Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Bến cảng Nhà rồng (TP Hồ Chí Minh) - Nơi đây Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 (Ảnh tư liệu)
Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến. Trên thế giới, từ giữa thế kỷ thứ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở các nước Tây Âu. Tại đây, giai cấp tư sản (GCTS) tăng cường áp bức, bóc lột giai cấp công nhân (GCCN) , dẫn đến mâu thuẫn giữa GCCN và GCTS trở nên gay gắt, phong trào đấu tranh của công nhân diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chủ nghĩa Mác ra đời với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã trang bị lý luận, dẫn đường cho cuộc đấu tranh của GCCN phát triển từ "tự phát" đến "tự giác". Đồng thời, khẳng định sứ mệnh lịch sử của GCCN thế giới là lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, các nước đế quốc tranh giành nhau xâm chiếm thuộc địa và đã căn bản hoàn thành việc phân chia thế giới, áp đặt ách thống trị thực dân ở khắp các nước Á, Phi và Mỹ Latinh. Vấn đề đặt ra cho các nước thuộc địa và phụ thuộc là làm thế nào để được giải phóng. Thế giới hình thành mâu thuẫn mới, giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Nó trở thành điều kiện khách quan cho phép phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa gắn bó với phong trào cách mạng quốc tế, đặc biệt là với phong trào cách mạng của GCCN ở các nước tư bản.
Đến đầu thế kỷ XX, diễn ra nhiều sự kiện lịch sử thế giới chuyển biến dồn dập. Cuộc xung đột, tranh giành quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), làm cho các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt. Cùng với phong trào đấu tranh của GCCN ở các nước đế quốc, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng lên mạnh mẽ ở các nước "phương Đông thức tỉnh". V.I.Lênin đã phân tích tình hình, tiếp tục phát triển hoàn thiện chủ nghĩa Mác, đề ra lý luận cách mạng vô sản có thể thành công ở một số nước, thậm chí trong một nước tư bản phát triển trung bình; đồng thời nêu lên nguyên lý về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, về sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân ở các nước tư bản và các dân tộc ở các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Thực tiễn chứng minh lý luận của V.I.Lênin là đúng với thắng lợi của cuộc Cách mang Tháng Mười năm 1917 dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga. Thắng lợi của Cách mang Tháng Mười là nguồn cổ vũ lớn lao đối với cách mạng thế giới, nhất là cách mạng ở thuộc địa. Đầu năm 1919, V.I.Lênin cùng các nhà cách mạng chân chính ở các nước thành lập Quốc tế Cộng sản - một tổ chức quốc tế của phong trào cách mạng thế giới. Quốc tế Cộng sản ra đời đánh dấu bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng vô sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới.
Trong bối cảnh chung của quốc tế, Việt Nam sớm trở thành đối tượng bị dòm ngó và xâm lược. Trước khi bị thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm, Việt Nam vẫn là một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Tuy nhiên, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà suy tàn, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến trở nên gay gắt. Trước hành động xâm lược của đế quốc Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã từng bước đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, lần lượt ký với thực dân Pháp các Hiệp ước như: Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884) chọn con đường đầu hàng thực dân Pháp. Chế độ phong kiến Việt Nam đã bộc lộ rõ sự khủng hoảng, có thái độ ươn hèn, bất lực và phản động. Trái ngược với thái độ của triều đình phong kiến, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, các phong trào yêu nước chống Pháp của Nhân dân ta đã liên tiếp nổ ra mạnh mẽ, khắp Bắc, Trung, Nam. Cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của Nhân dân ta đã gây cho bọn xâm lược rất nhiều khó khăn, thiệt hại. Phải đến năm 1884, chúng mới đặt được ách thống trị lên đất nước ta. Các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra anh dũng nhưng đều thất bại, đều bị dập tắt trong máu lửa. Năm 1885, phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước phát triển rầm rộ, nhưng cũng chỉ kéo dài được đến năm 1896. Tuy các sĩ phu giàu lòng yêu nước, nhưng không có khả năng vạch ra được giải pháp mới phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và xu thế phát triển của thời đại. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, các phong trào yêu nước chống Pháp đều bị thất bại.
Đến đầu thế kỷ XX, sau khi thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong về mặt quân sự, hoàn thành xâm lược nước ta, thực dân Pháp tiến hành kế hoạch “khai thác thuộc địa” nhằm bóc lột, vơ vét sức người, sức của ở Việt Nam. Dưới chế độ khai thác, bóc lột và thống trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng:
Về chính trị, thực dân Pháp thực hành chính sách chính trị chuyên chế. Chúng dùng lối cai trị trực tiếp bằng bộ máy công chức chuyên nghiệp người Pháp, thâu tóm mọi quyền hành. Đứng đầu bộ máy cai trị ở Đông Dương là một tên toàn quyền người Pháp. Triều đình nhà Nguyễn chỉ đóng vai trò bù nhìn. Với bộ máy nhà nước thuộc địa như vậy, chúng thẳng tay đàn áp, không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Cùng với chính sách đàn áp dã man phong trào cách mạng, chúng còn dùng chính sách chia để trị. Chúng chia nước ta thành ba kỳ với ba hình thức cai trị khác nhau nhằm chia rẽ và gây hằn thù dân tộc. Chúng còn chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương. Đối với nhân dân ba nước Đông Dương thì sau khi đẩy họ chống lại nhau, chúng “lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại”, lập nên xứ “Đông Dương thuộc Pháp”. Chúng còn bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ, đàn áp dã man mọi hoạt động yêu nước của nhân dân ta.
Về kinh tế, để thu được lợi nhuận tối đa, đế quốc Pháp thi hành chính sách kinh tế thực dân rất bảo thủ và phản động, đó là duy trì phương thức sản xuất phong kiến kết hợp với việc thiết lập một cách hạn chế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thức thực dân được du nhập vào Việt Nam. Thực hiện chính sách trên, đế quốc Pháp thực hành thủ đoạn độc quyền kinh tế và thủ đoạn bóc lột phi kinh tế, đó là chế độ thuế khóa vô cùng nặng nề và hết sức vô lý. Chính sách kinh tế trên của Pháp đã tước hết khả năng phát triển độc lập của nền kinh tế Việt Nam, làm cho nó ở trong tình trang lạc hậu, phải hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế Pháp. Nhân dân Việt Nam bị bần cùng hóa, nông dân, thợ thủ công phá sản, ngày càng nghèo đói.
Về văn hóa, xã hội, đế quốc Pháp thi hành chính sách ngu dân, truyền bá văn hóa nô dịch, phản động. Chúng tước hết mọi quyền sống của con người, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng tìm mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam. Chúng làm cho dân ngu để dễ bề cai trị “không những đầu độc Nhân dân An Nam bằng rượu cồn và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để”[1], đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.
Bên cạnh các chính sách thống trị của thực dân Pháp, các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản trên thế giới dồn dập dội vào nước ta: tư tưởng của Cách mạng Nga năm 1905 dưới tác động của nước Nhật duy tân, chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, tư tưởng dân tộc, dân quyền của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, tư tưởng của Cách mạng dân chủ tư sản Pháp,... Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng trên, phong trào yêu nước Việt Nam chuyển sang khuynh hướng mới mà ta thường gọi là cuộc vận động dân tộc dân chủ tư sản, tiêu biểu là các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can, cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ,... Sau một thời gian phát triển rầm rộ, các phong trào trên cũng nối tiếp nhau tan rã trước sự đàn áp man rợ của đế quốc Pháp.
Những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên đây dẫn đến những thay đổi về tính chất và mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, về đối tượng và lực lượng của cách mạng Việt Nam. Cơ cấu giai cấp xã hội cũng thay đổi: giai cấp công nhân và giai cấp tư sản hình thành cùng với sự phân hóa của các giai cấp cũ, rồi kéo theo sự thay đổi về ý thức xã hội và đời sống. Bị đế quốc Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam từ một xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp (mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa Nhân dân Việt Nam mà chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến). Đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng Việt Nam là đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến. Trong bối cảnh của tình hình quốc tế và trong nước như vậy, giải phóng dân tộc là yêu cầu căn bản của xã hội Việt Nam, là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam. Rõ ràng, đến đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam diễn ra cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cách mạng Việt Nam ở trong "tình hình đen tối như không có đường ra".
Vượt qua sự hạn chế của điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam lúc đó, vượt lên những hạn chế của các sĩ phu yêu nước đương thời, bằng thiên tài trí tuệ và bằng hoạt động thực tiễn của mình, Nguyễn Tất Thành đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết đó, đã tìm ra giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình trí thức nhà nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng. Hoàn cảnh gia đình, quê hương, đất nước có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành vào học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, năm sau vào học Trường Quốc học Huế. Tại đây, anh có điều kiện bổ sung vốn kiến thức Nho học, tiếp thu văn hóa phương Tây. Vốn văn hóa đó giúp anh có khả năng suy xét và hoạt động có tư duy. Những năm sau theo cha vào Huế và đi nhiều nơi trong vùng, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong kiến, đã hình thành ở anh lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc. Năm 1908, ở Huế và Trung Kỳ bùng nổ phong trào kháng thuế rầm rộ. Nguyễn Tất Thành cùng số đông học sinh Trường Quốc học tích cực tham gia phong trào. Thực dân Pháp đàn áp dã man. Thất bại của phong trào chống thuế ở Huế cũng như ở Trung Kỳ cùng các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, làm cho Nguyễn Tất Thành nhận rõ hơn bản chất dã man của bọn thực dân và cũng làm cho anh sớm thấy được sức mạnh đấu tranh của quần chúng khi được tổ chức.
Từ các sự kiện trên, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ, cân nhắc đến con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Anh phân tích đúng đắn những điều kiện khách quan và chủ quan trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX để đi đến kết luận: Cụ Phan Châu Trinh chủ trương chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác gì "xin giặc rủ lòng thương"; Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng "còn nặng cốt cách phong kiến". Vì vậy, Nguyễn Tất Thành chọn cho mình hướng đi mới, đó là tìm cách đến các nước phương Tây, nơi có trào lưu Tự do, Bình đẳng, Bác ái để tìm cách làm mới, phương pháp mới, rồi trở về nước giúp Tổ quốc, giúp đồng bào. Về sau Người nói: "Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ". Như vậy, quyết định của Nguyễn Tất Thành có mục đích rõ ràng và có định hướng cụ thể. Với ý định đó, sau khi rời Huế vào Phan Thiết dạy học một thời gian, đầu năm 1911, anh vào Sài Gòn xin vào Trường Bách Nghệ.
Trong bối cảnh thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ sôi động, đất nước đang chìm trong sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần.
Tàu L’Admiral Latouche Trévill - nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 tại Bến Nhà Rồng (Ảnh tư liệu).
Ngày 05/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt, phi thường ấy. Hành trang của anh mang theo không có gì ngoài tấm lòng yêu nước, đôi bàn tay lao động và ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, nhịp bước với thời đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân một cách hữu cơ từ trong bản chất giai cấp và trên tinh thần đấu tranh vì lợi ích dân tộc và của toàn nhân loại.
Trên đường hành trình cứu nước, Nguyễn Tất Thành chấp nhận cuộc sống của người lao động làm thuê. Đối với Người, đó chỉ là phương tiện nhằm thực hiện mục đích đã đặt ra. Động cơ thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi là tìm một giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, trước hết là nước Pháp, nước có cuộc Cách mạng 1789 điển hình, nhưng cũng là nước đẻ ra chế độ thực dân đang thống trị Tổ quốc của Người. Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân. Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920 (Ảnh tư liệu).
Đó là mục tiêu trực tiếp của chặng đầu cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành. Muốn "trở về giúp đồng bào" thì trước hết phải hiểu thật đầy đủ kẻ thù đang áp bức dân tộc mình, nhất là từ trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, đồng thời phải tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn theo đường hướng mới. Sự khác biệt giữa Nguyễn Tất Thành với những người sang Pháp hồi ấy là ở chỗ đó. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra, Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Trên hành trình ấy, Người đã tìm ra con đường cứu nước vô sản năm 1920, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước cho dân tộc; sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác./.
-----
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (tập 2), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.106.
Lê Sơn