                     Linh Lâm – BTG Huyện ủy Tân Phú

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   2563
  • Tháng hiện tại:   323744
  • Tổng lượt truy cập:   6610842