55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nội dung cốt lõi, ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc Bác Hồ

01/09/2024 18:14:47 405      Chọn cỡ chữ A a  

Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và nhân dân thế giới. “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta. Bác ra đi vẫn không quên để lại muôn vàn tình thân yêu - “Di chúc” cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Di chúc của Người là văn kiện lịch sử vô giá, làm nổi bật những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức trong sáng của Bác Hồ, là ngọn đèn soi sáng con đường đi tới vinh quang và thắng lợi của dân tộc ta, Đảng ta.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đúng vào 09 giờ và chọn đúng những ngày tháng 5 từ 1965 đến năm 1969, nhân dịp ngày sinh của mình, khi sức khỏe còn tốt và trí tuệ minh mẫn để viết. Viết trong khoảng thời gian 04 năm nhưng về tổng thể bản Di chúc vẫn là một văn bản nhất quán, mạch lạc và có bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh.

Những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Trước hết nói về Đảng”, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề cốt tử đầu tiên, Người viết: “Trước hết nói về Đảng, theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”[1] và Người nói: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Đây là hai nội dung trọng yếu, có mối quan hệ biện chứng được Người đề cập trong Di chúc.

Thứ nhất, Người viết về các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đó là nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc thực hành dân chủ rộng rãi và nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, cụ thể:

Về nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mục tiêu của việc thực hiện nguyên tắc này là “để củng cố sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[2]. Theo Người, “phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”[3]. Tự phê bình và phê bình là cách giúp chúng ta nhìn ra khuyết điểm của bản thân mình cũng như của đồng chí mình để “thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau”[4]. Tự phê bình và phê bình phải được thực hiện thường xuyên và khéo léo, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Cách thức thực hiện “phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”[5]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tác dụng của phê bình từ dưới lên. Đây là một tư duy mới, đột phá đòi hỏi đảng viên phải có bản lĩnh mới thực hiện được. Vì thông thường cấp trên phê bình cấp dưới. Thật không dễ khi cấp dưới phê bình cấp trên. Làm tốt được nguyên tắc này sẽ củng cố được khối đoàn kết trong Đảng. “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”[6] thì mới đạt được kết quả tốt. Người cũng vô cùng tinh tế khi luôn nhắc nhở “nêu ưu điểm” trước rồi mới “vạch khuyết điểm”. Chỉ trong vài dòng ngắn ngủi khi đưa ra chỉ dẫn về tự phê bình và phê bình, tư duy biện chứng của Người đã được thể hiện thật rõ nét và rất sinh động.

Về nguyên tắc thực hành dân chủ rộng rãi, trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi… là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[7]. Nguyên tắc này được thể hiện rõ nét trong nguyên tắc làm việc là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Cách làm việc này huy động được kinh nghiệm, trí tuệ, cách nhìn của đa số, tránh được góc nhìn phiến diện, giản đơn, một chiều. Tập thể lãnh đạo để tránh việc cá nhân ôm đồm, bao biện, độc đoán, chủ quan. Cá nhân phụ trách để tránh tình trạng bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ, không ai chịu trách nhiệm. Tập thể lãnh đạo là dân chủ; cá nhân phụ trách là tập trung. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng tinh tế khi nói “dân chủ tập trung” chứ không nói “tập trung dân chủ”. Dân chủ là điều kiện để tập trung; tập trung trên cơ sở dân chủ. Dân chủ và tập trung không tách rời nhau. Như vậy, nguyên tắc này có thể hiểu là, khi thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của nhiều người, mọi người được tự do phát biểu ý kiến của mình còn khi đã đi đến kết luận chung, thì tất cả sẽ phải tuân thủ và sẽ ủy quyền cho cá nhân phụ trách. Dân chủ trong Đảng là điều kiện quan trọng để thực hiện dân chủ trong xã hội. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ, động lực để tiến tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc thực sự.

Về nguyên tắc đoàn kết và thống nhất, đây là kết quả tất yếu của việc thực hiện tốt hai nguyên tắc trên. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Muốn đoàn kết phải giữ gìn kỷ luật của Đảng. Mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng, có như vậy Đảng mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí, mạnh mẽ để lãnh đạo Nhân dân đến thắng lợi. “Đoàn kết và kỷ luật làm cho bộ đội mạnh, đoàn thể mạnh”[8]. Đoàn kết là cội nguồn của thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Thứ hai, Người viết về người cán bộ, đảng viên (CB,ĐV). Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở về đội ngũ CB,ĐV, đặc biệt trong điều kiện đảng cầm quyền. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Suy cho cùng, một tổ chức có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ của tổ chức ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng của đội ngũ này. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư - những đức tính ấy được Người đề cập nhiều trong các bài nói, bài viết trước đó; và một lần nữa lại được nhấn mạnh trong Di chúc. Chăm chỉ, chuyên cần, tiết kiệm, liêm khiết, chính trực, đặt lợi ích của đất nước, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân luôn là những đức tính mà mỗi người CB,ĐV cần phải rèn luyện, tu dưỡng suốt đời; luôn ý thức Đảng cũng như CB,ĐV phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân, không lên mặt “quan cách mạng”. Đặc biệt, cần phải nhìn hai vị trí này trong mối quan hệ biện chứng với nhau. Lãnh đạo đòi hỏi tư cách, phẩm chất, năng lực, còn “đày tớ” đòi hỏi thái độ, tinh thần tận tụy phục vụ Nhân dân.

Thứ ba, Người viết về hai trách nhiệm quan trọng của Đảng. Người bàn về trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ phục vụ cho nhu cầu trước mắt của cách mạng mà còn quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Người bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ: “Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”. Đầu năm 1946, trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Người khẳng định: “Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Người viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Với thế hệ trẻ, điều quan trọng là phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho họ trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên”. Để bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, cần quan tâm đến thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục của các em học sinh nhằm làm cho thân thể khỏe mạnh, giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh riêng, học thêm những tri thức mới, phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp, làm cho học sinh có năm cái yêu (yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công). Trong ba phạm vi gia đình, nhà trường, xã hội, Người chỉ dẫn cụ thể: “Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung”[9].

Nói trách nhiệm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Độc lập, tự do chỉ là bước đầu tiên để hướng đến mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của Nhân dân. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[10]. Nhân dân chỉ hiểu được giá trị của hạnh phúc, tự do khi trước hết họ được ăn no, mặc đủ. Nhân dân là nguồn sức mạnh của Đảng. “Dựa vào dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được”. Do đó, chăm lo cho Nhân dân chính là cách để tăng cường sức mạnh của Đảng. Hồ Chí Minh luôn căn dặn CB,ĐV phải lấy tiêu chí lợi, hại cho dân làm tiêu chí hành động và thước đo một Đảng cách mạng chân chính. Bác dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”[11]. Đảng lo cho dân trước hết là lo những nhu cầu thiết yếu, như ăn, mặc, ở sau đó, đến những nhu cầu tinh thần. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước thực hiện nhiều chủ trương, chính sách chống đói, chống dốt, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa là để thực hiện một cách thiết thực việc chăm lo đời sống cho Nhân dân. Sự thống khổ của Nhân dân là nỗi thống khổ của Người và hạnh phúc của dân chính là hạnh phúc của Người: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”[12]. Câu nói mộc mạc của Người mà chất chứa ý nghĩa sâu xa, khái quát toàn bộ những nội dung cốt yếu trong mối quan hệ giữa Đảng với dân, đó là “Đảng phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, phải thấu hiểu rằng lợi ích của Nhân dân tức là lợi ích của Đảng”[13].

“Đầu tiên là công việc đối với con người”:

Với Nhân dân, là lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm của mình cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong Di chúc, Người căn dặn những công việc cụ thể cần làm với từng tầng lớp, đối tượng sau khi nước nhà thống nhất: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; đối với các liệt sĩ; đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu; với những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong; với phụ nữ; với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ; với nông dân. Những tầng lớp, đối tượng trên được Hồ Chí Minh dành cho sự quan tâm đặc biệt. Họ là những người đã góp công sức trực tiếp vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, là lực lượng “yếu thế” trong xã hội. Người trù liệu, căn dặn từng công việc mà Đảng, Nhà nước cần phải thực hiện với những đối tượng đặc biệt này.

Con người - vấn đề trung tâm trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người bàn tới các nguyên tắc tổ chức của Đảng là để xây dựng một Đảng đoàn kết, một Đảng mạnh hướng tới một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây chính là xã hội xã hội chủ nghĩa do con người và vì con người. Do đó, thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng chính là tạo ra công cụ, phương tiện cần thiết để đạt tới mục tiêu xây dựng một xã hội tất cả vì con người, cho con người.

Khi bàn tới người đảng viên, thực chất là Người đang nói tới con người trong Đảng. Đảng viên có tốt thì Đảng mới có thể thành công trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Hai trách nhiệm quan trọng của Đảng là trách nhiệm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và trách nhiệm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân đều hướng tới con người. Có thể thấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng chính là nói về con người: Đó không chỉ là con người hiện tại trong Đảng (đảng viên) mà còn là con người mà Đảng phải có trách nhiệm xây dựng làm đội ngũ kế cận trong tương lai (thế hệ cách mạng cho đời sau) và con người mà Đảng hướng tới phục vụ lợi ích của họ (quần chúng nhân dân).

Bên cạnh các công việc đối với con người mà Hồ Chí Minh đề cập trực tiếp trong Di chúc thì toàn bộ nội dung bàn về Đảng thực chất cũng chính là bàn về vấn đề con người. Ở đây, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, có quan hệ biện chứng với nhau. Do đó, có thể khẳng định, điều cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn hậu thế trước lúc đi xa chính là vấn đề con người. Suy cho cùng, con người là nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia. Các nguồn lực khác dù có dồi dào, phong phú, đa dạng đến đâu nhưng nếu nguồn lực con người thiếu hoặc yếu thì quốc gia đó khó mà phát triển được.

Ý nghĩa lịch sử và giá trị trường tồn của Di chúc:

55 năm qua, đọc lại Di chúc thiêng liêng của Người, điều căn cốt là con người - nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của quốc gia - dân tộc trong thời đại ngày nay. Thực hiện Di chúc Bác Hồ, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện lời hứa trước anh linh Bác khi giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa xuân năm 1975. Từ năm 1986, đất nước sang trang sử mới, khi vận dụng thành công con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp thu tinh hoa của nhân loại; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nghĩa là phát huy hết sức mạnh toàn dân trong xây dựng đất nước, cởi trói sức lao động, tính sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo động lực phát triển kinh tế nhưng vẫn chú trọng an sinh xã hội; với tinh thần xóa đói giảm nghèo, không để ai tụt lại phía sau. Thành công bước đầu có tính đột phá với những chính sách phát triển đất nước hợp lòng dân, đã đưa nước ta từ một nước nghèo, công nghiệp còn lạc hậu thành nước có thu nhập trung bình, có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới... Chúng ta giữ vững độc lập chủ quyền đường lối ngoại giao mang đặc điểm Việt Nam: mềm dẻo, linh hoạt "Dĩ bất biến ứng vạn biến" có quan hệ đối ngoại hòa bình, bình đẳng góp phần xứng đáng vào việc giữ gìn nền hòa bình trên thế giới; có quan hệ ngoại giao với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; các nước lớn trên thế giới đều có quan hệ ngoại giao mang tính chiến lược toàn diện với nước ta.

Song song với việc phát triển kinh tế, Đảng đã có những chính sách để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", có ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ phát triển văn hóa của mỗi tộc người và cả quốc gia. Vì vậy, ngày 24/11/2021, đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024)”

Để làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử, tầm vóc thời đại của bản Di chúc; nêu bật những thành tựu, bài học kinh nghiệm qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương; làm rõ ý nghĩa định hướng trong Di chúc của Người đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày 29/8, tại Nhà Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quộc hội; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và các đại biểu dự Hội thảo

Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024)” đã khẳng định sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của bản Di chúc; truyền trao, khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội ý chí quyết tâm, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, từ đó, chuyển hóa thành hành động để mỗi tổ chức đảng, mỗi CB,ĐV nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Nhìn lại 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chúng ta tự hào về những gì Đảng ta và Nhân dân ta đã làm được, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng, bên cạnh những CB,ĐV tiên phong, gương mẫu vẫn còn một bộ phận CB,ĐV giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, trong đó, có cả một số cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Nguyên nhân gốc rễ là họ không chú ý giữ gìn, đã đánh mất đạo đức cách mạng của người CB,ĐV. Vì vậy, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là việc cụ thể hóa trong việc thực hiện Di chúc của Bác, mỗi CB,ĐV phải coi việc học và làm theo Bác là việc thường xuyên, hằng ngày. Nhìn lại thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những kết quả bước đầu. Việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) hiện là phương hướng, nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm tình cảm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc thực hiện Di chúc Bác Hồ. Mới đây nhất, ngày 09/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW "về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB,ĐV trong giai đoạn mới" chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng, cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong đó, giá trị cốt lõi xuất phát từ kết quả vận dụng những giá trị bền vững, đi trước thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, để xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới. Đó là chuẩn mực tôn trọng Nhân dân được cụ thể hóa thành khoản 2 Điều 1 và điểm đáng chú ý chính là: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh". Các nội dung của Quy định số 144 không chỉ là chuẩn mực để mỗi CB,ĐV "tự soi", "tự sửa" mà còn là những tiêu chuẩn để sàng lọc, sử dụng cán bộ của Đảng. Trong đó, có những nội dung mới, chứa đựng những thông điệp cốt lõi nhất, thể hiện tại Điều 2 về các phẩm chất "bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập" và khoản 5 Điều 3: "Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín". Các quy định này đã làm rõ hơn nội hàm của những phẩm chất của người CB,ĐV "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", không chỉ yêu cầu sự tu dưỡng, giữ vững phẩm chất của người đảng viên, mà còn làm rõ giới hạn, ngăn chặn những tư lợi cá nhân từ gia đình, người thân và những người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của người CB,ĐV để trục lợi. Đây là điểm rất mới trong quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CB,ĐV, truyền tải những thông điệp quan trọng đến các đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Quy định số 144 được ban hành khẳng định sự quyết tâm của Đảng trong củng cố, xây dựng đội ngũ CB,ĐV "vừa hồng, vừa chuyên", có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, có năng lực thực tiễn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; là tiêu chí để lựa chọn những cán bộ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về đạo đức, năng lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì sự trường tồn và phát triển bền vững, phồn vinh của đất nước như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

------

[1], [2], [7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 15, tr. 616, 611, 611.

[3), [4], [6], [8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 307, 302, 307, 260.

[5], [9], [13] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.270; tập 10, tr.175; tập 8, tr.13.

[10], (11], (12] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 64, 65, 470.

Lê Sơn

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   3252
  • Tháng hiện tại:   453684
  • Tổng lượt truy cập:   6740782