Để đạt được mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS), kỷ luật đảng và đồng thời, bảo đảm tính Đảng, tính nhân văn trong công tác KT,GS, kỷ luật đảng, thì qua KT,GS phải chỉ rõ ưu điểm, thành tích để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện thiếu sót, khuyết điểm để lưu ý, cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu sửa chữa, khắc phục, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha. Nếu thấy cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm thì phải chỉ rõ chứng cứ, kết luận chuẩn xác, không chủ quan, áp đặt; phải để đối tượng kiểm tra được bày tỏ ý kiến của mình về những khuyết điểm, vi phạm đó và tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nhận hình thức kỷ luật một cách tâm phục, khẩu phục.
Từ lý luận đến thực tiễn cho thấy: Công tác KT,GS, kỷ luật đảng yêu cầu và đòi hỏi tính Đảng, thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng rất cao. Xuất phát từ mục tiêu chính là phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, tự thân công tác KT,GS và thi hành kỷ luật đảng đã yêu cầu tính Đảng trong đó. Cùng với tính Đảng, tính giáo dục thì tính nhân văn sâu sắc với tinh thần “trị bệnh cứu người”, ngăn chặn vi phạm là chính, nếu có vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý thì mới xử lý để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giáo dục, phòng ngừa chung.
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc đã được Ủy ban kiểm tra các cấp xem xét, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đã có những quy định cụ thể về tình tiết giảm nhẹ để động viên cán bộ có vi phạm tự giác nộp tài sản tham nhũng, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra được quy định tại Điều 5 - Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; và khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện như trong Thông báo kết luận của Bộ Chính trị số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Tính nhân văn cũng được thể hiện rõ trong Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác KT,GS và kỷ luật của Đảng: đối với đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật.
Như vậy, khi thực hiện công tác KT,GS và kỷ luật đảng phải xem xét toàn diện, khách quan, thấu tình đạt lý thì mới thuyết phục, cảm hóa được đối tượng kiểm tra; từ đó, đối tượng được kiểm tra tự giác nhìn nhận, sửa chữa khuyết điểm, sai phạm đồng thời tự giác nhận hình thức kỷ luật (nếu có). Khi đó, mới đạt mục đích, yêu cầu và bảo đảm tính Đảng, tính nhân văn trong KT,GS, thi hành kỷ luật đảng.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy