Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

06/09/2023 09:06:50 404      Chọn cỡ chữ A a  

Cách đây 78 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện cực kỳ quan trọng, một kiệt tác lập quốc vĩ đại. Bản Tuyên ngôn Độc lập không dài, chỉ có 49 câu với 1.010 chữ, nhưng chứa đựng những nội dung vô cùng to lớn. Bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, Tuyên ngôn Độc lập còn là tuyên ngôn về nhân quyền, về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc và mỗi con người của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” (Ảnh tư liệu)

Những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh theo ngọn cờ phong kiến và dân chủ tư sản thất bại. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, đó là, con đường cách mạng vô sản, theo cách mạng Tháng Mười Nga. Đầu năm 1930, trước yêu cầu cấp bách của lịch sử, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời là một tất yếu khách quan của lịch sử, là sự sàng lọc nghiêm khắc và là một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đảng đã kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 và phong trào giải phóng dân tộc 1939-1945 mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trong cả nước, chấm dứt thời kỳ nô lệ của Nhân dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Chính quyền phong kiến triều Nguyễn sụp đổ hoàn toàn, chủ quyền đất nước về tay Nhân dân.

Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Trung ương đón Người về ở căn gác hai nhà số 48, phố Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về những công tác đối nội và đối ngoại, quyết định việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Từ ngày 28/8/1945, tại chiếc bàn ăn trên gác hai, nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung tinh thần, trí tuệ và tình cảm để soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập; đến ngày 31/8/1945, Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua trước khi công bố trước toàn thể Nhân dân Việt Nam và toàn thế giới vào ngày 02/9/1945. Nhớ lại về những ngày soạn thảo bản Tuyên ngôn, Người nói: “Đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình”. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó, càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời tiến ra lễ đài. Thay mặt cho Chính phủ, Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới nước Việt Nam đã giành được độc lập.

Mở đầu Bản Tuyên ngôn, Người đã trích dẫn hai Bản Tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử đó là Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1791): “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Tuyên ngôn Độc lập - Bản anh hùng ca của thời đại, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc, mang giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tuyên ngôn Độc lập là sự phát triển đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản yêu sách của Nhân dân An Nam, trong “Đường Kách mệnh”, “Cương lĩnh chính trị” và nhiều văn kiện quan trọng khác của Đảng và Việt Minh. Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập là sự tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của ông cha ta, kế thừa và phát triển những Bản Tuyên ngôn trước đây của Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, trong “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”, mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta.

Kể từ ngày Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều thay đổi, lời thề lịch sử từ Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bản Tuyên ngôn Độc lập luôn rọi sáng triệu trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài. Thông điệp của Tuyên ngôn Độc lập cho thế hệ người Việt Nam là: quyết giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như thế và trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì nhân quyền mới được bảo đảm. Đồng thời, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nhân tố, nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ không ngừng của quyền con người ở Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế với lòng tự hào và tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, cộng đồng cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh.

                                                                                                                                                                                                                                   Lê Văn Sơn

 

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   3110
  • Tháng hiện tại:   324291
  • Tổng lượt truy cập:   6611389