Tại Đồng Nai, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 28/3/2022 về chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Nghị quyết 05 Tỉnh ủy). Chuyển đổi số với 03 trụ cột: chính quyền số (chính phủ số), kinh tế số và xã hội số. Việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 05 Tỉnh ủy và triển khai thực hiện đã thể hiện quyết tâm và nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đ/c Nguyễn Sơn Hùng - TUV, PCT UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ
phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước (tháng 10/2022)
Xác định chuyển đổi số là cơ hội lớn, trong đó Chính phủ số đóng vai trò then chốt
Chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng trong việc đi tắt đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương nói chung và Nghị quyết 05 Tỉnh ủy nói riêng.
Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.
Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử, hiểu một cách đơn giản, là “bốn Không”, có khả năng họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số là chính phủ điện tử, thêm “bốn Có”, có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số với nhiều khó khăn và thách thức
Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó, là việc lâu dài. Thay đổi thói quen ở một tổ chức phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu.
Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo[1]. Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Nghị quyết 05 Tỉnh ủy xác định quá trình chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn 4 hạn chế đó là: (1) chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh vẫn ở mức trung bình so với cả nước (xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố); (2) hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tụt 6 bậc so với năm 2018); (3) cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp (xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố; trong đó, hạ tầng nhân lực trong các cơ quan nhà nước xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố); (4) hoạt động chuyển đổi số trên các lĩnh vực còn hạn chế (Chỉ số chuyển đổi số DTI - Digital Transformation Index năm 2020 xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, đứng thứ 25 về xếp hạng chính quyền số, thứ 29 về kinh tế số và xếp thứ 16 về xã hội số). Bên cạnh đó, Nghị quyết 05 Tỉnh ủy cũng xác định rõ nguyên nhân của các hạn chế trên; đồng thời, cũng xác định 09 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05 Tỉnh ủy đã đề ra.
Để chuyển đổi số là bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh phải nâng cao nhận thức hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Nghị quyết 05 Tỉnh ủy chỉ ra. Đặc biệt nêu cao vai trò của người đứng đầu đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.
Ngọc Ánh