Một số giải pháp chủ động, ngăn ngừa đảng viên sai phạm và giáo dục, giúp đỡ đảng viên bị xử lý kỷ luật khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm tại chi, đảng bộ cơ sở

24/08/2023 09:18:30 1712      Chọn cỡ chữ A a  

Trong những năm gần đây, công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) của Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới và đạt nhiều kết quả quan trọng, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; qua KT,GS đã kịp thời kết luận những ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để tiếp tục phát huy, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm để xem xét, xử lý, không để gây bức xúc trong dư luận, góp phần tích cực vào việc giáo dục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm của đảng viên.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác KT,GS còn bộc lộ một số hạn chế của các tổ chức đảng như: Một số cấp ủy cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục và KT,GS đảng viên trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng, chưa phát hiện kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm để uốn nắn, khắc phục, dẫn đến vi phạm phải xem xét kỷ luật. Việc chủ động tự KT,GS hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ của một vài chi, đảng bộ vẫn còn hạn chế. Việc tự rèn luyện đạo đức, lối sống; tính chấp hành trong thực thi nhiệm vụ được giao của một số tổ chức đảng và đảng viên, nhất là, tính nêu gương của người đứng đầu chưa tốt, dẫn đến sai phạm phải thi hành kỷ luật.

  Tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ

Trong thời gian tới, để chủ động, ngăn ngừa đảng viên sai phạm và giáo dục, giúp đỡ đảng viên bị xử lý kỷ luật khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm tại chi, đảng bộ cơ sở, các cấp ủy cần quan tâm một số giải pháp sau:

- Phát huy vai trò chủ động của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy lãnh chỉ đạo công tác KT,GS, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ; coi trọng việc nắm tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đảng viên, nhất là, người đứng đầu để sớm phát hiện, ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm. Chủ động phòng ngừa đảng viên vi phạm kỷ luật, thông qua việc thường xuyên theo dõi, giám sát, nắm tình hình đảng viên ở nơi công tác, nơi cư trú, qua các đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, đánh giá chất lượng đảng viên tại chi bộ; qua nắm tình hình dư luận, phản ánh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; phát huy vai trò chủ động giám sát thường xuyên của các thành viên được đảng ủy phân công phụ trách lĩnh vực, chi bộ, đảng viên.

Bên cạnh việc phát huy hiệu quả công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, chi, đảng bộ tăng cường nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chấp hành và công tác giám sát. Đây là việc làm thường xuyên, có tính phòng ngừa, nhắc nhở kịp thời. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện một số quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm.

- Thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quản lý đảng viên, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, từ khâu rà soát chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác trước khi xem xét đưa vào danh sách cảm tình Đảng. Trong sinh hoạt chi bộ chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò gương mẫu trong thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước gắn với thực hiện hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; theo dõi, KT,GS việc thực hiện kế hoạch khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương; Quy định những điều đảng viên không được làm, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng đảng viên vi phạm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

- Tăng cường công tác phối hợp thực hiện KT,GS, thi hành kỷ luật của Đảng giữa Ủy ban kiểm tra với các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và kịp thời công khai kết quả kiểm tra là một trong những phương pháp cơ bản của công tác KT,GS của Đảng, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, bảo đảm thực hiện có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả KT,GS, thi hành kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt phương châm phòng ngừa khi chưa vi phạm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để khuyết điểm trở thành vi phạm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, đến mức phải xử lý kỷ luật. Thường xuyên công khai kết quả KT,GS, thi hành kỷ luật của Đảng chính xác, kịp thời để cán bộ, đảng viên và Nhân dân giám sát, góp ý xây dựng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

- Phát huy vai trò nêu gương của đảng viên. Cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; theo dõi, KT,GS việc thực hiện kế hoạch khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); quá trình tổ chức thực hiện, phải đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là, người đứng đầu cấp ủy để nêu gương.

- Xử lý nghiêm sai phạm để giáo dục, răn đe: Để giảm tỷ lệ đảng viên vi phạm, cần phải xử lý thật nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm để thực sự có tác dụng răn đe. Qua KT,GS cho thấy, việc xử lý kỷ luật đảng viên nghiêm minh, đúng tính chất mức độ sai phạm thì số đảng viên sai phạm đếm mức bị kỷ luật được kéo giảm, nội bộ đảng đoàn kết, ổn định. 

- Phải hiểu rõ những nguyên nhân sai phạm. Để giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đảng viên vi phạm khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm phải tìm hiểu rõ nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, do nhận thức hạn chế trong việc tiếp thu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên khi nhìn nhận, suy xét sự việc không chính xác, làm theo ý riêng nên dẫn đến không chấp hành đúng; hay do thiếu tu dưỡng, rèn luyện không giữ được bản thân trước cám dỗ vật chất dẫn đến sai phạm. Hiểu rõ nguyên nhân đảng viên vi phạm, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo nội dung và giải pháp giáo dục, giúp đỡ đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, phấn đấu vươn lên hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Giáo dục, giúp đỡ cần sự chân thành, kiên trì và gắn với giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên vi phạm. Cấp ủy và chi bộ phải nắm chắc khuyết điểm của những đảng viên vi phạm, xây dựng kế hoạch, nội dung cần giúp đỡ cụ thể như giao việc gì, thời gian bao lâu để thử thách và thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ, uốn nắn kịp thời. Cấp ủy, chi bộ lựa chọn, phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên có uy tín, có kinh nghiệm và có tâm trong sáng để theo dõi, giáo dục, giúp đỡ đảng viên sai phạm. Khi giúp đảng viên sai phạm khắc phục khuyết điểm, cấp ủy và các đảng viên trong chi, đảng bộ cần có thái độ chân thành với tình yêu thương đồng chí.

- Giáo dục, nâng cao nhận thức cho đảng viên phải bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin khác nhau và phù hợp với từng đảng viên vi phạm. Ví dụ như: Đối với đảng viên vi phạm về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, về nguyên tắc sinh hoạt đảng thì cấp ủy và chi bộ tổ chức học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản quy định của Trung ương, của các cấp ủy đảng. Qua tập huấn, bồi dưỡng, qua sinh hoạt đảng, tạo cơ hội, điều kiện cho đảng viên trao đổi, đối thoại, nói lên những băn khoăn, thắc mắc, những hiểu biết còn hạn chế... Từ đây cấp ủy, chi bộ hiểu và chỉ đạo kịp thời cần bồi dưỡng những gì cho đảng viên để nâng cao nhận thức, hiểu sâu hơn về chủ trương, nghị quyết của Đảng, giúp đảng viên có cơ sở phấn đấu vươn lên.

- Cấp ủy làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên trong chi bộ cũng như đảng viên vi phạm loại bỏ thành kiến và mặc cảm. Công tác tư tưởng phải gắn với giao nhiệm vụ cụ thể. Cấp ủy, chi bộ phải nắm và hiểu tâm tư của từng đảng viên, động viên họ thẳng thắn đấu tranh với khuyết điểm của mình; tùy từng đảng viên mà có biện pháp giáo dục, giúp đỡ thiết thực. Đồng thời, đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh từng người về những khó khăn trong công việc, cuộc sống gia đình để có biện pháp giúp đỡ thiết thực. Khi giao việc cho đảng viên vi phạm, cấp ủy, chi bộ phải phát huy mặt tích cực, lấy mặt tích cực để khắc phục mặt tiêu cực. Bên cạnh, cấp ủy, chi bộ cũng thấy rõ những mặt tốt, tích cực của đảng viên sai phạm để định hướng giáo dục, giúp đỡ.  

- Kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những kết quả để đảng viên củng cố lòng tin vào chính bản thân mình. Việc giáo dục, giao việc cho những đảng viên vi phạm phấn đấu phải xác định thời gian cụ thể, tùy theo mức độ vi phạm của từng người, có thể một quý, sáu tháng hoặc một năm. Sau đó, cấp ủy, chi bộ cần tổ chức cho đảng viên vi phạm tự kiểm điểm về những việc đã làm được, những việc chưa làm được, phương hướng khắc phục trong thời gian tới, đề xuất ý kiến, nguyện vọng của mình với cấp ủy và chi bộ. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chi bộ góp ý kiến có lý, có tình, nhằm động viên, khích lệ ý chí phấn đấu vươn lên của đảng viên. Những mặt còn hạn chế thì tiếp tục, giúp đỡ khắc phục. Đồng thời, cấp ủy, chi bộ cũng cần kiên quyết đấu tranh, mạnh dạn đưa ra khỏi Đảng những đảng viên có khuyết điểm sai lầm đã được giáo dục, giúp đỡ nhiều lần vẫn không tiến bộ, không khắc phục, nhận thất không còn tư cách đảng viên để bảo đảm tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

                                                                                                                                                                                                                                                        Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   3184
  • Tháng hiện tại:   324365
  • Tổng lượt truy cập:   6611463