Kiểm tra, giám sát (KT,GS) là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác KT,GS. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự KT,GS của Đảng.
Công tác KT,GS của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của các cấp ủy và chính sách, pháp luật của Nhà nước được xác định đúng, chấp hành nghiêm chỉnh và có kết quả trong thực tiễn. Các tổ chức đảng cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác KT,GS của Đảng, thường xuyên coi trọng và chủ động tiến hành công tác KT,GS theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Phải KT,GS đối với từng nghị quyết, chỉ thị, từng lĩnh vực, địa bàn, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác KT,GS đối với các tổ chức đảng, bảo đảm mọi nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều được KT,GS; các tổ chức đảng đều tiến hành công tác KT,GS. Có như vậy, công tác KT,GS của Đảng mới thực sự là những chức năng lãnh đạo; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới.
Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cần nắm vững các quy định về công tác kiểm tra để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trong đó:
1. Cấp ủy các cấp tiến hành công tác KT,GS
Cấp ủy lãnh đạo công tác KT,GS
Triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác KT,GS.
Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp uỷ cùng cấp và cấp ủy cấp dưới xây dựng phương hướng nhiệm vụ; phân công cấp uỷ viên, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác KT,GS. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp uỷ cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch KT,GS.
Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ KT,GS, kỷ luật đảng và để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân tham gia KT,GS.
Ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định phối hợp giữa UBKT với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ, giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc với các cơ quan liên quan.
Nghe báo cáo và chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ KT,GS, kỷ luật đảng; giải quyết kiến nghị của tổ chức đảng cấp dưới và định kỳ sơ kết, tổng kết về công tác KT,GS, kỷ luật đảng.
Lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, hoạt động của UBKT, cơ quan UBKT, về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến công tác KT,GS, kỷ luật đảng.
Đề xuất với cấp có thẩm quyền về những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành các văn bản về công tác KT,GS, thi hành kỷ luật của Đảng.
Thực hiện nhiệm vụ KT,GS
Trên cơ sở chương trình, kế hoạch thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách để có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát với thực tế, các cấp ủy phải xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện giám sát hoặc giao các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp mình tiến hành.
Ngoài việc tự kiểm tra và KT,GS thường xuyên thông qua việc nắm tình hình, quan sát đối với tổ chức đảng, đảng viên theo thẩm quyền (không lập đoàn, tổ), như các kỳ họp, nghe báo cáo, thông qua sinh hoạt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; nghiên cứu văn bản, báo cáo; kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị, báo cáo kết quả thanh tra, KT,GS của các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng,… Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của đảng bộ trong từng thời gian mà cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy xác định và quyết định nội dung KT,GS (có thành lập đoàn, tổ KT,GS).
Đối với tổ chức đảng: KT,GS tổ chức đảng thuộc phạm vi quản lý, trước hết là tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp; khi cần, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới cách nhiều cấp.
Nội dung KT,GS, tập trung các nội dung cơ bản: Việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đối với đảng viên, KT,GS đảng viên thuộc phạm vi quản lý, trước hết là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý và cán bộ giữ các cương vị chủ chốt hoặc được giao các nhiệm vụ quan trọng, tập trung các nội dung: Việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể nhân dân các cấp.
Về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát
Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy phân công cấp ủy viên dự các hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới. Cấp ủy viên khi thực hiện giám sát được yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản hoặc báo cáo theo yêu cầu giám sát. Cấp ủy viên có trách nhiệm báo cáo kết quả giám sát bằng văn bản cho ban thường vụ hoặc cho cấp ủy; chịu trách nhiệm về việc giám sát; giữ bí mật về thông tin, tài liệu cung cấp cho việc giám sát.
Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cử cấp ủy viên trực tiếp chỉ đạo, giám sát tổ chức đảng cấp dưới sửa chữa, khắc phục yếu kém, khuyết điểm, vi phạm. Qua giám sát, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nhận xét, đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân; rút kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, về tổ chức thực hiện; bổ sung, sửa đổi những vấn đề cần thiết.
Nếu phát hiện đối tượng giám sát không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc ban hành các văn bản sai trái thì yêu cầu khắc phục, sửa chữa hoặc xử lý theo thẩm quyền; nếu cần thiết thì yêu cầu hủy bỏ các văn bản sai trái đó.
Nếu phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì giao UBKT tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc nếu thấy cần thiết thì trực tiếp kiểm tra khi có dấu dấu khi phạm.
Trách nhiệm và quyền của đối tượng giám sát
Trách nhiệm của đối tượng giám sát: Chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, của cấp ủy, UBKT cấp trên và cấp ủy cấp mình về công tác giám sát. Chấp hành các yêu cầu, quyết định của chủ thể giám sát hoặc của tổ chức đảng có thẩm quyền. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các văn bản, tài liệu; tham dự đầy đủ các cuộc họp, buổi làm việc được triệu tập; báo cáo, trả lời, trao đổi, đầy đủ, trung thực với chủ thể giám sát về các nội dung được yêu cầu. Thực hiện quyết định, thông báo, tiếp thu việc nhắc nhở, cảnh báo, các đề nghị hoặc yêu cầu của chủ thể giám sát; nghiên cứu, xem xét để phát huy mặt mạnh; khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém hoặc hậu quả gây ra và báo cáo với chủ thể giám sát. Không được gây khó khăn, trở ngại; không được từ chối khi có yêu cầu giám sát của tổ chức đảng có thẩm quyền; không để lộ bí mật nội dung giám sát cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
Quyền của đối tượng giám sát: Được chủ thể giám sát thông báo trước người được phân công giám sát thường xuyên; được nghe nhận xét, đánh giá về bản thân hay tổ chức mà mình là thành viên; thông báo trước quyết định, kế hoạch giám sát theo chuyên đề.
Trình bày ý kiến, giải trình và bảo lưu ý kiến; được sử dụng bằng chứng chứng minh về các nội dung giám sát thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc không liên quan đến nội dung giám sát hoặc thấy chủ thể giám sát thực hiện không đúng nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền giám sát.
Được đề nghị, phản ánh, báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá đối với mình hoặc xem xét lại việc giám sát không đúng nội dung, yêu cầu, trách nhiệm của chủ thể giám sát.
Trách nhiệm và quyền của tổ chức, cá nhân có liên quan
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan: Thực hiện nghiêm túc các đề nghị hoặc yêu cầu của chủ thể giám sát thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao. Cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu đó; không được từ chối hoặc đùn đẩy, né tránh cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình. Không tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu giám sát cho các tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
Quyền của tổ chức, cá nhân có liên quan: Được chủ thể giám sát thông báo trước thời gian, nội dung làm việc với chủ thể giám sát. Trao đổi với chủ thể giám sát về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu hoặc đề nghị của chủ thể giám sát. Từ chối trả lời hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Cùng với việc KT,GS, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy còn thực hiện giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng và tiến hành các nhiệm vụ kiểm tra khác khi cần thiết.
2. Công tác KT,GS của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy
Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy do cấp ủy lập ra để thực hiện nhiệm vụ và thực hiện chức năng tham mưu, giúp cấp ủy về lĩnh vực công tác được giao, công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao.
Phối hợp với UBKT cùng cấp tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm thuộc lĩnh vực phụ trách; tham gia các cuộc KT,GS của cấp ủy hoặc chủ trì KT,GS khi được cấp ủy giao.
Xây dựng chương trình, kế hoạch và sử dụng bộ máy của cơ quan mình tiến hành KT,GS tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên hoặc phối hợp với UBKT và các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy để tiến hành KT,GS.
Giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy theo dõi, đôn đốc tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ KT,GS; tham gia ý kiến và giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy kết luận các nội dung KT,GS thuộc lĩnh vực được giao.
Công tác kiểm tra của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy như nội dung kiểm tra của cấp ủy, tập trung vào nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao đối với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, trước hết là cấp dưới trực tiếp và đảng viên thuộc lĩnh vực phụ trách và các đối tượng khác do cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao.
Phương pháp kiểm tra: Các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy sử dụng bộ máy của mình để kiểm tra hoặc phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc khác của cấp ủy và UBKT cùng cấp (dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc theo quy định của cấp ủy về phối hợp kiểm tra) để kiểm tra. Qua kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy kết luận về những nội dung được kiểm tra, báo cáo với cấp ủy, ban thường cấp ủy cùng cấp về kết quả kiểm tra và những kiến nghị cần thiết. Trường hợp phát hiện tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm cần xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy báo cáo với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và thông báo cho UBKT của cấp ủy cùng cấp xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Cách tiến hành một cuộc kiểm tra cụ thể của các cơ quan tham mưu của cấp ủy tương tự như cách tiến hành một cuộc kiểm tra của cấp ủy.
Công tác giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy đối với các chi ủy, chi bộ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp dưới, tập trung giám sát chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực phụ trách và những nội dung do cấp ủy giao và việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Ngoài ra các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cũng thực hiện giám sát thường xuyên như nội dung giám sát thường xuyên của cấp ủy.
Thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát (các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy).
Thành viên các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cán bộ, chuyên viên được phân công theo dõi lĩnh vực, địa bàn khi thực hiện giám sát được yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát và phải giữ bí mật nội dung thông tin, tài liệu đó.
Qua giám sát, kịp thời nhắc nhở đối tượng được giám sát phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm; nếu phát hiện tổ chức đảng hoặc đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo hoặc đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Nếu phát hiện tổ chức đảng cấp dưới hoặc đảng viên không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc ban hành các văn bản sai trái thì báo cáo cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cùng cấp xem xét, xử lý.
Chủ trì giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cấp ủy cùng cấp quản lý có nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
Trách nhiệm và quyền của đối tượng giám sát và tổ chức, cá nhân có liên quan như của cấp ủy.
3. Công tác kiểm tra của các ban cán sự đảng, đảng đoàn
Theo quy định của Điều lệ Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn có nhiệm vụ lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng thuộc phạm vi được phân công phụ trách. Đối tượng lãnh đạo là thành viên của ban cán sự đảng, đảng đoàn. Những tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền kiến nghị, đề xuất của ban cán sự đảng, đảng đoàn.
Căn cứ quyết định của tỉnh ủy, thành ủy về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế làm việc và tình hình thực tế để xác định nội dung, đối tượng và phương pháp lãnh đạo công tác kiểm tra.
Nội dung lãnh đạo về triển khai quán triệt và chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, hướng dẫn của Đảng về công tác KT,GS, kỷ luật đảng. Lãnh đạo các thành viên của ban cán sự đảng, đảng đoàn gương mẫu thực hiện công tác kiểm tra và chấp hành nghiêm chỉnh khi được KT,GS. Lãnh đạo việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị về công tác kiểm tra có liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của ban cán sự đảng, đảng đoàn; lãnh đạo khắc phục hậu quả, sửa chữa khuyết điểm sau KT,GS. Kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng về công tác KT,GS, kỷ luật đảng.
Phương pháp lãnh đạo: Ban hành văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Phân công các thành viên ban cán sự đảng, đảng đoàn lãnh đạo công tác kiểm tra thuộc phạm vi phụ trách. Trực tiếp làm việc hoặc thông qua văn bản chỉ đạo của ban cán sự đảng, đảng đoàn đối với đối tượng lãnh đạo. Phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy