Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất sớm về tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội. Ngay từ năm 1919, trong bản “Yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Versaile, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu phải “thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Đến năm 1922, Nguyễn Ái Quốc đã khái quát, thể hiện quan điểm của mình trong bài “Việt Nam yêu cầu ca”: “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Có ý kiến cho rằng, hai câu thơ lục bát nói về yêu sách thứ 7 này không chỉ chuyển thể thành công nội dung thực chất của một yêu sách chính trị mà còn nâng cao rõ rệt nội dung yêu sách thành: đòi ban hành Hiến pháp. Hiến pháp là luật nhưng là luật cơ bản của một nước, tạo rường cột, cơ sở pháp lý cơ bản cho toàn xã hội, định hình chế định cơ bản quyền con người, quyền công dân. Xa hơn nữa, Nguyễn Ái Quốc còn chỉ ra cốt lõi, tinh túy của một nhà nước pháp quyền chính là ở chỗ đưa tinh thần thượng tôn pháp luật mà trước hết là thượng tôn Hiến pháp vào lĩnh vực quản lý xã hội. Tinh thần cao cả ấy, thật tuyệt vời lại được Nguyễn Ái Quốc diễn đạt một cách rất độc đáo, xưa nay chưa từng thấy: thần linh pháp quyền. Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được một cách thể hiện độc đáo để nói lên vai trò, ý nghĩa thiêng liêng, tôn quý của Hiến pháp và pháp luật mà lại rất gần gũi, dễ cảm nhận, tiếp thu, dễ nhớ, dễ thuộc để làm theo. Tư tưởng về một Hiến pháp dân chủ làm nền tảng cho một Nhà nước dân chủ và thượng tôn pháp luật đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945).
Xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Do đó, tại Điều 8 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm (ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên) là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân. Thông qua các hoạt động được tổ chức, Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó, hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành Hiến pháp năm 1959 - Ảnh tư liệu
Hiện nay, nước ta đang tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật (Điều 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2023). Trong việc quản lý xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lấy pháp luật làm cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững thì pháp luật có vai trò rất quan trọng, không có pháp luật thì không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, không có Nhà nước pháp quyền thì không thể đảm bảo trật tự kỷ cương, ổn định xã hội, bảo vệ quyền con người, làm cho người dân có cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật là phải tác động tích cực đến nền đạo đức của xã hội. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đòi hỏi mỗi cá nhân trong hoạt động của mình phải tính toán chặt chẽ những điều kiện khách quan và hiệu quả kinh tế. Khi đời sống kinh tế - xã hội đã và đang có những chuyển biến lớn, thì quan hệ giữa con người với con người không thể chỉ là mối quan hệ trực tiếp, cảm tính, chủ yếu vẫn bị chi phối bởi những nguyên tắc và chuẩn mực của sự phát triển ưu trội về đạo đức như trước đây, mà nó cần được bổ sung những chuẩn mực, những giá trị mới, như: tính kinh tế, tính hiệu quả,...
Thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật và việc thi hành pháp luật đã có những tác động rõ rệt đến đời sống xã hội. Những quy định trong Hiến pháp, trong các Luật và văn bản dưới Luật luôn đề cao tính nhân đạo và nhân văn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước mà Nhân dân là chủ và do Nhân dân làm chủ. Nói đúng hơn, đó là hệ thống pháp luật phục vụ cho việc thực thi các lợi ích cơ bản của con người, đặc biệt là lợi ích của người lao động. Vì vậy, các nguyên tắc định hướng cho việc xây dựng nội dung của hệ thống pháp luật, như công bằng, nhân đạo, vì sự phát triển tiến bộ của con người và xã hội,... cũng chính là những nguyên tắc đạo đức cơ bản mà nhân loại tiến bộ đã, đang và sẽ hướng tới. Có thể nói, pháp luật góp phần rất lớn trong việc hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành những quy phạm chung, giúp con người có những hành vi ứng xử văn minh, phù hợp với chiều hướng phát triển tiến bộ của thời đại.
Huy Dương