Chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong giai đoạn hiện nay

09/07/2023 08:13:29 376      Chọn cỡ chữ A a  

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Người coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Tư tưởng bao trùm, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số (DTTS) khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”[1].

Đảng ta luôn quan tâm, dành nhiều chủ trương ưu tiên, đầu tư phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh… đối với vùng dân tộc. Các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, với nội dung cơ bản thống nhất. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, gắn phong trào quần chúng với thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc được tăng cường. Công tác xây dựng, quản lý, phát huy vai trò người có uy tín, già làng trong đồng bào DTTS được quan tâm thường xuyên. Vận động đồng bào các dân tộc tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, tham gia phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm. Các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống của các DTTS được duy trì và được tổ chức thường xuyên, qua đó, đã góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

          Ông Nguyễn Văn Khang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thăm, tặng quà Người có uy tín

trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đắk Lua, huyện Tân Phú (tháng 12/2022) (Ảnh: TL)

Toàn tỉnh hiện có 50 thành phần DTTS với hơn 198.784 người, chiếm 6,42% dân số toàn tỉnh; trong đó, đông nhất là dân tộc Hoa, với 87.561 người, chiếm tỷ lệ 44%, còn lại là dân tộc Khmer, Nùng, Chơ ro, Tày, Chăm, Mường, Châu Mạ, Sán Dìu…[2] Đồng bào các DTTS ở Đồng Nai có truyền thống gắn bó, đoàn kết lâu đời, không có sự phân biệt giữa các dân tộc; đồng bào sống rải rác, xen kẽ; tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến trên địa bàn tỉnh. Người có uy tín trong đồng bào DTTS luôn phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với đồng bào DTTS; đoàn kết trong xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn văn hóa.

           Các chương trình, chính sách của Chính phủ, của tỉnh liên quan đến đồng bào vùng DTTS được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Hằng năm, tỉnh tổ chức các hoạt động họp mặt, thăm hỏi, động viên người có uy tín, nhằm nắm tình hình, tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các quy định của pháp luật, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương[3]. Công tác dạy và học được đổi mới và nâng cao chất lượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Duy trì kết quả 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phố cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tăng cường hỗ trợ về số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho giáo viên người DTTS. 100% xã có đông đồng bào DTTS số có đường nhựa đi đến trung tâm, 99,5% ấp vùng DTTS có đường giao thông được nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới; 100% các xã, ấp vùng đồng bào DTTS có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng; 100% xã có trạm truyền thanh, 100% ấp có cụm loa truyền thanh, tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100%; 99,9% số hộ có điện sinh hoạt, trên 82,5% số hộ được sử đụng nước sạch; 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn…

           Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể:

           1). Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc theo Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019, của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới gắn với thực hiện Thông tri số 02-TT/TU, ngày 24/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng trong vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

           2). Đồng thời, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhất là, chính sách chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, tinh thần cho đồng bào DTTS. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và các chương trình, đề án liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ, của tỉnh.

           3). Tăng cường củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận vùng đồng bào DTTS; tập trung thực hiện công tác phát triển đảng viên mới là đồng bào DTTS, tăng cường tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng lực lượng nòng cốt trong đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng hiểu rõ chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và thực tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

            4). Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các ngành tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo, thăm hỏi, động viên đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện các chương trình, dự án, các chính sách vùng DTTS. Tiếp tục xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các xã, ấp, khu phố có đông đồng bào DTTS thật sự vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho đồng bào ổn định cuộc sống, lao động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định quan điểm công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các DTTS là hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng và phát triển.

Trần Thị Mai Chi



[1] Trích thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19/4/1946.

[2] Dân tộc Khmer 23.560 (chiếm 11,85%), Nùng 87.497 (chiếm 9,33%), Chơ ro 16.738 (chiếm 8,42%), Tày 16.529 (chiếm 8,31%), Chăm 8.603 (chiếm 4,32%), Mường 6.257 (chiếm 3,14%), Châu Mạ 2.695 (chiếm 1,35%), Sán Dìu 607 (chiếm 0,3%), dân tộc khác chiếm khoảng 16.340 (chiếm 8,92%).

[3]Từ năm 2020 đến nay, nhân dịp tết nguyên đán hàng năm ngành chức năng của tình đã tổ chức họp mặt và trao tặng 624 phần quả cho hơn 208 lượt là người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng trị giá hơn 452 triệu đồng. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp lễ tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiều số, người có uy tín bị bệnh, viểng đảm tang người có uy tín...

Bản in
  • Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

    Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bắt đầu diễn ra ngày 13/3/1954 - “Quyết định lịch sử” thay đổi vận mệnh dân tộc

  • Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

    Thượng úy Vi Hữu Toàn với mô hình “Khéo tuyên truyền, khéo vận động, khéo tổ chức”

  • Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam

  • Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

    Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, tạo bước ngoặt lịch sử quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước

  • Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Kỷ niệm 69 năm Thầy thuốc Việt Nam (27/02) - Phát huy truyền thống vẻ vang “Lương y như từ mẫu” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • Hôm nay:   19836
  • Tháng hiện tại:   341017
  • Tổng lượt truy cập:   6628115