Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Khói thuốc lá chứa trên 4.000 hóa chất, trong đó có 43 hóa chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ.
Tác hại của thuốc lá (Hình tư liệu)
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi trên thế giới hiện nay, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6,0 triệu người, trong đó có hơn 5,0 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành.
Theo các chuyên gia, công tác phòng, chống thuốc lá ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế; đặc biệt, sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ… Do đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng và cần được đẩy mạnh. Để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống thuốc lá, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Chính phủ, ngành chức năng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá để mọi người nắm chắc, thực hiện nghiêm túc, không vi phạm. Chú trọng tập trung tuyên truyền nội dung: chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội; tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Hai là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về những tác hại của thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá thế hệ mới) đối với sức khỏe con người để mọi người chủ động phòng tránh, từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Đặc biệt, tuyên truyền nhấn mạnh về nguy cơ những bệnh thường gặp đối với người hút thuốc lá (kể cả hút chủ động và hút thụ động); qua đó, truyền tải thông điệp việc từ bỏ thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.
Ba là, tuyên truyền nâng cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành nghiêm các quy định trong luật, các văn bản quy phạm pháp luật về cấm hút thuốc lá. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức phong phú. Tăng cường các biện pháp xử phạt vi phạm quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực thi môi trường không khói thuốc trong cơ quan; tổ chức cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc trong cơ quan, đơn vị.
Bốn là, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân, không hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng như: Trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; phát động các phong trào không sử dụng thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm cấm hút thuốc lá để xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc.
Phan Đức Phương