Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong bốn nhiệm vụ đột phá. Để thực hiện nhiệm vụ này tỉnh Đồng Nai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật; qua đó, tạo sự thay đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, nhằm cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm chủ lực, mang lại chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Tọa đàm “Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai” do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT tổ chức vào tháng 8/2022
Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 ngàn ha và có 08 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ, 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất NNHC trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021- 2030” và đến nay đã khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu, qua đó, đã xác định được 99 vùng có đủ điều kiện để phát triển sản xuất NNHC, với diện tích canh tác 3.155 ha. Các nội dung dự thảo đề án đang trong quá trình triển khai lấy ý kiến để hoàn thiện, phê duyệt và sau đó đưa vào tổ chức thực hiện.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 06 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 12,2 ha, trong đó, có 01 mô hình hồ tiêu hữu cơ với quy mô 3,5 ha (huyện Cẩm Mỹ), 02 mô hình rau hữu cơ với quy mô 3,5 ha (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa); 01 mô hình sầu riêng với quy mô 3,3 ha (huyện Cẩm Mỹ), 01 mô hình bưởi với quy mô 0,9 ha (huyện Thống Nhất). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng 03 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ: 01 mô hình trồng lúa (huyện Cẩm Mỹ), với tổng diện tích gieo trồng 03 vụ là 3,55 ha và 02 mô hình chăn nuôi heo (huyện Định Quán), với quy mô nuôi 20 heo nái và 28 heo con. Ngoài ra, các địa phương đang triển khai thực hiện 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng và 23,72 ngàn vật nuôi (23.000 con gà, 520 con heo, 200 con bò), dự kiến cuối năm 2023, có thêm 17,8 ha hồ tiêu và 4,5 ha sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ.
Cùng với kết quả đạt được trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải NNHC, chất thải chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân, thuốc hóa học. Đến nay, toàn tỉnh đã ứng dụng cho khoảng 703,5 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 463,5 ha so với năm 2021, mô hình này đang được nông dân nhiều địa phương của tỉnh tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Với chất lượng và hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã tạo nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ trải rộng khắp toàn quốc mà còn vươn sang thị trường quốc tế.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển NNHC. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh khi đáp ứng các điều kiện theo từng chính sách sẽ được hỗ trợ một số nội dung như: hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; hỗ trợ trong đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ hay hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam bao gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y; hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ...
Tuy nhiên, cùng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cũng như việc sản xuất NNHC đã trở thành xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh, coi đây là hướng đi bền vững đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI xác định là một trong bốn nhiệm vụ đột phá, nhưng trên thực tế đây là hướng đi mới so với sản xuất nông nghiệp truyền thống, do đó, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, đơn cử như thị trường tiêu thụ, hạn chế về số lượng và quy mô sản xuất; mặt khác, thời gian trồng trọt theo hướng hữu cơ kéo dài hơn so với việc sản xuất thông thường, hay gọi là sản xuất theo kiểu truyền thống nên năng suất, sản lượng, thu nhập có nguy cơ giảm nếu người tiêu dùng không nhận thức đúng giá trị của sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, do đặc điểm thổ nhưỡng cùng với việc việc lạm dụng phân bón vô cơ và hóa chất trong quá trình canh tác trước đây nên nhiều vùng sản xuất của tỉnh bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, các chính sách tuy được ban hành một số chính sách vẫn chưa đồng bộ, chưa đủ sức thu hút tổ chức, cá nhân tham gia. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hiện nay còn nhỏ...
Để NNHC phát triển mạnh trong thời gian tới, đạt mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, tỉnh Ðồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để người sản xuất và người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt về kinh tế mà còn là vấn đề sức khỏe con người, môi trường sinh thái và phát triển toàn diện, bền vững. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách; tiếp tục nghiên cứu ưu tiên thực hiện việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho người dân sản xuất hữu cơ, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ; hỗ trợ địa phương xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ; ưu tiên theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái; ưu tiên hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai các đề tài khoa học và giới thiệu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho địa phương để phục vụ sản xuất hữu cơ; tiếp tục tạo điều kiện cho hội viên, nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chương trình, đề án, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng hữu cơ trong thời gian tới.
Trần Thị Mai Chi