Trong bất cứ thời kỳ nào của cách mạng, cán bộ và công tác cán bộ cũng là vấn đề trọng yếu. Công tác cán bộ không những có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, mà còn góp phần quyết định đến việc thành bại trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn thành công hay thất bại đều cán bộ tốt hay kém”[1],“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói về tinh thần trách nhiệm, có khi Bác nói là “lòng trách nhiệm”, ý nghĩa là ý thức trách nhiệm là biểu hiện của tấm lòng, từ trái tim, từ trong tâm khảm mỗi người đối với công việc. Người thường nhắc, làm việc gì cũng phải “một lòng một dạ”, “toàn tâm toàn ý”, “hết lòng hết sức”. Nếu chỉ làm việc bằng nửa lòng, nửa dạ, nửa tâm nửa ý, làm qua loa đại khái, hời hợt, không hết lòng hết sức, được đến đâu hay đến đấy, dân gian gọi là “được chăng hay chớ” thì không thể gọi là “hết mình”, “hết lòng” với công việc. Do đó, khi đề cập đến ý thức, tinh thần trách nhiệm, trước hết là thể hiện đạo đức, tư tưởng, nhân cách, tâm nguyện của mỗi người vì mọi người. Những người như vậy, những tấm lòng và việc làm như vậy sáng ngời, thiết thực hơn cả trăm lần thề thốt, hứa hẹn lý thuyết suông. Người có ý thức trách nhiệm cao thường không bao giờ thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Trái lại, luôn lo toan, trăn trở, trước những việc chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa được như mong muốn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Ngược lại, làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”[3]. Như vậy, có thể hiểu nêu cao tinh thần trách nhiệm là mỗi cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn phê bình những người, những việc làm mang nặng bệnh hình thức, bệnh thành tích, làm để đối phó với kiểm tra, thanh tra, để che mắt dư luận hoặc chỉ làm cho có. Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Người khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng; cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức CB,ĐV, bảo vệ chính trị nội bộ, tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị trong tỉnh; đồng thời, là cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng, tuyển dụng, nâng ngạch, xếp lương đối với cán bộ, công chức (CB,CC), viên chức của Tỉnh ủy theo phân cấp và một số ban chỉ đạo theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức bộ máy cơ quan hiện có 04 phòng trực thuộc với 27 CB,CC. Phần lớn CB,CC của cơ quan là những người đã có kinh nghiệm công tác trong ngành từ 05-10 năm, một số đồng chí đã kinh qua các ngành, được rèn luyện thực tiễn, 100% CB,CC của cơ quan được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Thời gian qua, trong điều kiện còn khó khăn về biên chế, nhân lực, khối lượng công việc ngày càng tăng, nhiều nội dung khó, đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng tập thể CB,CC của cơ quan luôn đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ do Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy giao, nhất là các nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của Trung ương. Cụ thể như tập trung tham mưu triển khai thực hiện tốt việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; củng cố, phát triển tổ chức đảng, hệ thống chính trị đồng bộ với sắp xếp tổ chức bộ máy; phát triển đảng viên mới hàng năm đạt Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra, khắc phục tình trạng ấp, khu phố chưa có tổ chức đảng; thực hiện tốt công tác thẩm tra, xác minh, kết luận về những vấn đề liên quan đến lịch sử chính trị và chính trị hiện nay phục vụ công tác phát triển đảng viên và công tác cán bộ của tỉnh; tham mưu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo theo kế hoạch; các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện ngày càng chặt chẽ, bảo đảm giữ vững nguyên tắc của Đảng lãnh đạo và thống nhất quản lý cán bộ và công tác cán bộ.
Giám sát công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023 tại Đảng ủy Công an tỉnh
Trong phương pháp nghiên cứu, giải quyết công việc của CB,CC có nhiều đổi mới, lề lối làm việc có sự cải tiến; nhiều đồng chí tự giác làm thêm ngoài giờ với ý thức trách nhiệm cao không đòi hỏi về lợi ích vật chất, nhiều đồng chí thật sự là tấm gương về trách nhiệm trước công việc, luôn chủ động trong tham mưu, đề xuất, giải quyết công việc kịp thời, đảm bảo chất lượng. Lãnh đạo Ban đã kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng định kỳ hàng tháng, quý, qua đó, động viên, khuyến khích CB,CC nỗ lực, phấn đấu, phát huy tinh thần trách nhiệm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn tồn tại, hạn chế như một số nhiệm vụ giao cho các phòng triển khai thực hiện còn chưa đảm bảo thời gian theo yêu cầu, có lúc để lãnh đạo Ban nhắc nhở, phê bình; chất lượng tham mưu văn bản ở một số lĩnh vực còn chưa cao (chủ yếu là các báo cáo sơ kết, tổng kết các nghị quyết).
Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên đó là trách nhiệm của một số CB,CC chưa cao, chưa thật sự chủ động trong công việc, còn tâm lý trông chờ vào ý kiến chỉ đạo, định hướng của cấp trên; việc phân công nhiệm vụ cho CB,CC lúc chưa cụ thể, rõ ràng; công tác phối hợp giữa các phòng và CB,CC có lúc chưa nhịp nhàng, chặt chẽ.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi CB,CC trong thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là:
1. Thường xuyên quán triệt trong CB,ĐV về vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần trách nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo phải được tiến hành trên tinh thần tự giác, thực chất, gắn với thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV.
2. Thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình. Mỗi CB,ĐV phải chủ động nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, không thỏa mãn với kết quả đạt được. Thường xuyên tự rà soát, kiểm tra đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ; kịp thời trao đổi, đề xuất những vấn đề khó khăn, vướng mắc với lãnh đạo để có biện pháp giúp đỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
3. Nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với những công việc, dù là nhỏ hay lớn, phải có sự chuẩn bị, đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp và thực hiện để đảm bảo đạt kết quả cao nhất; đồng thời, phải dự báo tình hình để chủ động ngăn ngừa, có phương án khắc phục kịp thời. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải tuân thủ nghiêm quy trình, thủ tục quy định; đồng thời, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp làm việc để hoàn thành công việc nhanh nhất, tránh rập khuôn, máy móc, cứng nhắc. Mỗi CB,CC tích cực học tập, để nâng cao năng lực nghiệp vụ, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
4. Từng đồng chí lãnh đạo Ban, lãnh đạo phòng phải tiên phong, gương mẫu về tinh thần trách nhiệm trong công việc và với CB,CC thuộc thẩm quyền quản lý. Phát huy vai trò, trách nhiệm theo phương châm nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều. Duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng để đánh giá công việc của phòng, của từng CB,CC nhằm đánh giá rõ những việc đã làm được, chưa làm được để có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm và đề ra phương hướng tháng tới.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của CB,CC kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với CB,CC có tinh thần trách nhiệm, có nhiều giải pháp, sáng kiến đạt kết quả trong công tác. Đồng thời, kịp thời phê bình, chấn chỉnh các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Tinh thần trách nhiệm là phẩm chất cao đẹp của con người, là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá người CB,CC trong suốt quá trình công tác, hoạt động. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có cả cơ hội lẫn thách thức, do đó, đòi hỏi mỗi CB,CC dù ở đâu, trên cương vị nào đều phải nhận thức rõ và thực hiện tốt các chức trách nhiệm vụ của mình, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị.
Phòng Tổ chức - Cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy