Mục đích thi hành kỷ luật trong Đảng nhằm giữ vững sự thống nhất ý chí và hành động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Để đạt được mục đích, việc thi hành kỷ luật phải thực hiện đúng phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, khó khăn, vướng mắc đang cản trở việc thực hiện phương châm này là vấn đề bảo đảm sự công bằng trong thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm.
Thứ nhất, một số cấp ủy, CB, ĐV nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn về vấn đề thi hành kỷ luật trong Đảng. Mục đích của thi hành kỷ luật không phải là “vạch lá tìm sâu” mà là để giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật và giáo dục tổ chức đảng, đảng viên. Quán triệt mục đích này, quá trình kiểm tra, xem xét, kết luận và ra quyết định kỷ luật phải đảm bảo “đúng người, đúng sai phạm, đúng hình thức kỷ luật”. Nếu chỉ bảo đảm đúng người, đúng sai phạm mà không áp dụng đúng hình thức kỷ luật thì cũng làm giảm hoặc làm mất tác dụng giáo dục, bởi vì hình thức kỷ luật là thể hiện tính nghiêm minh của Đảng, ngoài tác dụng giáo dục chính đảng viên sai phạm còn cảnh tỉnh, ngăn ngừa, răn đe đảng viên nói chung. Mọi hành động xuề xòa, nương nhẹ, bao che, hoặc lợi dụng hình thức kỷ luật để loại bỏ nhau đều trái với mục đích kỷ luật của Đảng, cần kiên quyết đấu tranh để ngăn ngừa, loại bỏ. Nếu không đảm bảo tiêu chí “đúng người, đúng sai phạm, đúng hình thức kỷ luật” sẽ dẫn đến áp dụng hình thức kỷ luật một cách tùy tiện, theo quan điểm riêng, ý chí chủ quan của từng cá nhân và tất yếu kéo theo sự không công bằng trong áp dụng hình thức kỷ luật giữa các trường hợp cùng nội dung sai phạm. Do không thống nhất về nhận thức, nhận thức không đầy đủ và đúng đắn sẽ dẫn đến tình trạng cùng một sai phạm nhưng có quan điểm khác nhau dẫn đến kết luận và áp dụng hình thức kỷ luật cũng khác nhau, nảy sinh tư tưởng, sự so sánh cho rằng không công bằng khi thi hành kỷ luật, hoặc cho rằng có bao che, bảo kê, nương nhẹ… Như vậy, từ nhận thức chưa đúng có thể dẫn đến làm sai, đánh giá sai về sự công bằng trong thi hành kỷ luật Đảng.
Để khắc phục nguyên nhân này cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về vấn đề thi hành kỷ luật trong Đảng. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra, cán bộ làm công tác kiểm tra cần nhận thức đúng để làm tốt vai trò “cầm cân, nảy mực”; CB, ĐV nhận thức đúng để tự giác và thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong quá trình kiểm tra, xem xét, kỷ luật đảng viên sai phạm.
Thứ hai, tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới” trong thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm. Ở một tổ chức đảng cùng sai phạm như nhau mà đảng viên có chức vụ thấp hơn thì bị xử lý hình thức kỷ luật cao hơn, đảng viên giữ chức vụ càng cao việc xử lý kỷ luật thường nhẹ hơn. Cùng sai phạm như nhau, nhưng ở các tổ chức đảng khác nhau thì về quan điểm trong xem xét, kết luận và quyết định hình thức xử lý kỷ luật của từng tổ chức đảng khác nhau, không bảo đảm sự công bằng trong kỷ luật của Đảng. Tình trạng xử lý kỷ luật không công bằng “nhẹ trên, nặng dưới” gây ra những tác hại như: đảng viên bị xử lý kỷ luật cao hơn không tâm phục, nên tác dụng giáo dục không cao; đảng viên được xử lý nhẹ không thấy được tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, không thấy rõ việc làm sai trái của mình để sửa chữa, do đó, không có tác dụng răn đe đối với những đảng viên vi phạm, quần chúng thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường việc kiểm tra việc thi hành kỷ luật để phát hiện và xử lý kịp thời những cá nhân và tổ chức Đảng cố ý không thực hiện sự công minh của phương châm thi hành kỷ luật trong Đảng.
Thứ ba, tư tưởng nể nang ngại va chạm, dễ người, dễ ta. Đây là vấn đề thuộc về bản lĩnh chính trị và tính chiến đấu của mỗi CB, ĐV và tổ chức đảng.
Muốn giải quyết được vấn đề này phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực phẩm chất của đội ngũ CB, ĐV, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra để góp phần thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có chất lượng và hiệu quả cao. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI). Thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trong Đảng, phát huy trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng của các tổ chức đoàn thể, của quần chúng. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tăng cường sự giám sát của quần chúng đối với các hoạt động của tổ chức đảng và CB, ĐV.
Tóm lại, dù có sự không công bằng trong thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm do nguyên nhân nào thì cũng làm cho việc thi hành kỷ luật thiếu nghiêm túc, giảm tác dụng giáo dục và gây dư luận xấu trong Đảng cũng như quần chúng, làm giảm lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng. Để có sự công bằng trong thi hành kỷ luật, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, xem xét và quyết định hình thức kỷ luật, đồng thời, đó cũng là trách nhiệm của tất cả CB, ĐV và quần chúng trong việc nâng cao tính chiến đấu, phát huy nguyên tắc tự phê bình và phê bình; mở rộng dân chủ, nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Phan Đức Anh