Xã hội hóa (XHH) giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế như hiện nay, công tác XHH là giải pháp quan trọng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan linh hoạt triển khai công tác XHH giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đến nay công tác này đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển các loại hình trường, lớp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện tới trường, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu XHH giáo dục nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong Nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao và góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2022-2023, mạng lưới trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh là 193 trường, đạt tỷ lệ 20,7% trên tổng số trường (trong đó: mầm non có 157 trường, đạt tỷ lệ 41,4%; tiểu học có 05 trường, đạt tỷ lệ 1,7%, Trung học cơ sở có 04 trường, đạt tỷ lệ 2,2% và trung học phổ thông có 27 trường, đạt tỷ lệ 35,1%). Giai đoạn này mạng lưới trường ngoài công lập tương đối ổn định với tổng số học sinh ngoài công lập là 139.885 học sinh; đạt tỷ lệ 18,8% so với tổng số học sinh trên toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở cấp mầm non là 57,5%, tiểu học là 4,2%, trung học cơ sở là 6,1% và trung học phổ thông là 31,6%.
Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư cho 02 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa gồm: Dự án Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), với diện tích khoảng 2.959,9m2, quy mô khoảng 15 lớp học tại phường Trảng Dài; Dự án Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Ngày Mới, với diện tích khoảng 7.163m2, quy mô khoảng 720 học sinh tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất). Với kết quả mà tỉnh đạt được qua việc đẩy mạnh XHH giáo dục đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các điều kiện phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh; đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được xây dựng, củng cố với trình độ đào tạo cũng như chất lượng ngày được nâng cao. Bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng không ngừng được bổ sung. Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới, mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển rộng khắp, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo. Các trung tâm học tập cộng đồng, giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục từ xa phát triển..., góp phần tạo ra phong trào học tập tương đối sâu rộng trong Nhân dân; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh; nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân đối với sự nghiệp giáo dục nhằm phục vụ tốt hơn việc học tập của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XHH giáo dục còn một số khó khăn, bất cập nhất định: Mức độ phát triển XHH không đồng đều giữa các địa phương; chủ yếu tập trung vào khu vực thành thị, hầu như ít thu hút được dự án đầu tư ở khu vực nông thôn. Cơ chế chính sách còn hạn chế, thiếu đồng bộ; việc thực hiện XHH gặp khó khăn nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, điều kiện về đất đai theo pháp luật về đất đai và pháp luật quản lý sử dụng tài sản công).
Để duy trì những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, thời gian tới tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách; tập trung trong công tác quy hoạch; tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia về phát triển giáo dục, hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu đãi các đối tượng chính sách và trợ giúp người nghèo..., cụ thể:
Thứ nhất, tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm; ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế, chính sách đào tạo đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các nhân viên trong ngành, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên giỏi làm giáo viên, giảng viên, gắn đào tạo với sử dụng.
Thứ hai, tiếp tục khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công lập; khuyến khích việc hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao của nước ngoài; khuyến khích mở các các cơ sở giáo dục, đào tạo có chất lượng cao, có uy tín bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về XHH giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển XHH giáo dục. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Tăng cường phân cấp quản lý, thanh tra, kiểm tra. Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Việc phát triển các trường ngoài công lập là vấn đề cần thiết không chỉ giảm tải cho giáo dục công lập mà còn đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của xã hội, đối với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao, góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục của tỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay theo nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.
Trần Thị Mai Chi